Có một thứ gió trong thơ thổi mãi...
Tôi có ấn tượng với bài thơ “Sông Bến Hải” của Trần Đình Việt. Bình về bài thơ này, tôi viết: “Có vẻ như một lần nữa, vết thương Bến Hải - vết thương của sự chia cách đất nước thuở nào lại được tái hiện qua thơ bằng “Sông Bến Hải” và đương nhiên là được cụ thể hóa qua một cuộc chia ly đặc biệt giữa một người mẹ và một người con trai.

Đó là một cuộc chia ly kéo dài bao lâu, không biết đến bao giờ gặp lại, chưa kể còn là một cuộc chia ly duy nhất, cuối cùng, bởi vì sau đấy người mẹ đã không còn nữa. Trước tình cảnh đó, Trần Đình Việt đã thấy: “Dòng sông nhỏ như đã nuốt chửng đứa con của mẹ và nuốt chửng mẹ của tuổi thơ tôi”. Rồi đến ngày nước nhà thống nhất, nỗi ám ảnh lớn lao ấy đã khiến Trần Đình Việt nhìn dòng sông mà đau đớn hỏi: “Lẽ nào sông là hố thẳm của đời tôi”. Bài thơ đứng được và sống được, trước hết là bởi sự chân thành của tác giả và sau nữa, đứng được và sống được là nhờ hai câu thơ trên.
Trước đó, trong “Lặng lẽ bên đời”, hình ảnh người mẹ đã đi vào thơ của Trần Đình Việt qua “Về làng” với nỗi đau và xót xa không cùng. Với Trần Đình Việt, làng xưa và những kỷ niệm xưa như vẫn còn đó, riêng mẹ thì không. Ông đã chạy khắp làng để đi tìm bóng mẹ và cảm thấu được nỗi mất mát to lớn của chính mình: "Chỉ duy thiếu mẹ/ Chiến tranh đã mang mẹ đi...".
Trước đó nữa, trong “Gió trên những con đường”, Trần Đình Việt có những câu thơ thương cảm về mẹ cũng rất nặng lòng qua “Trong chạng vạng hoàng hôn”. Khổ cuối của bài thơ có 4 câu mang một nỗi buồn da diết, khó tả: "Để bây giờ cứ mỗi lúc hoàng hôn/ Nghĩ về mẹ và lệ nhòa trong mắt/ Để đến giờ trên nẻo đường xa lắc/ Bóng mẹ về trĩu nặng cả chiều hôm".
Trong 6 tập thơ của Trần Đình Việt đã xuất bản, tôi đặc biệt chú ý đến hai bài thơ của ông: “Thời gian bị truy đuổi và thời gian bị giết”, “Lũ chim biển và các bậc vĩ nhân”. Đây được coi là hai phát hiện độc đáo trong thơ Trần Đình Việt. Ở hai nơi khác nhau, một nơi thì “thời gian bị con người trói chặt”, một nơi thì “thời gian bị giết”. Kết thúc “Thời gian bị truy đuổi và thời gian bị giết”, Trần Đình Việt tìm ra được một cách thoát hiểm có thể được coi là trung hòa, là chấp nhận được: "Tôi muốn thời gian được thở, được nghỉ ngơi/ và không muốn thời gian bị giết".
Trong “Lũ chim biển và các bậc vĩ nhân”, chỉ nhìn một hiện tượng như là chuyện thường ngày của lũ chim biển thôi, mà Trần Đình Việt nảy ra được một ý hay và sâu sắc theo cách nhìn, lý giải của một nhà thơ với cách diễn đạt thật khéo và thuyết phục: "Theo bản năng hoang dã/ lũ chim làm bạc đầu các vĩ nhân một lần nữa/ nhưng tôi nghĩ các vĩ nhân chắc không lấy đó làm buồn/ có khi họ còn vui nữa/ vì lũ đã làm họ gần với đời thường/ và nhắc với thế gian họ vẫn còn có mặt".
Trần Đình Việt có ý thức về cấu tứ khi làm thơ. Ông cũng là người ưa “đổi gió” bằng những chuyến đi xa; một là để nạp thêm cảm xúc, hai là để nạp thêm trải nghiệm. Rồi từ “đổi gió” trong cuộc sống mà kéo theo sự “đổi gió” trong thơ. Có lẽ vì thế mà ông có 6 tập thơ thì có đến một nửa trong số đó có nhắc đến gió: “Gió trên những con đường”, “Cây bên đường và nắng và gió”, “Và ngọn gió cuộc đời còn thổi mãi”. Tôi đã nhận ra có một thứ gió xuất phát và thổi mãi, thổi riết từ những câu thơ của ông.