TP Hồ Chí Minh: GRDP 6 tháng đầu năm ước tăng 6,56%
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố Hồ Chí Minh mới (sau hợp nhất) 6 tháng đầu năm 2025 ước tăng 6,56%.

Ngày 4-7, UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức phiên họp về tình hình, kết quả kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2025.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm, GRDP thành phố Hồ Chí Minh (cũ) tăng 7,82%, Bình Dương (cũ) tăng 8,3%, Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) tăng 2,61%. Tính chung, GRDP 6 tháng đầu năm của thành phố Hồ Chí Minh mới ước tăng 6,56%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của thành phố Hồ Chí Minh mới trong 6 tháng đầu năm tăng 16,2%.
Về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), tổng thu hút vốn FDI 3 địa phương (cũ) 6 tháng đầu năm đạt hơn 5,2 tỷ USD. Tổng kế hoạch thu hút đầu tư nước ngoài đặt ra trong năm 2025 của thành phố (tính cả 3 tỉnh, thành phố) là khoảng 10,44 tỷ USD.
Thu ngân sách thành phố Hồ Chí Minh mới 6 tháng đầu năm ước đạt 415.000 tỷ đồng, đạt 60% dự toán.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2025 của thành phố Hồ Chí Minh mới là 46.686 tỷ đồng, đạt 30,7% kế hoạch vốn giao (46.686/152.146 tỷ đồng) và đạt tỷ lệ 39,2% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (46.686/118.948 tỷ đồng). Với kết quả giải ngân nêu trên, thành phố Hồ Chí Minh sau khi hợp nhất có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân của cả nước được Bộ Tài chính dự kiến trong 6 tháng đầu năm (32,5%).
Tại phiên họp, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo chỉ tiêu đề ra, GRDP của thành phố Hồ Chí Minh (cũ) năm 2025 đạt 10%, Bình Dương (cũ) tăng 10%, Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) tăng 10,5%, thì kế hoạch của thành phố Hồ Chí Minh mới năm 2025 tăng 10,04%. Để hoàn thành nghị quyết của Chính phủ, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm của thành phố Hồ Chí Minh mới phải dao động từ 11 - 12,5%. Đây là thách thức rất lớn đối với “siêu đô thị” thành phố Hồ Chí Minh sau hợp nhất.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho biết, ngay từ đầu năm 2025, thành phố đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các dự án tồn đọng. Qua đó, thành phố đã tháo gỡ hơn 70 dự án, khơi thông gần 400.000 tỷ đồng “cục máu đông”, chảy vào nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp lớn quay lại thành phố đầu tư.
Tuy vậy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho rằng, môi trường đầu tư tại thành phố vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp, cần phải cải thiện mạnh mẽ hơn nữa, chuyển mô hình quản trị từ kiểm soát sang phục vụ và phải đưa vào thực tế, không nói suông.
Người đứng đầu chính quyền thành phố nhấn mạnh, bên cạnh đẩy mạnh kinh tế tư nhân, thành phố phải có ít nhất 2 tập đoàn kinh tế nhà nước lớn để dẫn dắt kinh tế thành phố.
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là ổn định bộ máy hành chính giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp thông suốt, không để gián đoạn. Phấn đấu 100% thủ tục hành chính thực hiện phi địa giới hành chính sau khi hợp nhất 3 tỉnh, thành trong năm 2025.
Về mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được yêu cầu phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt 100% (mục tiêu cũ là 95%).
Về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025, thành phố đề ra 2 kịch bản: Kịch bản 1, tăng trưởng thấp từ 8 - 8,5%; kịch bản 2, tăng trưởng cao, đạt 10%. Từ 2 kịch bản này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Được giao các sở, ngành, viện nghiên cứu xây dựng, báo cáo UBND thành phố ngay trong tuần này để tổng hợp.