Bộ máy tinh gọn, phục vụ hiệu quả:Kỳ vọng lớn từ cử tri Thủ đô
Trước kỳ họp thứ hai mươi lăm, HĐND thành phố Hà Nội, tại các cuộc tiếp xúc cử tri ở nhiều địa bàn, các đại biểu đã tiếp nhận 73 kiến nghị thuộc nhiều lĩnh vực: Kinh tế, ngân sách, đất đai, quy hoạch, đô thị, văn hóa, xã hội…
Đặc biệt, cử tri dành nhiều sự quan tâm đến vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, quản lý chặt đất đai
Cử tri các phường: Yên Hòa, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Phương Liệt, Khương Đình, Thanh Xuân,Long Biên, Bồ Đề, Việt Hưng… kiến nghị thành phố tăng cường quản lý, có phương án sắp xếp, sử dụng hiệu quả nhà đất công sau sáp nhập, tránh thất thoát, lãng phí; ưu tiên bố trí làm trường học, cơ sở y tế, địa điểm sinh hoạt cộng đồng.
Cử tri các xã: Phúc Thọ, Hát Môn, Phúc Lộc và phường Tây Hồ, Hồng Hà, Phú Thượng đồng tình cho rằng, việc sáp nhập đơn vị hành chính là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý đất đai. Thành phố cần hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai hiện đại, liên thông, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận thông tin cũng như thực hiện thủ tục hành chính.
Cử tri các phường: Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy phản ánh tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn do lạm phát, thiếu nguyên liệu, đơn hàng sụt giảm… Cử tri kiến nghị thành phố có những giải pháp cụ thể, hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế; đồng thời xem xét gia hạn thời gian áp dụng hóa đơn điện tử và chính sách thuế đối với hộ kinh doanh nhỏ nhằm tránh tình trạng đóng cửa hàng loạt, ảnh hưởng đến thu ngân sách và sức mua.
Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan, cử tri các phường Tây Hồ, Hồng Hà, Phú Thượng, Hoàn Kiếm đề nghị tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa, siết chặt quản lý các chợ, trung tâm thương mại, sàn bán hàng trực tuyến, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm đạt chuẩn.
Đặc biệt, cử tri các phường Thanh Xuân, Phương Liệt, Khương Đình, Hồng Hà, Tây Hồ, Phú Thượng lo ngại về những thay đổi chính sách đất đai sau sáp nhập như: Hạn mức giao đất, điều kiện tách thửa, mức bồi thường, hỗ trợ, đơn giá đất, nghĩa vụ tài chính...; kiến nghị thành phố sớm rà soát, thống nhất quy định và tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thửa đất nhỏ hơn 50m² do lịch sử để lại.
Quan tâm chế độ cán bộ, cải thiện phục vụ hành chính
Nhiều cử tri các phường Yên Hòa, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Đống Đa, Ô Chợ Dừa kiến nghị thành phố sớm ban hành chế độ đối với cán bộ không chuyên trách và cán bộ, công chức bị ảnh hưởng do sáp nhập; quan tâm sắp xếp bộ máy bảo đảm lựa chọn được cán bộ có năng lực, phẩm chất phù hợp với mô hình mới. Đồng thời, thành phố chỉ đạo đổi tên tổ dân phố kịp thời, trang bị công nghệ thông tin cho công tác quản lý, tuyên truyền.
Cử tri các xã: Thanh Oai, Phúc Thọ, Phú Xuyên đề xuất ban hành danh mục thủ tục hành chính cấp xã kèm quy trình nội bộ và điện tử trên hệ thống một cửa; làm rõ việc xử lý hồ sơ đang giải quyết dở dang trước ngày 1-7-2025, có cần phải thực hiện lại hay không; đồng thời quy định cụ thể việc xử lý hồ sơ qua bưu điện và chi trả chi phí khi hồ sơ không đủ điều kiện tiếp nhận.
Một số cử tri cũng kiến nghị mở thêm điểm tiếp nhận thủ tục hành chính, nhất là tại các địa bàn mới mở rộng sau sáp nhập, để người dân, nhất là người cao tuổi thuận tiện khi đến liên hệ giải quyết thủ tục.
Cử tri nhiều xã, phường đều thống nhất đề nghị thành phố sớm ban hành chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư và người hoạt động không chuyên trách, nhằm bảo đảm đời sống, tránh gây xáo trộn cho người lao động sau khi sắp xếp tổ chức lại bộ máy chính quyền.
Từ ngày 1-7-2025, chính quyền địa phương chỉ còn 2 cấp: Thành phố và cấp xã. Việc tổ chức quản lý đầu tư công sau sáp nhập cũng được cử tri quan tâm. Các ban quản lý dự án cấp quận trước đây không còn, cử tri đề nghị cho phép xã, phường thành lập ban quản lý dự án riêng để kịp thời đáp ứng nhu cầu đầu tư công tại khu dân cư.
Cử tri kiến nghị thành phố đánh giá toàn diện hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố thời gian qua, khắc phục bất cập của mô hình “một cửa” và tiến tới triển khai mô hình “phi địa giới hành chính” nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
Trong giai đoạn đầu triển khai mô hình mới, cử tri mong chính quyền tăng cường tiếp công dân, giải quyết kịp thời, dứt điểm đơn, thư khiếu nại, tố cáo để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, tránh phát sinh bức xúc, gián đoạn.
Cử tri cũng kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo bàn giao đầy đủ hồ sơ các vụ việc đang xử lý cho đơn vị hành chính mới, bảo đảm quyền lợi công dân không bị gián đoạn sau khi xóa bỏ và thành lập đơn vị mới.
Nhiều ý kiến bày tỏ rằng, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được triển khai với thời gian chuẩn bị gấp rút, trong khi bộ máy mới chưa có tiền lệ thực hiện. Do đó, thành phố cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, điều chỉnh chính sách kịp thời, để các địa phương chủ động thực hiện hiệu quả ngay từ đầu.
Cũng tại nhiều đơn vị bầu cử, cử tri đề nghị sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành phố cần có cơ chế đánh giá cán bộ, công chức hằng tháng, hằng quý bằng nhiều hình thức linh hoạt (như qua hòm thư góp ý…), nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân.
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai khẳng định: Những kiến nghị, nguyện vọng của cử tri là xác đáng, thiết thực trong giai đoạn đầu triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Tại kỳ họp thứ hai mươi lăm, HĐND thành phố sẽ xem xét, lựa chọn các nội dung phản ánh phù hợp để đưa vào nghị trường.