Khoa học - Công nghệ

Bán dẫn, AI, tài sản số là những điểm ghi nhớ của Luật Công nghiệp công nghệ số

Thanh Hà 07/07/2025 - 19:47

Luật Công nghiệp công nghệ số có hiệu lực từ ngày 1-1-2026, được coi là bước ngoặt trong việc thiết lập khung pháp lý cho các lĩnh vực mới, như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và tài sản số…

Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin Nguyễn Khắc Lịch đã cho biết một số điểm nổi bật của Luật Công nghiệp công nghệ số vừa được Quốc hội thông qua.

toan-canh-7-7.jpg
Bộ Khoa học và Công nghệ giới thiệu về 5 bộ luật trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vừa được Quốc hội thông qua. Ảnh: Minh Hiếu

Cụ thể, về công nghiệp bán dẫn, Luật Công nghiệp công nghệ số dành chương riêng quy định về phát triển ngành bán dẫn, đặc biệt là sản xuất, thiết kế chip bán dẫn, nguyên liệu, vật liệu, thiết bị.

Doanh nghiệp bán dẫn được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt, hỗ trợ chi phí đào tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D), nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng. Doanh nghiệp phụ trợ trong chuỗi cung ứng bán dẫn cũng được hỗ trợ theo quy định của Luật.

Về trí tuệ nhân tạo, Luật yêu cầu quản lý toàn vòng đời hệ thống AI rủi ro cao và tác động lớn. Các hệ thống AI phải bảo đảm minh bạch, giải trình, an toàn dữ liệu và có dấu hiệu nhận dạng.

Trách nhiệm được phân định rõ cho từng chủ thể phát triển, cung cấp, triển khai sử dụng hệ thống AI. Đây là khung pháp lý cần thiết, phù hợp để các doanh nghiệp áp dụng khi nghiên cứu, phát triển, cung cấp, sử dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.

Về tài sản số, Luật định nghĩa và phân loại tài sản số (gồm tài sản ảo, tài sản mã hóa) và giao Chính phủ quy định nội dung quản lý phù hợp với thực tiễn, yêu cầu quản lý. Đây là khung pháp lý phù hợp với thực tiễn khi hơn 20% dân số Việt Nam đang sở hữu tiền mã hóa. Luật không chỉ bảo vệ người dùng mà còn tạo điều kiện phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain), góp phần xây dựng nền kinh tế số minh bạch.

chip-5g-viettel.jpeg
Chíp 5G được Viettel nghiên cứu và phát triển. Ảnh: Viettel

Ngoài ra, Luật Công nghiệp công nghệ số còn những điểm cần quan tâm. Đó là các quy định về nghiên cứu và phát triển (R&D) với các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số được nhà nước ưu đãi cao nhất.

Tổ chức, cá nhân R&D được hỗ trợ về tài chính, cơ sở vật chất, ưu tiên sử dụng phòng thí nghiệm trọng điểm, cơ sở ươm tạo và được tăng chi phí hợp lệ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.

Việc phát triển nguồn nhân lực được Luật Công nghiệp công nghệ số quy định đầy đủ chính sách hỗ trợ trong các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.

Chính sách gồm học bổng, miễn giảm học phí, tín dụng ưu đãi, đào tạo lại, hỗ trợ đánh giá kỹ năng, tập huấn, tăng thu nhập và ưu tiên tiếp nhận công chức, viên chức. Đặc biệt, có cơ chế thu hút nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước, bao gồm cấp thẻ tạm trú 5 năm, ưu đãi thuế thu nhập cá nhân và tuyển dụng đặc cách vào khu vực công; thu hút và trọng dụng nhân tài công nghệ số.

Về phát triển thị trường, Luật quy định các biện pháp thúc đẩy thị trường sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trong và ngoài nước, như hỗ trợ thông tin thị trường, quảng bá, kết nối cung cầu, tổ chức hội chợ, triển lãm, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp - viện - trường. Đặc biệt có cơ chế ưu đãi thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

chip-5g-viettel-1.jpeg
Viettel giới thiệu chíp 5G tại một triển lãm công nghệ. Ảnh: Viettel

Nhà nước có chính sách thúc đẩy dữ liệu số trở thành tài nguyên chiến lược, bảo đảm chất lượng dữ liệu (chính xác, hợp lệ, toàn vẹn, cập nhật...). Đồng thời, các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số không được gây cản trở việc lưu trữ, chuyển đổi dữ liệu của khách hàng.

Việc đầu tư xây dựng hạ tầng công nghiệp công nghệ số được xác định là ngành nghề đặc biệt ưu đãi. Nhà nước ưu tiên đầu tư vào các hạ tầng thiết yếu, như trung tâm dữ liệu, phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu, khu công nghệ số tập trung.

Luật Công nghiệp công nghệ số cũng quy định các dự án sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng điểm, AI, bán dẫn, trung tâm dữ liệu AI, khởi nghiệp sáng tạo... được hưởng ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng và có thể được hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách địa phương. Doanh nghiệp được ưu tiên về thủ tục hải quan và các chính sách ưu tiên khác. Đây là các chính sách rất có lợi cho doanh nghiệp công nghệ số, cần được nghiên cứu áp dụng tối đa.