Góc nhìn

Chung tầm nhìn, chung niềm tin, cùng hành động

Chí Kiên 05/07/2025 06:10

Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp ở nước ta đang trải qua những ngày đầu tiên hoạt động đã bảo đảm sự ổn định, thể hiện rõ tính ưu việt với đặc trưng nổi bật là sự tinh gọn, hiệu quả, gần dân và phục vụ nhân dân tốt hơn.

Một trong những yếu tố căn bản làm nên kết quả tốt đẹp bước đầu này chính là tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là nguồn sức mạnh vô song giúp đất nước ta vượt qua bao gian nguy, thử thách. Truyền thống quý báu đó tiếp tục được vận dụng, phát huy mạnh mẽ khi cả nước bước vào giai đoạn phát triển mới với hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp, được sắp xếp tinh gọn về tổ chức bộ máy và con người.

Nhấn mạnh yêu cầu rất thời sự này trong bối cảnh hiện nay, Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết có tựa đề: “Sức mạnh của đoàn kết” đã chỉ rõ: “Sự đồng lòng của đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân sẽ tạo nền tảng ổn định triển khai hiệu quả mô hình mới. Chưa bao giờ yêu cầu “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” trong bộ máy của hệ thống chính trị lại quan trọng như lúc này”.

Vì lẽ đó, người đứng đầu Đảng ta yêu cầu: “Giữ gìn đoàn kết chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu - là điều kiện tiên quyết để mọi công việc cải cách khác diễn ra thuận lợi”.

Nhìn về tương lai, đoàn kết chính là khởi nguồn sức mạnh, là “sợi chỉ đỏ” bảo đảm mọi đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước được thực hiện triệt để, nhất quán, hiệu quả, đáp ứng tốt nhất mọi nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Rõ ràng, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị ở địa phương ít nhiều có tác động đến một bộ phận cán bộ, đảng viên. Hiện nay, khi chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động, hầu hết đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh (đối với các tỉnh, thành phố trong diện sáp nhập), cấp huyện và cấp xã trước đây, nay đã nhận nhiệm vụ và vị trí công tác mới.

Trong bối cảnh có những thay đổi về hệ thống chính trị, vị trí và mối quan hệ công tác, rất cần sự chung sức, đồng lòng để vượt qua những thách thức, trở ngại ban đầu. Nói cách khác, mỗi người ở vai trò, vị trí, cương vị công tác của mình, cần thể hiện mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn để triệt tiêu tư tưởng phân biệt “tỉnh tôi, tỉnh anh, quyền anh, quyền tôi” rất dễ phát sinh trong giai đoạn hiện nay.

Trên hết, các tỉnh, thành phố, các xã, phường và cơ quan, đơn vị sau sáp nhập đã trở thành “người một nhà”.

Vì thế, cấp ủy, chính quyền các địa phương, cơ quan, đơn vị đều phải chung một tầm nhìn, chung một hành động và chung một niềm tin hướng về tương lai tốt đẹp.

Trách nhiệm đó, trước hết đặt lên vai các cán bộ, đảng viên và đội ngũ này luôn phải xác định đặt mình ở vị trí trung tâm của khối đoàn kết, thống nhất. Bởi thực tế, lực lượng cán bộ, công chức có trọng trách thực thi các nhiệm vụ chính trị trong bộ máy hành chính và là người trực tiếp đưa các chủ trương, quyết sách của Trung ương, địa phương đi vào cuộc sống.

Vì vậy, chính đội ngũ này, mà không ai khác, phải tuyệt đối không để xảy ra tình trạng cục bộ, chia rẽ, mất đoàn kết. Chỉ khi cùng đứng trong một khối đoàn kết, thống nhất, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mới có điều kiện tốt nhất để hoàn thành nhiệm vụ và quan trọng hơn là được nhân dân tín nhiệm, quý mến.

Đối với mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, vai trò tập hợp khối đoàn kết, thống nhất của người đứng đầu là hết sức quan trọng. Họ phải thể hiện được vai trò là trung tâm đoàn kết và hạt nhân gương mẫu.

Trong đó, nhiệm vụ tối quan trọng là việc sắp xếp, bố trí cán bộ phải được tiến hành công khai, minh bạch, bảo đảm công bằng, đúng tiêu chí, không bè phái, không “lợi ích nhóm” hay tư tưởng cục bộ vùng miền. Làm sao để đội ngũ cán bộ, đảng viên trong mỗi cơ quan, đơn vị luôn thống nhất về mặt tư tưởng, hành động, từ đó tạo nên một khối vững chắc muôn người như một. Đây cũng là cách hiệu quả để thúc đẩy trách nhiệm, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đóng góp cho quê hương, đất nước trong mỗi cán bộ, đảng viên.

Sự đồng lòng, tinh thần trách nhiệm, kỷ luật hành chính, đoàn kết nội bộ và ý chí chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong các cấp chính quyền hiện nay cũng là động lực thôi thúc các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua lao động, sản xuất để đóng góp cho quê hương, đất nước. Mỗi người cần nhận thức sâu sắc rằng, ở đâu trên mảnh đất Việt Nam cũng là quê hương yêu dấu và cần có trách nhiệm đóng góp để đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Bởi, “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Sức mạnh tập thể sẽ luôn là sức mạnh vô địch làm nên mọi thành công.

Bác Hồ đã căn dặn: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”. Tin tưởng rằng, truyền thống đoàn kết quý báu, keo sơn của dân tộc ta chắc chắn một lần nữa sẽ được phát huy mạnh mẽ trong giai đoạn đất nước bước vào kỷ nguyên hùng cường, thịnh vượng.

Chúng ta cần xác định: Chung tầm nhìn, chung niềm tin, cùng hành động, cùng hướng đến tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam.