Nghị quyết và Cuộc sống

Vai trò lớn, tâm thế mới

Bình Yên 07/07/2025 - 06:09

Kể từ ngày 1-7-2025, thời khắc lịch sử đánh dấu sự chuyển mình toàn diện trong tổ chức bộ máy hành chính tại 34 tỉnh, thành phố - nơi chính quyền địa phương 2 cấp chính thức vận hành; theo đó, đội ngũ cán bộ cấp xã đảm nhận vai trò lớn, với tâm thế của những “kiến trúc sư” trong bộ máy hành chính hiện đại, gần dân và vì dân.

1. Không còn là “cánh tay nối dài” đơn thuần của cấp huyện, làm nhiệm vụ tiếp nhận - xử lý - chuyển giao các giấy tờ hành chính, chính quyền cấp xã hiện nay được định vị là trung tâm phục vụ hiện đại, gần dân nhất.

Phát biểu tại Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Trung ương, Quyết định của địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính, thành lập các tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố, các xã, phường, đặc khu ngày 30-6, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Quyết định “sắp xếp lại giang sơn” là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới hoàn thiện một nền hành chính quản trị hiện đại, kiến tạo, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ, để mọi lợi ích thuộc về nhân dân”.

Tư duy ấy đang được cụ thể hóa ở cấp xã, nơi từng căn phòng làm việc, hồ sơ hành chính, từng cái bắt tay của cán bộ với người dân giờ đây đều phải toát lên tinh thần phục vụ, sự minh bạch và hiệu quả.

Tại Hà Nội, số đơn vị hành chính cấp xã giảm từ 526 xuống còn 126, kể từ ngày 1-7, song dân số vẫn gần 9 triệu người. Điều đó có nghĩa, mỗi xã, phường mới có số dân, cũng như công việc gấp nhiều lần trước đây. Chủ tịch UBND xã hiện nay không chỉ quản lý thủ tục hành chính, mà còn điều hành toàn diện mọi mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng tại địa phương. Trách nhiệm cá nhân của cán bộ cấp xã, từ bí thư, chủ tịch đến công chức chuyên môn đều được nâng lên.

Thay vì lo lắng, đội ngũ cán bộ cấp xã đã tiếp nhận công việc với tinh thần hành động, sáng tạo, “xắn tay” vào việc ngay. Một tâm thế “kiến tạo, phục vụ” lan tỏa từ đô thị đến nông thôn và các xã miền núi. Tại phường Đống Đa - một trong những địa bàn trung tâm của Thủ đô, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nguyễn Ngọc Việt chia sẻ với các cán bộ, công chức: “Thời cắp ô đi làm đã qua. Bây giờ là hành chính phục vụ, là kiến tạo”.

Cách trung tâm Hà Nội hơn 60km, tại xã đảo Minh Châu (huyện Ba Vì cũ), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nguyễn Đức Tiến cho biết: Sau sắp xếp, nhiều cán bộ tại đây được điều động từ các địa phương khác, cách nơi làm việc 30-80km, song tất cả đều sẵn sàng làm việc với tinh thần “làm thật, hiệu quả thật”. Những chia sẻ ấy không phải khẩu hiệu, mà là thực tiễn được chứng minh qua bộ máy vận hành nhịp nhàng cùng tinh thần “đến sớm - làm nhanh - xử lý hiệu quả” của đội ngũ cán bộ, công chức nhiều xã, phường những ngày qua.

2. Sau tuần đầu tiên, theo đánh giá của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, việc vận hành mô hình đơn vị hành chính 2 cấp cơ bản thông suốt, ổn định; các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh chóng, không bị gián đoạn. Đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở có quyết tâm cao hơn, trách nhiệm lớn hơn trong việc phấn đấu đưa quê hương, đất nước vươn mình phát triển, song còn rất nhiều việc phải làm.

