Chính trị

Cử tri 10 xã, phường của Hà Nội quan tâm những vấn đề liên quan thực hiện chính quyền địa phương hai cấp

Ánh Dương 08/07/2025 - 11:25

Sáng 8-7, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội - đơn vị bầu cử số 5 đã tiếp xúc cử tri 10 xã, phường của Hà Nội sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Tham dự buổi tiếp xúc cử tri có các đại biểu: Nguyễn Hải Trung, Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo; Nguyễn Trúc Anh, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Đồng cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành thành phố.

hoai-duc-qc(1).jpg
hoai-duc-qc.jpg
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri trực tiếp và trực tuyến. Ảnh: Ánh Dương

Buổi tiếp xúc cử tri được thực hiện bằng hình thức trực tiếp tại trụ sở HĐND-UBND xã Hoài Đức (đối với xã Hoài Đức và xã An Khánh) và trực tuyến tại trụ sở HĐND-UBND các xã, phường: Sơn Đồng, Dương Hòa, Phú Thượng, Tây Hồ, Tây Tựu, Xuân Đỉnh, Đông Ngạc, Thượng Cát.

Thay mặt các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đại biểu Nguyễn Trúc Anh, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Đồng thông báo với cử tri về kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; thông tin tới các cử tri về kết quả giải quyết, trả lời của Quốc hội, các cơ quan trung ương, UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan có thẩm quyền về những kiến nghị của cử tri tại các kỳ tiếp xúc lần trước.

hoai-duc-db.jpg
Đại biểu Nguyễn Trúc Anh, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Đồng thông tin tới cử tri kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Ánh Dương

Tại buổi tiếp xúc cử tri, có 9 ông, bà nêu ý kiến, kiến nghị, đề xuất với đại biểu Quốc hội. Cụ thể, cử tri Nguyễn Thị Duyên, Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố 8, Nghĩa Đô, phường Tây Hồ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, nên sáp nhập Cục Quản lý chất lượng với các đơn vị liên quan thuộc Bộ, như: Vụ Giáo dục Đại học, Vụ Giáo dục trung học, Vụ Giáo dục tiểu học, Vụ Giáo dục mầm non. Do các chức năng, nhiệm vụ chính của Cục Quản lý chất lượng giao về cho các đơn vị chuyên môn phụ trách trực tiếp đảm nhận sẽ phù hợp hơn.

hoai-duc-ctri3.jpg
hoai-duc-ctri2.jpg
hoai-duc-ctri1.jpg
hoai-duc-ctri4.jpg
Các cử tri nêu ý kiến. Ảnh: Ánh Dương

Cử tri cũng đề nghị sửa Luật Giáo dục 2019, không quy định kiểm định chất lượng giáo dục bắt buộc đối với chương trình đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học, chỉ nên quy định đối với cơ sở giáo dục. Do quy trình kiểm định chất lượng giáo dục là 5 năm, hết thời hạn phải thực hiện quy trình đánh giá tiếp theo. Để đánh giá một cơ sở giáo dục hoặc một chương trình đào tạo trong cơ sở giáo dục đại học đạt kiểm định chất lượng giáo dục tốn từ 200-300 triệu đồng/lần, trong khi mỗi cơ sở giáo dục đại học có hàng trăm chương trình đào tạo. Như vậy, trong 5 năm, tính riêng một cơ sở giáo dục đại học phải tốn một lượng tiền rất lớn cho hoạt động này.

Ngoài ra, vấn đề dạy thêm, học thêm đối với học sinh khối tiểu học và THCS hiện nay đang có tình trạng biến tướng, đổi giáo viên dạy giữa các nhà trường và nhiều hình thức khác. Đề nghị nhà nước có giải pháp giải quyết triệt để vấn đề dạy thêm, học thêm.

Cử tri Trần Đình Đạt, phường Xuân Đỉnh kiến nghị, đề nghị Quốc hội sớm phân định rạch ròi địa giới hành chính giữa các xã, phường để thực hiện tốt công tác quản lý; cập nhật quy hoạch phù hợp với chính quyền địa phương hai cấp; các đơn vị khi được giao quản lý đất đai, phải sử dụng phù hợp, tránh tình trạng lãng phí.

Cử tri Nguyễn Tự Bính, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Dương Hòa phản ánh, đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, đề xuất cụ thể chế độ đãi ngộ đối với cán bộ bán chuyên trách nghỉ việc khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, để khi áp dụng thực tế không thiệt thòi cho cán bộ nghỉ hưu sớm.

Cử tri Nguyễn Viết Khoa (đại biểu HĐND xã Dương Hòa) đề nghị các đại biểu Quốc hội kiến nghị, đề xuất Quốc hội tiếp tục rà soát các luật có liên quan nói chung và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 nói riêng, để sửa đổi kịp thời, bảo đảm tính đồng bộ giữa các luật, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Cử tri Vương Quốc Trung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hoài Đức băn khoăn, hiện chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức quần chúng nói chung và cựu chiến binh nói riêng trong hệ thống chính trị mới chưa được quy định rõ, nhất là cơ cấu tổ chức thực hiện nhiệm vụ, cần có quy định cụ thể; các tổ chức, đoàn thể chính trị cấp xã quy định có cấp phó hay không, cần có quy định rõ ràng; cần quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh của cán bộ.

Cử tri ở phường Phú Thượng cũng băn khoăn và đề nghị có sự hướng dẫn, kiện toàn Ban thanh tra nhân dân, nhất là hiện nay, Trưởng ban Thanh tra nhân dân chưa được hưởng chế độ.

Cử tri Nguyễn Văn Bình, thôn Tiền Lệ, xã Sơn Đồng nêu: Có nhiều cán bộ, công chức vì lợi ích chung, tự nguyện nghỉ hưu sớm, hoặc thôi việc từ ngày 1-7-2025, để thực hiện việc tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị. Cử tri đề nghị Quốc hội và thành phố Hà Nội quan tâm, sớm thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng này; quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho đội ngũ cán bộ trong độ tuổi lao động nghỉ việc sau khi sắp xếp.

Cử tri cũng phản ánh, hiện các loại tội phạm công nghệ cao ngày một gia tăng, gây lo ngại về an ninh mạng và bảo vệ thông tin cá nhân. Nhiều trường hợp giả danh công an, cán bộ điện lực, ngân hàng để lừa đảo nhân dân với các chiêu trò ngày càng nhiều và tinh vi, số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo rất lớn. Cử tri đề nghị Chính phủ sớm có biện pháp quản lý ngăn chặn, xử lý triệt để.

hoai-duc-db-trung.jpg
Đại biểu Nguyễn Hải Trung, Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo phát biểu. Ảnh: Ánh Dương

Đại biểu Nguyễn Hải Trung, Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, phản ánh, kiến nghị của cử tri, đồng thời khẳng định các ý kiến sẽ được tổng hợp, phân loại, phân nhóm và chuyển tới Quốc hội, UBND thành phố Hà Nội và cấp có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết theo quy định.