Ngành Thuế đồng hành với hộ kinh doanh
Từ ngày 1-1-2026, thuế khoán chính thức bị xóa bỏ, hộ kinh doanh sẽ chuyển sang cơ chế tự khai - tự nộp thuế theo doanh thu thực tế. Đây là thách thức không nhỏ khi hộ kinh doanh rất đa dạng và nhiều hộ quen ghi chép bằng sổ tay…
Trong bối cảnh đó, cơ quan quản lý và nhà cung cấp giải pháp đồng hành với hộ kinh doanh để thực hiện chính sách thuế mới.
Những khó khăn
Tại tọa đàm “Hộ kinh doanh với chính sách thuế mới: Thách thức và giải pháp đồng hành” do Thuế thành phố Hà Nội và Báo Tiền phong tổ chức sáng 8-7, Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong Lê Minh Toản cho biết, từ ngày 1-1-2026, thuế khoán chính thức bị xóa bỏ, hộ kinh doanh sẽ chuyển sang cơ chế tự khai - tự nộp thuế theo doanh thu thực tế, có lộ trình sử dụng hóa đơn điện tử; đồng thời với hàng hóa mua vào, hộ kinh doanh phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về hóa đơn, chứng từ, xác định nguồn gốc hàng hóa.

Liên quan đến quy định hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ trở lên phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế, Phó Thuế thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Minh cho biết, trên địa bàn Hà Nội có 4.979 hộ kinh doanh có mức doanh thu trên 1 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 1,5 % trên số hộ quản lý thuế, chiếm tỉ lệ 2,8% số hộ khoán.
Từ khi Nghị định 70/2025/NĐ-CP có hiệu lực, trên địa bàn đã có thêm 9.155 hộ kinh doanh đăng ký triển khai sử dụng. Trong đó, 4.379 hộ kinh doanh thuộc diện bắt buộc triển khai và 4.776 hộ kinh doanh tuy chưa thuộc diện bắt buộc nhưng đã chủ động, tự nguyện tham gia sau khi được cơ quan thuế tuyên truyền hướng dẫn.
Thuế thành phố Hà Nội đã phối hợp với nhà cung cấp triển khai thêm các giải pháp đơn giản, chi phí thấp, nhiều ưu đãi, có nhà cung cấp thậm chí miễn phí tới 6 tháng, hỗ trợ hộ kinh doanh.
"Thuế thành phố Hà Nội khẳng định không truy thu thuế nếu doanh thu chênh lệch so với mức thuế khoán", ông Tiến nói.
Liên quan đến khó khăn, Giám đốc Khối Kế toán dịch vụ và Hộ kinh doanh, Công ty cổ phần MISA Bùi Thị Trang cho rằng, mô hình hộ kinh doanh rất đa dạng, từ những người đã buôn bán tại chợ hàng chục năm cho đến các bạn trẻ kinh doanh online.
Chính sự đa dạng này tạo nên những khó khăn nhất định trong việc triển khai hóa đơn điện tử cho nhóm hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, để xuất hóa đơn đầu ra đúng quy định thì cần có hóa đơn đầu vào, mà đây lại là điểm yếu của nhiều hộ kinh doanh hiện nay, đặc biệt là với các mặt hàng tồn kho chưa có hóa đơn hợp lệ.
Hóa đơn đầu vào cũng là vấn đề bà Dương Thị Thanh (phường Văn Miếu-Quốc Tử Giám) lo lắng. Bà Dương Thị Thanh cho biết, đã áp dụng hóa đơn điện tử hơn 1 tháng, song gặp khó khăn về hóa đơn đầu vào do mặt hàng kinh doanh là sản phẩm du lịch, văn hóa.
Phần mềm hóa đơn đơn giản, phù hợp mọi hộ kinh doanh
Trong khi đó, ông Lê Ngọc Sơn, Đại diện Ban quản lý chợ Đồng Xuân cho rằng, bất kỳ chính sách nào khi mới triển khai, giai đoạn đầu bao giờ cũng gặp nhiều khó khăn.
Trước đây khi áp dụng mã QR, ban đầu các hộ kinh doanh cũng phản ứng vì thấy phức tạp. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ tích cực từ phía ngân hàng, đến nay, 100% hộ kinh doanh tại chợ Đồng Xuân đều đã sử dụng QR code.

“Với việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, chúng tôi xác định đây là bước chuyển tất yếu theo chủ trương của Nhà nước. Ban quản lý chợ đã tập trung tuyên truyền để các tiểu thương hiểu rõ và từng bước làm quen với phương thức mới”, ông Lê Ngọc Sơn nói.
Phía hộ kinh doanh nhìn nhận, lúc đầu, do mới nên việc thực hiện khó khăn, song việc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ tạo sự minh bạch.
Đại diện các nhà cung cấp cho hay, hệ thống hóa đơn dành cho hộ kinh doanh bảo đảm tiêu chí đơn giản, thuận tiện, minh bạch, dễ sử dụng. Giải pháp cho phép các hộ kinh doanh thực hiện từ bán hàng, xuất hóa đơn điện tử đến kê khai thuế trên một phần mềm duy nhất.
Chỉ với 2-3 thao tác đơn giản, các chủ hộ kinh doanh có thể bán hàng và xuất hóa đơn ngay trên điện thoại mà không cần đầu tư vào nhiều phần mềm hay thiết bị đắt tiền.
Theo Thượng tá Lê Văn Mạnh, Phó Giám đốc Viettel Hà Nội, trong quá trình thiết kế phần mềm hỗ trợ hộ kinh doanh kê khai thuế, Viettel đặt ra 4 tiêu chí cốt lõi: Làm được bằng mọi giá, ai cũng dùng được, ở đâu cũng dùng được và thiết bị nào cũng dùng được. Đây là cam kết hướng đến sự minh bạch, đơn giản và thuận tiện tối đa cho người dân.