Kinh tế

Thuế đối ứng sẽ tác động như thế nào đến tăng tưởng GDP của Việt Nam?

Hương Thủy 05/07/2025 - 12:54

Đại diện Cục Thống kê (Bộ Tài chính) đã trả lời câu hỏi này tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2025, diễn ra sáng nay (5-7).

Phó Cục trưởng Cục Thống kê Lê Trung Hiếu cho biết, dựa trên cấu trúc Bảng cân đối liên ngành (bảng IO), cơ quan thống kê đánh giá tác động cả từ phía cung và phía cầu, với giả định nhu cầu cuối cùng của nền kinh tế giảm khi giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ giảm.

Cơ quan chức năng cũng áp dụng mô hình IO năm 2019 của Việt Nam và số liệu về xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ năm 2024, theo 46 nhóm hàng chủ yếu, để đánh giá tác động của việc giảm nhu cầu hàng hóa của Việt Nam xuất sang Mỹ.

Kết quả tính toán cho thấy, trường hợp Hoa Kỳ áp thuế trung bình 10% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, hầu như kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng, do đó tăng trưởng kinh tế không bị tác động.

Trường hợp Hoa Kỳ áp thuế trung bình 15% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trị giá hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ có thể giảm 6-7,2 tỷ USD, (giảm khoảng 5-6% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa), tác động giảm GDP khoảng 0,4-0,5 điểm %.

Còn trường hợp Hoa Kỳ áp thuế trung bình 20% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trị giá hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ có thể giảm 11-12 tỷ USD (giảm khoảng 9-10% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa), tác động giảm GDP khoảng 0,7-0,8 điểm %.

Kịch bản đánh giá tác động còn căn cứ trên cơ sở các điều kiện, giả thiết khác, với hệ số co giãn trong khoảng 1-1,2%. Tuy nhiên, do tỷ trọng các mặt hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ có nhu cầu cao hoặc thay thế giá rẻ hơn ở các thị trường cạnh tranh khác, nên có thể hệ số co giãn sẽ khác.

Cùng với đó, giả thiết là không có sự tác động tăng thêm hay mở rộng thị trường xuất khẩu và thúc đẩy các FTA hiện có.

Để đối phó với những biến động từ thay đổi chính sách thuế của Mỹ, Việt Nam cần có các biện pháp khuyến khích đầu tư, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác thị trường nội địa và cải thiện môi trường kinh doanh.

Việc này không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao nội lực và tăng trưởng bền vững.

Hiện nay, Mỹ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ năm 2024 chiếm khoảng 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, với giá trị đạt 119,5 tỷ USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, gồm máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, máy móc, thiết bị, dệt may và gỗ. Một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm 19,4%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác chiếm 18,5%; Hàng dệt may chiếm 13,5%; Điện thoại các loại và linh kiện 8,2%; Gỗ và sản phẩm gỗ chiếm 7,6%; và giày dép 6,9%...

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, chiếm khoảng 4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ.