Giáo dục

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương:“Chương trình 9+” - Thêm cánh cửa cho học sinh sau trung học cơ sở

Thống Nhất 06/07/2025 - 06:41

Tại Hà Nội, năm học 2025-2026 có khoảng 64% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đủ điều kiện học tại các trường trung học phổ thông công lập. Số còn lại được phân luồng học trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc các trường trung cấp, cao đẳng để vừa học nghề, vừa học văn hóa (gọi tắt là chương trình 9+).

Sự thay đổi trong cách lựa chọn hướng đi của học sinh và phụ huynh đang phản ánh một nhận thức mới, thực tế và linh hoạt hơn về con đường phát triển sau trung học cơ sở. Phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương về chương trình này.

9-1.jpg
Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội vận hành thiết bị máy tự động. Ảnh: Đỗ Tâm

Hướng đi thiết thực với học sinh

- Đồng chí có thể chia sẻ rõ hơn chương trình 9+ là gì, vì sao ngày càng nhiều học sinh chủ động lựa chọn hướng đi này sau khi hoàn thành bậc trung học cơ sở?

9-2.jpg
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương.

- Chương trình 9+ là hình thức đào tạo tích hợp dành cho học sinh sau khi hoàn thành bậc trung học cơ sở. Các em không tiếp tục học lớp 10 theo hệ trung học phổ thông truyền thống, mà lựa chọn học song song hai nội dung: Chương trình văn hóa giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông và chương trình đào tạo nghề trình độ trung cấp nghề tại một trường trung cấp hoặc cao đẳng.

Sau ba năm, học sinh hoàn tất cả hai nội dung, đủ điều kiện nhận bằng tốt nghiệp trung học phổ thông và bằng trung cấp nghề. Điều này có nghĩa là học sinh sau khi tốt nghiệp có thể tham gia ngay vào thị trường lao động, tiết kiệm nhiều thời gian, kinh phí học tập. Nếu học sinh có nhu cầu học tiếp, có thể học thêm một năm để lấy bằng cao đẳng.

Đây là mô hình đào tạo mở, linh hoạt, giảm áp lực thi cử, đồng thời trang bị kỹ năng nghề ngay từ sớm - điều rất cần thiết trong thị trường lao động hiện nay.

Chúng tôi nhận thấy, sau kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026, số lượng học sinh và phụ huynh đến tư vấn tại các trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên tuyển sinh chương trình 9+ tăng đáng kể. Điều này cho thấy nhận thức của xã hội đang dần thay đổi, ngày càng nhiều người hiểu rằng học đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công.

- Nhiều phụ huynh vẫn có băn khoăn rằng, lựa chọn chương trình 9+ có đồng nghĩa với việc từ bỏ cơ hội học đại học không. Đồng chí nhận định về điều này thế nào?

- Tôi khẳng định cách hiểu này chưa chính xác. Đây là điều phụ huynh cần nắm rõ. Học chương trình 9+ không đóng lại cánh cửa học đại học. Sau khi hoàn thành chương trình, học sinh có bằng trung cấp, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông và hoàn toàn có thể học liên thông lên cao đẳng, đại học nếu các em có nguyện vọng và đủ năng lực.

Thậm chí, nhiều em học nghề sớm, được cọ xát thực tế, sau khi có một thời gian làm việc tại doanh nghiệp lại có quyết tâm cao hơn khi học đại học chuyên sâu hoặc học các khóa bồi dưỡng kỹ thuật cao. Sở Giáo dục và Đào tạo đã ghi nhận nhiều học sinh đi theo hướng này rất thành công và được doanh nghiệp đánh giá cao vì "giỏi việc, hiểu nghề".

- Hiện nay, Hà Nội có những cơ sở nào đang đào tạo chương trình 9+, thưa đồng chí?

- Thành phố hiện có mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai chương trình 9+ với quy mô và ngành nghề đào tạo đa dạng, đáp ứng nhu cầu người học. Chương trình được tổ chức tại 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có tổ chức liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng để tổ chức đào tạo nghề trình độ trung cấp và trên 50 trường trung cấp, cao đẳng.

Một số trường đã trở thành địa chỉ tin cậy của học sinh như: Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long, Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội…

Các trường này đào tạo theo mô hình gắn kết với doanh nghiệp, có xưởng thực hành hiện đại, chương trình sát với thực tế sản xuất. Một số ngành như kỹ thuật điện - điện tử, cơ khí, công nghệ ô tô, công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa, chăm sóc sắc đẹp, nhà hàng - khách sạn… rất thu hút học sinh. Đặc biệt, năm học 2025-2026, Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội sẽ triển khai chương trình đào tạo về trí tuệ nhân tạo (AI), hy vọng rằng, đây sẽ là ngành/nghề triển vọng đáp ứng nhu cầu lao động của nhiều doanh nghiệp.

Ngoài ra, nhiều trường nghề còn có chương trình hợp tác quốc tế với Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc… Học sinh sau khi tốt nghiệp có cơ hội đi thực tập, làm việc ở nước ngoài với thu nhập tốt.

