Tài chính

Tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm cao nhất kể từ năm 2023 đến nay

Hà Linh

Tính đến cuối tháng 6, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng đã vượt con số 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tăng 19,32% so với cùng kỳ năm 2024, mức tăng trưởng tín dụng cao nhất kể từ năm 2023 đến nay.

Đây là thông tin được công bố tại buổi họp báo kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 8-7.

Mặt bằng lãi suất giảm

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, những tháng đầu năm, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, chịu tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó có các chính sách thuế quan thay đổi nhanh chóng, đến căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Ngay đầu giờ sáng nay theo giờ Việt Nam, Mỹ công bố mức thuế 25-40% đối với 14 quốc gia, hiệu lực từ ngày 1-8, đồng thời cảnh báo sẽ tăng thuế nếu như các quốc gia này trả đũa, cho thấy nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định trong giai đoạn tới.

Lạm phát mặc dù hạ nhiệt về mức mục tiêu nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại. Như vậy, rủi ro tiềm ẩn trên thị trường tài chính – tiền tệ và thị trường hàng hoá toàn cầu là rất lớn…

anh-hop-bao-8-7.jpg
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà thông tin về chính sách tiền tệ. Ảnh: HL

Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để phấn đấu hạ lãi suất cho vay...

Kết quả, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm, lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 6,29%/năm, giảm 0,64%/năm so với cuối năm 2024.

Về tỷ giá, trong những giai đoạn thị trường chịu áp lực quốc tế lớn, Ngân hàng Nhà nước bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản thị trường, phục vụ các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; tạo dư địa cho tỷ giá có điều kiện diễn biến linh hoạt, góp phần hấp thu cú sốc bên ngoài.

Nhờ đó, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều, phù hợp với điều kiện thị trường.

Cơ cấu tín dụng phù hợp với cơ cấu nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp. Các tổ chức tín dụng đã tích cực giải ngân cho các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, như: Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản đã nâng quy mô từ 15.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng; Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long, ước tính đến cuối tháng 6, doanh số luỹ kế cho vay của Chương trình đạt khoảng 5.200 tỷ đồng.

Một số chương trình khác như cho vay nhà ở xã hội; cho người trẻ dưới 35 tuổi vay mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số, các chương trình tín dụng chính sách,... cũng đang được triển khai.

"Hạ nhiệt" giá vàng

Đối với quản lý thị trường vàng, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, trong những tháng đầu năm 2025, do nhiều nguyên nhân khách quan tác động, giá vàng thế giới liên tục phá vỡ mức kỉ lục.

Trong nước, giá vàng miếng SJC diễn biến cùng chiều với giá thế giới. Với những giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước và sự phối hợp tích cực của các cơ quan chức năng, cho đến đầu tháng 4-2025, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới đã được kiểm soát trong biên độ phù hợp.

anh-toan-canh-hop-bao-8-7.jpg
Toàn cảnh họp báo. Ảnh: HL

Việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được đẩy mạnh, sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm.

Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Một trong những hoạt động cũng được đẩy mạnh trong thời gian qua là khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện, thúc đẩy chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân và doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển của kinh tế đất nước.

Hệ sinh thái số đa dạng đã đem lại nhiều tiện ích hấp dẫn cho người dùng; đến nay, hầu hết dịch vụ ngân hàng hàng cơ bản đã thực hiện trên kênh số, nhiều ngân hàng đạt tỷ lệ trên 95% giao dịch thực hiện trên kênh số.

Trong 5 tháng đầu năm 2025, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 45,44% về số lượng và 25,21% về giá trị; qua kênh internet tăng 46,09% về số lượng và 34,46% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán được tăng cường.

Tính đến ngày 13-6, ngành Ngân hàng có hơn 117 triệu hồ sơ khách hàng (CIF) được đối chiếu sinh trắc học qua CCCD gắn chip hoặc VneID, đạt gần 100% tổng lượng tài khoản thanh toán cá nhân phát sinh giao dịch trên kênh số; hơn 927 nghìn hồ sơ khách hàng tổ chức đã được đối chiếu thông tin sinh trắc học đạt hơn 70% tổng số lượng tài khoản thanh toán tổ chức phát sinh giao dịch trên kênh số.