Đường dây nóng

Khắc phục vi phạm trật tự đô thị tại phường Đống Đa: Người dân cần chung tay với chính quyền

Thanh Bình 07/07/2025 - 06:58

Là địa bàn trung tâm thành phố, có nhiều cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại sầm uất nhưng cùng với đó, tình trạng vi phạm trật tự đô thị tại phường Đống Đa cũng diễn ra phức tạp.

Dù lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân xử lý, song các vi phạm vẫn tiếp diễn. Để khắc phục tình trạng này rất cần người dân chung tay với chính quyền...

hang-rong.jpg
Hàng rong tập trung dưới lòng đường phố Trần Quang Diệu (phường Đống Đa) bất chấp nguy cơ mất an toàn giao thông.

Tại phố Đặng Tiến Đông, các vi phạm về trật tự đô thị đã diễn ra trong thời gian dài. Trong khi vỉa hè bị các hộ kinh doanh lấn chiếm làm chỗ bán hàng, thì lòng đường được trưng dụng làm bãi đỗ xe gây cản trở, mất an toàn giao thông. Chuyện xảy ra đã lâu nhưng vẫn tồn tại.

Chị Phạm Thu Thảo, một phụ huynh của Trường Tiểu học Quang Trung (số 6 phố Đặng Tiến Đông) bức xúc: "Mỗi lần đưa đón con đi học, tôi đều phải qua phố này. Nhưng do vỉa hè, lòng đường đều bị chiếm dụng nên tôi luôn phải lái xe rất cẩn thận vì lo sợ va chạm, tai nạn. Tôi cũng như nhiều người khác thường xuyên đi qua đây mong muốn trật tự đô thị, mỹ quan ở phố Đặng Tiến Đông được thiết lập để nhìn vào là thấy văn minh đô thị".

Tương tự, phố Trần Quang Diệu vốn thường xuyên đông đúc người qua lại vì có chợ Thái Hà, vỉa hè, lòng đường cũng bị chiếm dụng tràn lan. Tại đây, các hộ kinh doanh bày hàng hóa la liệt dọc hai bên đường, ô dù dựng san sát, nghiêng vẹo, miễn là có thể che mưa, che nắng, làm cảnh quan đường phố lộn xộn, nhếch nhác. Tại lòng đường, người bán hàng rong cũng tập trung tại đây, buôn bán ngay ở lòng đường, bất chấp nguy cơ mất an toàn giao thông. Rất nhiều người đi chợ dừng đỗ xe tùy tiện để mua hàng.

Cách đó vài con phố, phố Nguyễn Văn Tuyết - nơi tập trung nhiều cửa hàng khang trang, sầm uất - cũng không có sự khác biệt. Vỉa hè vốn dành cho người đi bộ bị “hô biến” thành nơi để xe, bày bàn ghế phục vụ ăn uống, thậm chí có nơi trải bạt bán hàng như trong chợ. Người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường giữa dòng xe cộ, đối mặt nguy cơ tai nạn giao thông bất cứ lúc nào. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, nhiều tuyến phố khác như Trung Liệt, Thái Thịnh, La Thành… cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Điều đáng nói là, những "điểm đen" về trật tự đô thị này đã tồn tại trong nhiều năm, bất chấp các đợt ra quân xử lý của lực lượng chức năng. Có những trường hợp bị xử phạt nhiều lần vẫn nhanh chóng tái phạm vì với nhiều người kinh doanh, mức phạt 2 triệu đồng/lần không quá lớn so với lợi nhuận thu được từ việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Liệt (cũ) Lê Thị Ánh Tuyết cho biết, tình trạng vi phạm trật tự đô thị trên địa bàn kéo dài là do ý thức chưa tốt của một bộ phận người kinh doanh và sự dễ dãi của người tiêu dùng. “Chỉ vì tiện lợi và rẻ hơn chợ, siêu thị, nhiều người sẵn sàng mua hàng ngay dưới lòng đường mà không nghĩ đến nguy cơ mất an toàn, tiếp tay cho vi phạm”, bà Lê Thị Ánh Tuyết nói.

Hiện tại, phường Đống Đa đã đi vào hoạt động. Công việc của các lực lượng chức năng trên địa bàn phường còn bộn bề. Tuy nhiên, không vì thế mà lơ là công tác bảo đảm trật tự đô thị, vốn được coi là "dễ mà khó".

Thực tế cho thấy, để lập lại trật tự đô thị, không chỉ cần những đợt ra quân rầm rộ, mà quan trọng hơn là phải có những biện pháp duy trì kiểm tra thường xuyên, kết hợp chế tài mạnh tay, xử lý quyết liệt. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cần thực hiện tuyên truyền, phổ biến các quy định về trật tự đô thị tới các hộ kinh doanh nhằm nâng cao ý thức người dân. Vỉa hè, lòng đường là không gian công cộng, chứ không phải là vùng "đất riêng" của bất kỳ ai nhằm phục vụ cho lợi ích cá nhân. Khi người dân cùng chính quyền chung tay hành động, bộ mặt đô thị mới có thể được giữ gìn, khởi sắc theo hướng ngày càng văn minh, hiện đại hơn.