Văn hóa

Ghi dấu văn hóa Việt trên bản đồ âm nhạc toàn cầu

Thụy Du 06/07/2025 09:13

Trào lưu đưa yếu tố văn hóa, nghệ thuật dân gian vào âm nhạc đương đại không chỉ “bùng nổ” trong nước, mà còn dần vươn ra thế giới.

Thông qua các màn trình diễn ấn tượng và sản phẩm âm nhạc sáng tạo, nhiều nghệ sĩ Việt đang từng bước khẳng định vị thế của âm nhạc dân tộc trên bản đồ âm nhạc thế giới, mở ra cơ hội mới cho hành trình hội nhập bằng bản sắc truyền thống.

my-chi.jpg
Ca sĩ Phương Mỹ Chi biểu diễn trên sân khấu Sing!Asia.

Tỏa sáng trên trường quốc tế

Những ngày qua, ca sĩ Phương Mỹ Chi gây chú ý trên đấu trường quốc tế khi tham gia sân chơi Sing!Asia - cuộc thi âm nhạc quy tụ 32 thí sinh, nhóm nhạc đến từ nhiều quốc gia châu Á. Điều tạo nên dấu ấn riêng của Phương Mỹ Chi chính là việc mang đậm bản sắc Việt vào từng phần trình diễn.

Ở vòng tứ kết, ca sĩ thể hiện ca khúc “Bóng phù hoa” (sáng tác DTAP), lấy cảm hứng từ “Chuyện người con gái Nam Xương”. Màn trình diễn sử dụng tiếng Trung ở phần điệp khúc và những nốt ngân cao đầy cảm xúc đã giúp cô chiến thắng áp đảo đối thủ. Tiết mục nhanh chóng lọt tốp 1 xu hướng YouTube Việt Nam chỉ sau 48 giờ phát sóng, góp mặt trong tốp 9 nội dung được xem nhiều nhất thế giới trên YouTube, hiện đạt hơn 6,6 triệu lượt xem.

Trước đó, nữ ca sĩ thuộc thế hệ Gen Z này đã thể hiện xuất sắc tiết mục “Buôn trăng” (DTAP sáng tác, cảm hứng từ bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”) phô diễn chất giọng khỏe, luyến láy tinh tế và tự tin trình diễn kết hợp múa võ Vovinam. Cô cũng gây ấn tượng tại vòng thi ở Singapore với mashup “Lý Bắc Bộ” gồm các làn điệu dân gian như “Bà còng đi chợ trời mưa”, “Lý cây đa”, “Bà rằng bà rí”, “Đẩy xe bò”, trình diễn sử dụng điệu múa trống cơm truyền thống.

Nhà sản xuất âm nhạc Trung Quốc Long Hàn, giám khảo online của cuộc thi, nhận xét Phương Mỹ Chi “táo bạo khi thử nghiệm kết hợp âm nhạc dân tộc với nhiều yếu tố hiện đại”. Nữ ca sĩ hứa hẹn còn đem lại nhiều tiết mục đậm nét văn hóa Việt ở những vòng thử thách tiếp theo.

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh cũng là cái tên tiêu biểu trong việc đưa âm nhạc dân tộc vươn ra thế giới. Tác phẩm hòa tấu “Tiếng vọng ngàn đời”, do chính anh biên soạn, từng vang lên tại Hồng Kông (Trung Quốc) qua phần trình diễn kết hợp Dàn nhạc Dân tộc Hồng Kông và Dàn nhạc Dân tộc Sức Sống Mới. Vị nhạc trưởng tài danh kết hợp các nhạc cụ cổ truyền như đàn đá, đàn bầu, sáo trúc, đàn nhị… với dàn nhạc giao hưởng.

Trong khi đó, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang cùng nhóm Thiên Thanh lại chọn con đường hòa tấu để thể hiện vẻ đẹp văn hóa vùng Kinh Bắc trong album “Về Kinh Bắc” cũng vừa ra mắt trên nền tảng số. Những làn điệu dân ca quan họ, xẩm, ca trù được phối mới với sự góp mặt của beatboxer Trung Bảo và nhạc công cello người Mỹ Bryan Charles Wilson, tạo nên sự kết hợp Đông - Tây quyến rũ, đáp ứng thị hiếu của khán giả quốc tế…

Không ngừng tìm tòi để chinh phục khán giả

Phía sau những dấu ấn trên đấu trường quốc tế là hành trình dài nỗ lực âm thầm, bền bỉ cùng tình yêu sâu sắc với văn hóa dân tộc của các nghệ sĩ Việt. Ca sĩ Phương Mỹ Chi cũng đã hơn 10 năm theo đuổi chất liệu dân ca và văn hóa Việt, không ngừng học hỏi, đổi mới để có thể thành công trên sân khấu quốc tế. Với lần tham gia Sing!Asia này, nữ ca sĩ trẻ cho biết, cô không chỉ muốn trình diễn mà còn mong được truyền tải trọn vẹn văn hóa Việt đến khán giả quốc tế. Chính vì vậy, cùng với âm nhạc, nữ ca sĩ cũng chăm chút kỹ lưỡng từ trang phục đến phong thái biểu diễn.

DTAP, nhóm sản xuất âm nhạc đồng hành với Phương Mỹ Chi, cho biết: “Chúng tôi đã quyết định nâng cấp “Bóng phù hoa”, đẩy bài hát lên cao hơn, khó hơn, rồi còn quyết định lên tông ở đoạn cuối… Và Phương Mỹ Chi đã làm được, không chỉ trọn vẹn về kỹ thuật mà còn đầy cảm xúc, tinh tế và có kỷ luật”.

Còn với nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, bên cạnh là chỉ huy chính của Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, từ 10 năm trước, anh đã lập Dàn nhạc Dân tộc Sức Sống Mới để lan tỏa âm nhạc truyền thống trong đời sống hiện đại cũng như giới thiệu, quảng bá âm nhạc Việt ra thế giới. Nhạc trưởng bày tỏ, thế kỷ XXI là thế kỷ của sự sáng tạo và những âm thanh mới, nghệ sĩ phải không ngừng tìm tòi để chinh phục khán giả. Hòa trộn giữa nhạc dân tộc, giữa nhạc cụ truyền thống của Việt Nam như sáo trúc, đàn bầu, nhị, t’rưng với nhạc jazz, với violin, piano là con đường để bạn bè năm châu có thể biết và hiểu thêm về một nền văn hóa giàu có, đậm đà bản sắc và rất thú vị của Việt Nam.

Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang - người đã thầm lặng hàng chục năm mang âm nhạc dân tộc Việt Nam quảng bá tới gần 100 quốc gia, vẫn không ngừng tìm tòi, sáng tạo. Việc chính thức phát hành album “Về Kinh Bắc” trên nền tảng nhạc số, đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng trong hành trình kết nối di sản với thời đại mới của nghệ sĩ. Những tiếng sáo, tiếng đàn môi hay điệu xẩm, điệu chèo… từ đó có thể lay động trái tim người nghe ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Mỗi nỗ lực của các nghệ sĩ như vậy là một viên gạch để xây nên vị thế mới cho âm nhạc Việt trên bản đồ quốc tế, quảng bá giá trị văn hóa dân tộc ra thế giới.