Nhộn nhịp công trường mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 28B
Nhóm phóng viên báo Hànộimới đã thực hiện chuyến khảo sát thực địa, cập nhật thực tế tiến độ thi công mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 28B nối vùng biển Phan Thiết đến vùng núi Đà Lạt.

Nhóm phóng viên chúng tôi thực hiện chuyến khảo sát thực tế gần 70km Quốc lộ 28B của tỉnh Lâm Đồng vào chủ nhật đầu tiên của tháng 7-2025. Đây là con đường ngắn nhất nối miền biển Nam Trung Bộ từ thành phố Phan Thiết thuộc tỉnh Bình Thuận cũ lên Quốc lộ 20 đoạn gần sân bay Liên Khương của tỉnh Lâm Đồng cũ, từ đó nối vào cao tốc lên Đà Lạt.



Theo Bộ Xây dựng, Quốc lộ 28B đóng vai trò chiến lược, là hành lang Đông – Tây quan trọng nối liền vùng Nam Tây Nguyên với khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, đến năm 2023, con đường chiến lược này trở nên chật chội với mặt đường hẹp, nhiều khúc cua gắt; đèo Đại Ninh hiểm trở, nên ảnh hưởng nhiều đến phát triển du lịch, thương mại của toàn vùng.

Vì vậy, tháng 4-2024, Bộ Giao thông – Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đã khởi công mở rộng, nâng cấp toàn tuyến quốc lộ này. Theo đó, Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B có điểm đầu giao với Quốc lộ 1 tại ngã ba Lương Sơn, điểm cuối giao với Quốc lộ 20 tại ngã ba Tahine của tỉnh Lâm Đồng. Tổng chiều dài toàn tuyến 69km, vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng từ nguồn vốn kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Thông tin cập nhật tiến độ đến chúng tôi, đại diện Ban Quản lý dự án 5 (Cục Đường bộ - Bộ Xây dựng) cho biết, các đơn vị thi công đã hoàn thành khoảng 30% giá trị hợp đồng; đã trải nhựa khoảng 20/68km dự án; nhiều đoạn cua gấp đang được thi công mở rộng; nhiều đoạn đường đèo Đại Ninh cũng đang được xây dựng cầu cạn để nắn thẳng và mở rộng…



“Bộ Xây dựng chỉ đạo quyết liệt cho các nhà thầu tăng ca, huy động thêm nhân lực, vật tư, giải quyết nhanh phần đất rừng chưa hoàn thành thủ tục giải phóng mặt bằng để hoàn thành dự án trong năm 2025 theo đúng cam kết”, đại diện ban Quản lý dự án 5 cho biết.

Vào buổi sáng, từ thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi mất khoảng 2,5 giờ đồng hồ để đến được nút giao giữa cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo và rẽ trái vào Quốc lộ 28B. Trên đoạn đường hơn 20km chạy trên địa hình bằng phẳng, nhiều nơi mặt đường đã được mở rộng từ 12 đến 18m theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, cho phép ô tô chạy tốc độ tối đa 80km khi hoàn thành.

Từ Km28 - Km69, Quốc lộ 28B là những đoạn đèo dốc liên tiếp với rất nhiều khúc cua gấp đang được bạt núi để mở rộng, nắn thẳng; nhiều cầu cạn cắm chân sâu đến 30m vào nền đá và vươn cao hàng chục mét từ thung lũng lên sườn núi, mở rộng mặt đường theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, vận tốc thiết kế 60km/h khi hoàn thành.

Tại trạm dừng chân đỉnh đèo Đại Ninh, chúng tôi gặp và hỏi chuyện ông Vũ Văn Hưng, một cán bộ ngành Giao thông nay đã nghỉ hưu, ngụ tại xã Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Ông Hưng cùng con trai thay nhau lái xe “trải nghiệm” cung đường Quốc lộ 28B đang “lột xác” từng giờ, hứa hẹn sớm trở thành một trong những cung đường nối rừng với biển đẹp nhất Nam Trung Bộ.

“Hồi năm 2023, cử tri các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận rất phấn khởi khi các đại biểu Quốc hội cho biết đã chuyển đề xuất của chính quyền và người dân địa phương đến cơ quan chức năng về việc cần sớm nâng cấp con đường chiến lược này, vốn đã xuống cấp trầm trong sau nhiều năm phục vụ. Lắng nghe nguyện vọng của người dân, Trung ương đã quyết định đầu tư nâng cấp toàn tuyến. Vào thời điểm 3 tỉnh hợp nhất thành tỉnh Lâm Đồng, gia đình tôi muốn thực hiện chuyến đi nhiều thử thách nhưng cũng lắm trải nghiệm thú vị này và rất phấn khởi khi thấy mọi sự đang đổi thay từng giờ”, ông Hưng chia sẻ.


Còn anh Trương Xuân Trung, tài xế xe tải chuyên chạy tuyến Đà Lạt – thành phố Hồ Chí Minh cho biết Quốc lộ 28B sẽ là lựa chọn hàng đầu của cánh lái xe khi muốn đi từ Đông Nam Bộ hoặc Nam Trung Bộ lên Đà Lạt. Anh nói: “Quốc lộ 20 nối Dầu Giây với Đà Lạt luôn đông chật xe, qua nhiều khu dân cư, đi lại khó khăn; đèo Bảo Lộc rất dễ tắc nghẽn mỗi khi có va chạm. Quốc lộ 28 đã được sửa đẹp, nhưng quá hẹp và cua gấp, không phù hợp cho xe khách, xe tải chạy trên tuyến. Còn Quốc lộ 28B vừa gần, vừa tiện… Chúng tôi mong từng ngày quốc lộ hoàn thành việc nâng cấp”.
Theo Ban Quản lý Dự án 5, dự án dự kiến đưa vào khai thác trong quý I-2026, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng vùng Tây Nguyên và phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối với kinh tế vùng.