Kinh tế

Giá dầu liệu có đi xuống?

Lam Giang 06/07/2025 - 09:20

Giá dầu tuần này được dự báo tiếp đà đi xuống khi chịu áp lực từ nguồn cung dư thừa, sức tiêu thụ kém và bất ổn về triển vọng kinh tế Mỹ.

tuan-bien-dong-len-xuong-cua-gia-dau.jpg
Giá dầu được dự báo sẽ đi xuống . Ảnh: MXV

Kết phiên giao dịch đầu tuần ngày 30-6, lực bán chiếm ưu thế trên thị trường năng lượng. Trong đó, giá hai mặt hàng dầu thô đảo chiều giảm do lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung.

Cụ thể, giá dầu WTI giảm 0,63%, xuống còn 65,11 USD/thùng. Trong khi đó, giá hợp đồng dầu Brent tháng 8 hết hạn trong ngày hôm qua chốt phiên với mức giảm khoảng 0,2%, rơi xuống mốc 67,61 USD/thùng. Hiện giá hợp đồng dầu Brent giao tháng 9 tạm dừng ở mốc 66,74 USD/thùng, tương ứng với mức giảm 0,09%.

Nhiều nguồn tin cho biết khả năng OPEC+ tiếp tục tăng sản lượng trong tháng 8, với mức tăng dự kiến 411.000 thùng/ngày. Điều này có thể khiến tổng mức tăng sản lượng của khối này kể từ đầu năm 2025 đạt 1,78 triệu thùng/ngày, tương đương hơn 1,5% tổng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.

Bên cạnh đó, áp lực nguồn cung trên thị trường còn gia tăng khi Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ngày 30-6 cho biết, sản lượng dầu thô của Mỹ trong tháng 4 đã đạt 13,47 triệu thùng/ngày, tăng thêm 20.000 thùng/ngày so với tháng trước đó.

Tuy nhiên sang ngày thứ ba 1-7 thị trường năng lượng ghi nhận những biến động mới. Trong đó, lực mua hai mặt hàng dầu thô diễn biến tích cực.

Chốt phiên, giá dầu Brent nhích nhẹ lên mốc 67,11 USD/thùng, tương ứng với mức tăng 0,55%. Tương tự là giá dầu WTI cũng tăng 0,52%, lên 65,45 USD/thùng.

Tiếp đó trong ngày thứ tư 2-7, lực mua áp đảo trên thị trường năng lượng, đẩy giá dầu WTI tăng 3,06%, dừng ở mốc 67,45 USD/thùng; giá dầu Brent cũng tiến sát tới ngưỡng 70 USD/thùng, chốt phiên ở mốc 69,11 USD/thùng, tăng 2,98%.

Đà tăng của giá dầu đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó chỉ số PMI Caixin ngành sản xuất của Trung Quốc do S&P Global công bố đã tăng mạnh lên 50,4 điểm trong tháng 6, vượt ngưỡng 50 điểm và cho thấy hoạt động sản xuất trở lại đà mở rộng.

Sự khởi sắc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời là quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai toàn cầu, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu năng lượng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế Mỹ cũng có những tín hiệu khởi sắc khi chỉ số cơ hội việc làm JOLTS đã tăng trong tháng 5, trong khi chỉ số PMI sản xuất do S&P Global công bố cũng ghi nhận mức tăng trong tháng 6.

Một lý do hỗ trợ đà tăng của giá dầu đến từ những tín hiệu tích cực trong đàm phán thương mại giữa Mỹ và Việt Nam và lo ngại về nguy cơ căng thẳng chính trị leo thang trở lại tại Trung Đông.

Theo đó, ngày 2-7, trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết một số thông tin chi tiết về thỏa thuận thương mại với Việt Nam.

Ở một diễn biến khác, những lo ngại về tình hình chính trị tại Trung Đông tiếp tục gia tăng sau khi Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian ký ban hành luật mới quy định, mọi hoạt động kiểm tra các cơ sở năng lượng hạt nhân của Iran do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tiến hành trong tương lai, đều phải được Hội đồng An ninh quốc gia tối cao của Iran phê duyệt.

Chiều ngược lại, tồn kho xăng, dầu tại Mỹ tiếp tục gia tăng, làm dấy lên lo ngại về nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tại Mỹ khi mùa hè đang diễn ra.

thi-truong-hang-hoa-gia-dau-3.7.png
Giá dầu quay đầu suy yếu trong ngày giao dịch 3-7. Nguồn: MXV

Dù vậy sang ngày thứ năm (3-7) giá dầu quay đầu suy yếu bất chấp những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế Mỹ.

Trong đó, giá cả hai mặt hàng dầu thô chính đều quay đầu giảm nhẹ dưới 1%. Cụ thể, giá dầu Brent giảm 0,45%, xuống mốc 68,8 USD/thùng; trong khi giá dầu WTI ghi nhận mức giảm 0,67%, dừng ở mốc 67 USD/thùng.

Sự chú ý của thị trường phần lớn được dành cho các chỉ báo về thị trường việc làm tại Mỹ mới công bố. Theo đó, phần lớn số liệu đều cho thấy những tín hiệu tích cực, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp đã giảm trong tháng 6.

Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư lo ngại rằng các thông tin khả quan về thị trường lao động sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục thận trọng trong việc đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất.

Điều này khiến thị trường năng lượng hiện tại vẫn đang chịu áp lực từ ba yếu tố chính gồm lo ngại về nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu tại Mỹ trong thời gian tới; khả năng OPEC+ sẽ tăng mạnh sản lượng trong tháng 8 làm gia tăng nguy cơ dư thừa nguồn cung trên thị trường và những bất ổn liên quan đến triển vọng kinh tế Mỹ sau ngày 9-7. Vì vậy, các chuyên gia dự báo giá dầu tuần này sẽ tiếp đà đi xuống.