Mỹ tạm dừng viện trợ quân sự cho Ukraine:Ukraine suy yếu khả năng phòng thủ
Việc Mỹ bất ngờ tạm dừng cung cấp vũ khí cho Ukraine đã làm dấy lên nhiều quan ngại.
Các nhà phân tích quốc tế nhận định, động thái này sẽ làm suy yếu đáng kể khả năng phòng thủ của quốc gia này trước các cuộc tấn công quy mô lớn ngày càng tăng của quân đội Nga, đồng thời gây căng thẳng và tạo gánh nặng cho các nước đồng minh phương Tây.

Bộ Quốc phòng Mỹ vừa tuyên bố tạm hoãn chuyển giao các lô tên lửa phòng không và đạn dược cho Ukraine để rà soát lại kho dự trữ quốc gia. Động thái này nhằm “đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên hết”, nhưng Nhà Trắng vẫn cam kết duy trì mức hỗ trợ cần thiết cho Ukraine.
Trước đó, một số lô vũ khí đã được tập kết tại Ba Lan để chuyển cho Ukraine cũng được đưa trở lại Mỹ. Trong số này có nhiều tên lửa đánh chặn Patriot, tên lửa Hellfire, GMLRS, Stinger, súng phóng lựu và đạn pháo 155mm.
Theo các nhà phân tích, quyết định trên là đòn giáng nặng nề vào Kiev, trong bối cảnh Nga đang phát động những cuộc không kích lớn vào lãnh thổ Ukraine.
Lần tạm dừng viện trợ quân sự này dường như là sự thay đổi trong các ưu tiên của xứ Cờ hoa khi căng thẳng gia tăng ở Trung Đông và các quan chức của chính quyền Tổng thống Donald Trump chuyển trọng tâm khỏi cuộc xung đột Nga - Ukraine.
"Tổng thống Mỹ biết không thể áp đặt lệnh ngừng bắn đối với Nga hoặc Ukraine. Chính quyền Mỹ đã được cảnh báo về cuộc tấn công của Israel vào Iran và đã chuyển nguồn lực vào Trung Đông để chuẩn bị" - Peter Layton, một chuyên gia quân sự tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (RUSI), có trụ sở tại London, nhận định.
Tương tự, Neil Quillian, chuyên gia về Trung Đông tại Chatham House cho rằng, căng thẳng leo thang ở khu vực này là một trong những yếu tố khiến nguồn cung vũ khí cho Ukraine phải tạm dừng.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát năm 2022, Mỹ đã cung cấp cho Kiev nhiều loại thiết bị quân sự quan trọng, chiếm 30% tổng số vũ khí mà lực lượng Ukraine sử dụng ở tiền tuyến. Nhưng nguồn viện trợ cho Ukraine đã thay đổi đáng kể từ khi Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng, làm dấy lên nghi ngờ về sự hỗ trợ trong tương lai của Washington dành cho Kiev.
Vào tháng 4-2025, lần đầu tiên châu Âu đã vượt qua Mỹ về khối lượng viện trợ quân sự cho Ukraine, với khoản đóng góp lên tới 72 tỷ euro (84,9 tỷ USD), so với 65 tỷ euro (76,6 tỷ USD) của Mỹ - theo dữ liệu từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel, một tổ chức nghiên cứu của Đức theo dõi mức viện trợ thời chiến cho Ukraine.
Cũng theo tổ chức này, châu Âu vẫn chưa sẵn sàng để thay thế hoàn toàn viện trợ của Mỹ. Viện Kinh tế Thế giới Kiel ước tính, để đạt được mức hỗ trợ mục tiêu cho Ukraine mỗi năm, Đức cần tăng chi tiêu hằng năm từ 6,7 tỷ USD lên 10,2 tỷ USD; Pháp từ 1,7 tỷ USD lên 6,7 tỷ USD; Italia từ 905 triệu USD lên 5,1 tỷ USD; Tây Ban Nha từ 565 triệu USD lên 3,4 tỷ USD và Vương quốc Anh từ 5,6 tỷ USD lên 7,3 tỷ USD.
"Châu Âu có thể bù đắp phần lớn viện trợ quân sự của Mỹ nhưng chỉ khi các nhà hoạch định chính sách hành động quyết đoán. Và cho đến nay, châu Âu đã hành động quá chậm trong lĩnh vực này", Giám đốc nghiên cứu tại Viện Kinh tế Thế giới Kiel Christoph Trebesch cho biết.
Trong bối cảnh các đối tác châu Âu đang tăng cường hỗ trợ và mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ lại đưa ra nhận định rằng, chỉ Washington mới có thể cung cấp những hệ thống vũ khí quan trọng ở quy mô và tốc độ cần thiết. Việc tạm dừng viện trợ vũ khí của chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ gây thêm nhiều bất ổn cho quân đội Ukraine.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng, việc thiếu vũ khí, trang bị quân sự có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho quân đội Ukraine trên chiến trường.
Tom Karako, một chuyên gia về phòng thủ tên lửa, nhận định với Hãng tin Politico: "Phòng không sẽ không giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến, nhưng nếu không có nó, Kiev có thể nhanh chóng thất thế".
Còn Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ - Michael McCaul cho rằng: Nếu ngừng viện trợ, nước Mỹ mất đòn bẩy và chẳng thể ép Tổng thống Nga Vladimir Putin vào bàn đàm phán...
Từ những vấn đề nêu trên có thể nhận định, viện trợ liên tục của Mỹ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định vị thế cũng như hiệu quả hoạt động của quân đội Ukraine trên chiến trường. Mặt khác, việc Washington đình chỉ viện trợ cho Kiev có thể tiếp thêm động lực cho Nga, trong khi gây căng thẳng và tạo gánh nặng cho đồng minh phương Tây.
(Theo Kyiv Independent, CSIS, CNN)