- Đồng chí có dẫn chứng nào về hiệu quả học chương trình 9+ không?

- Chỉ riêng năm học 2024-2025, Hà Nội có gần 24.000 học sinh học chương trình 9+, chiếm tỷ lệ 18% trong tổng số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Theo thống kê của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ học sinh theo học chương trình 9+ tốt nghiệp có việc làm ngay trong những năm qua đạt trên 70%.

Phát triển mô hình từ chính sách đến thực tiễn

- Chế độ chính sách của Nhà nước dành cho học sinh học chương trình này hiện nay như thế nào, thưa đồng chí?

- Theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, học sinh học chương trình 9+ được miễn hoàn toàn học phí học nghề trình độ trung cấp. Ngoài ra, từ năm học 2025-2026, học sinh tham gia chương trình này còn được miễn học phí học văn hóa theo Nghị quyết vừa được thông qua tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV.

Bên cạnh đó, những em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, con gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số… còn được hỗ trợ thêm kinh phí học tập, chi phí sinh hoạt, nội trú, bảo hiểm y tế. Đây là chính sách nhân văn, giúp mọi học sinh có hoàn cảnh khó khăn đều có cơ hội tiếp cận với giáo dục nghề nghiệp chất lượng.

Chúng tôi cũng ghi nhận nhiều trường có chính sách học bổng, khen thưởng học sinh có thành tích tốt, nhằm khuyến khích các em nỗ lực học tập và phát triển.

- Về lộ trình học tập, học sinh theo chương trình 9+ sẽ trải qua các giai đoạn cụ thể ra sao?

- Thông thường, lộ trình học chương trình 9+ kéo dài ba năm. Trong đó, học sinh vừa học các môn văn hóa cơ bản (theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông), vừa học nghề với thời lượng thực hành chiếm tỷ lệ lớn.

Cuối năm thứ ba, học sinh sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc hoàn thành chương trình phổ thông. Song song, các em làm bài thi nghề và nhận bằng trung cấp. Về cơ bản, học sinh sẽ hoàn thành chương trình học nghề trước học kỳ cuối cùng của năm thứ ba để tập trung ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Việc phân bổ thời gian giữa học lý thuyết và thực hành rất linh hoạt, tùy đặc thù từng ngành và chương trình của mỗi trường. Nhiều trường cho học sinh đi thực tập tại doanh nghiệp ngay từ năm thứ hai để rèn kỹ năng, nâng cao cơ hội tuyển dụng sau tốt nghiệp.

- Xin đồng chí cho biết, từ phía ngành Giáo dục, Hà Nội đang có những giải pháp gì để hỗ trợ, phát triển chương trình 9+ trong thời gian tới?

- Chúng tôi xác định, chương trình 9+ là một trong những giải pháp trọng tâm để thực hiện phân luồng sau trung học cơ sở, giảm áp lực cho hệ trung học phổ thông, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô trong bối cảnh hội nhập.

Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục phối hợp với các trường trung học cơ sở, các xã, phường tổ chức tư vấn hướng nghiệp sớm để đưa thông tin về chương trình 9+ sâu rộng tới học sinh, phụ huynh học sinh cuối cấp trung học cơ sở. Đồng thời, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính, ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất, hiệp hội doanh nghiệp và các đơn vị liên quan để tăng cường liên kết giữa nhà trường - doanh nghiệp - thị trường lao động.

Chúng tôi cũng đang triển khai mạnh mẽ Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2035" của UBND thành phố Hà Nội. Theo đó, thành phố sẽ tập trung đầu tư thêm cho các cơ sở đào tạo nghề, cả về cơ sở vật chất, thiết bị thực hành, đội ngũ giáo viên… để bảo đảm chất lượng đào tạo chương trình 9+ ngày càng nâng cao.

- Đồng chí có lời khuyên gì dành cho phụ huynh, học sinh đang phân vân giữa học tiếp trung học phổ thông hoặc theo hướng học nghề?

- Điều quan trọng nhất là mỗi học sinh cần xác định rõ năng lực, sở thích và định hướng tương lai của mình. Học trung học phổ thông, học nghề hay học chương trình 9+ đều là những con đường hợp pháp, bình đẳng trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Phụ huynh cần thay đổi tư duy, đồng hành cùng con lựa chọn một lộ trình phù hợp với năng lực và nguyện vọng. Nếu con có khả năng thực hành tốt, thích công nghệ, kỹ thuật hoặc muốn đi làm sớm thì chương trình 9+ là một lựa chọn rất hợp lý.

Thực tế đã chứng minh, nhiều học sinh từ chương trình 9+ đã thành công sớm, có nghề nghiệp ổn định, thu nhập tốt, thậm chí trở thành doanh nhân, kỹ sư trưởng hoặc du học thành công. Cánh cửa vào đời rất rộng mở, miễn là học sinh được định hướng đúng và có môi trường học tập chất lượng.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!