Tối ưu hóa nguồn lực công chức
Việc xếp ngạch công chức theo vị trí việc làm không chỉ là yêu cầu tất yếu của quá trình cải cách hành chính mà còn là giải pháp quan trọng nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực công chức.
Cách làm này giúp cơ quan, đơn vị quản lý công chức một cách khoa học, minh bạch và hiệu quả hơn; đặc biệt là trong việc đánh giá đúng năng lực, trình độ, hiệu quả công tác của từng người; từ đó có cơ sở cho việc bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng và trả lương phù hợp, công bằng.

Thực tế thời gian qua cho thấy, tại một số nơi vẫn xảy ra tình trạng bố trí công chức không đúng với vị trí việc làm. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả công việc, gây lãng phí nguồn nhân lực, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển nghề nghiệp của công chức và chất lượng hoạt động của cơ quan nhà nước.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó có thực trạng không ít cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng kế hoạch sử dụng công chức một cách bài bản, khoa học; bố trí công chức không phù hợp với năng lực, sở trường. Nhiều quy định về tiêu chuẩn tuyển dụng, bố trí, sử dụng công chức còn thiếu rõ ràng, dẫn đến tình trạng tuyển sai, bổ nhiệm không đúng người, đúng việc. Hệ quả là bộ máy hành chính không vận hành được tối đa hiệu quả và công chức không phát huy được đúng năng lực.
Trước yêu cầu cấp bách từ thực tiễn, ngày 30-6-2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 170/2025/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, có hiệu lực từ ngày 1-7-2025. Một trong những nội dung nổi bật của nghị định là quy định rõ hơn về việc bố trí, xếp ngạch công chức theo vị trí việc làm. Đây là bước tiến quan trọng nhằm tối ưu hóa nguồn nhân lực, nhất là trong bối cảnh cả nước bắt đầu thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Việc sắp xếp công chức “rõ người, rõ việc”, đúng năng lực, sở trường và trình độ chuyên môn không chỉ giúp nâng cao hiệu suất công tác, mà còn tạo động lực để công chức phát huy tối đa năng lực cá nhân. Đồng thời, việc này giúp cơ quan quản lý tập trung phát triển nguồn nhân lực theo hướng chuyên sâu, hạn chế tình trạng thừa - thiếu nhân lực cục bộ giữa các vị trí.
Để nghị định nhanh chóng đi vào cuộc sống, các cơ quan, đơn vị cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trước hết là bảo đảm minh bạch và công bằng trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức. Các cơ quan, đơn vị cần xác định rõ từng vị trí việc làm, từ đó thực hiện công khai, minh bạch trong bố trí, bổ nhiệm, xếp ngạch. Người đứng đầu cơ quan cần thực sự quan tâm, chịu trách nhiệm trong việc phân công công việc đúng với năng lực, đúng với yêu cầu của vị trí để theo dõi, đánh giá sát sao và có chính sách đào tạo phù hợp.
Về phía công chức, mỗi người cần chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ; đồng thời tuân thủ kỷ luật hành chính, tích cực học hỏi, rèn luyện để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Như lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khi thảo luận về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) tại diễn đàn Quốc hội: “Cán bộ, công chức muốn tồn tại phải đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm; phải xóa bỏ tình trạng giữ "ghế" nhờ ngạch; từ đó sẽ tạo động lực để cán bộ, công chức phấn đấu, thực thi công vụ trên cơ sở vị trí việc làm theo hướng chuyên nghiệp”.
Việc quản lý công chức theo vị trí việc làm không chỉ là một thay đổi mang tính kỹ thuật, mà còn là bước chuyển mạnh mẽ hướng tới xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn và hiệu quả. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để mô hình chính quyền địa phương 2 cấp vận hành hiệu quả, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.