Yêu cầu của chính quyền địa phương 2 cấp đòi hỏi đội ngũ công chức cấp xã phải có trình độ, được đào tạo bài bản, được bố trí theo đúng vị trí việc làm, đúng năng lực chuyên môn. Chính vì thế, mô hình mới không chỉ là bài toán về tổ chức bộ máy, mà là sự đổi mới mạnh mẽ về công tác nhân sự, về chất lượng lãnh đạo, quản trị cấp cơ sở. Chỗ nào còn tư duy “ngồi chờ dân đến”, nơi ấy sẽ trở thành điểm nghẽn. Cán bộ nào chậm thích ứng với công nghệ số, thiếu quyết tâm đổi mới tư duy làm việc, cũng khó phù hợp với mô hình mới.

Giữa bộn bề công việc, Bí thư Đảng ủy phường Thanh Xuân (Hà Nội) Bùi Huyền Mai cùng các cán bộ lãnh đạo phường đã xuống tận chi bộ, tổ dân phố, nắm bắt tâm tư, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và quần chúng, nhằm tháo gỡ từng nút thắt trong tuần đầu vận hành. Đó là minh chứng cho “vai trò dẫn dắt thay đổi” mà người cán bộ cấp xã hôm nay phải thể hiện.

Trong bối cảnh dữ liệu dân cư, hồ sơ hành chính, dịch vụ công đều được kết nối lên Cổng dịch vụ công quốc gia, cán bộ cấp xã phải là lực lượng tiếp cận công nghệ nhanh nhất. Trong tháng 6, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã hoàn tất nâng cấp hạ tầng mạng tốc độ cao cho hơn 88% xã/phường, nhưng đường truyền chỉ là điều kiện, con người mới là nhân tố quyết định.

Vì vậy, việc nhiều nơi huy động sinh viên, đoàn viên hỗ trợ người cao tuổi dùng dịch vụ công trực tuyến là sáng kiến hay, nhưng điều cốt lõi nhất - cán bộ xã phải thành thạo công nghệ, là “công dân số mẫu mực” để hướng dẫn dân. Không thể có “chính quyền số” nếu đội ngũ điều hành còn viết tay, duyệt hồ sơ giấy, xử lý chậm.

Hơn thế, cán bộ cấp xã hôm nay không chỉ “hiểu luật, làm đúng”, mà phải biết tạo đột phá. Những chương trình hỗ trợ sản xuất, sinh kế, cải thiện chất lượng sống… đều khởi đầu từ cấp xã. Cán bộ cấp xã phải là người chủ động kết nối, huy động nguồn lực, tạo sinh kế bền vững cho dân.

Trước trọng trách mới, cử tri đã nhắn gửi kỳ vọng: Cán bộ cấp xã cần gần dân hơn, nhanh nhạy hơn, xử lý công việc hiệu quả hơn. Không chỉ vì sự vận hành trơn tru của bộ máy, mà vì sự phát triển của mỗi hộ dân và cả cộng đồng.

Một tuần sau ngày “xuất phát”, những chuyển động từ cơ sở đang chứng minh: Cán bộ cấp xã không những đổi vai, tăng trách nhiệm, mà còn thay đổi tư duy, phương pháp, tâm thế làm việc. Không “đợi dân gõ cửa”, họ “xắn tay hành động” - hiện thân của một nền hành chính phục vụ đúng nghĩa.

Từ cơ sở, nơi gần dân nhất đang hình thành một thế hệ cán bộ xã “biết việc, quyết đoán, hiệu quả”, trở thành mắt xích đầu tiên nhưng quan trọng trong guồng máy hiện đại hóa bộ máy nhà nước. Hơn ai hết, họ nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, xác định được tâm thế của người cán bộ cấp xã hôm nay, đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: “đội ngũ chúng ta đã chỉnh tề, hàng lối đã ngay ngắn, cả dân tộc cùng hành quân vươn tới tương lai rực rỡ của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, vì một Việt Nam phát triển bền vững”. Để đến tương lai rực rỡ, từ cấp xã - nơi gần dân nhất sẽ phải là nơi đổi mới mạnh mẽ nhất.