Giáo dục

Chấm thi tốt nghiệp THPT: Siết chặt quy trình, bảo đảm quyền lợi thí sinh

Thống Nhất 03/07/2025 - 16:37

Hôm nay (3-7), các hội đồng chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) trên cả nước đã làm việc.

giao-vien-coi-thi.jpg
Các hội đồng chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đã làm việc, bảo đảm tiến độ
công bố kết quả thi vào sáng 16-7-2025. Ảnh: Lê Nguyễn

Kỳ thi năm nay mang nhiều dấu ấn đặc biệt, không chỉ bởi lần đầu tổ chức đồng thời cho hai chương trình giáo dục phổ thông (2006 và 2018), mà còn bởi những đổi mới về đề thi và quy chế chấm thi được siết chặt nhằm bảo đảm công bằng tối đa cho thí sinh.

Môn ngữ văn: Chấm hai vòng, giữ công tâm

Một trong những điểm đặc biệt của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 là sự đổi mới mạnh mẽ trong đề thi môn ngữ văn – cũng là môn thi duy nhất theo hình thức tự luận. Đây là lần đầu tiên đề thi áp dụng định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó ngữ liệu được lấy từ nguồn ngoài sách giáo khoa. Điều này đòi hỏi quá trình chấm thi phải không chỉ chính xác, công tâm mà còn linh hoạt trong việc đánh giá tư duy, quan điểm của học sinh.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp án và thang điểm chính thức của các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay sẽ được công bố sau ngày 5-7; kết quả thi sẽ được công bố vào sáng 16-7.

Theo quy định, bài thi được chấm theo thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân. Mỗi bài được chấm hai vòng độc lập bởi hai giám khảo đến từ hai tổ chấm khác nhau.

Ở vòng một, giám khảo không được ghi điểm hoặc nhận xét trực tiếp lên bài thi. Mọi đánh giá đều được ghi vào phiếu chấm riêng. Cán bộ chấm có trách nhiệm kiểm tra kỹ tình trạng bài thi – từ số phách, số tờ đến các trang giấy trắng – để gạch chéo, phòng tránh việc bổ sung nội dung sau kỳ thi.

Những bài thi có dấu hiệu bất thường như dùng hai màu mực, chữ viết không đồng nhất, làm bài trên giấy nháp, hoặc nội dung sai lệch sẽ được lập biên bản và chuyển tổ trưởng để xử lý.

Vòng hai được tổ chức độc lập, bài thi được bốc thăm lại và không giao cho người chấm vòng một. Ở vòng này, giám khảo được ghi điểm trực tiếp lên bài và phiếu chấm. Nếu có chênh lệch điểm từ 1,5 trở lên (trừ trường hợp cộng nhầm), bài thi sẽ được chấm vòng ba để thống nhất kết quả.

Điểm số sau đó được nhập hai vòng trên phần mềm chuyên dụng bởi hai nhóm độc lập. Tiếp theo là bước hồi phách – nối kết điểm với thông tin thí sinh – được thực hiện bằng phần mềm, với ít nhất 20% số bài được hồi phách thủ công để đối chứng.

Đặc biệt, tổ chấm kiểm tra sẽ chấm lại ngẫu nhiên tối thiểu 5% số lượng bài thi đã chấm để bảo đảm chất lượng toàn bộ quá trình, tránh bỏ sót năng lực thực tế của thí sinh.

Kỳ thi năm nay lần đầu tiên tổ chức cho thí sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thí sinh thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là ngữ văn, toán; 2 môn còn tự chọn trong số các môn: Vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ định hướng công nghiệp, công nghệ định hướng nông nghiệp, ngoại ngữ.

Chấm trắc nghiệm bằng máy: Kiểm soát chặt chẽ

Khác với môn tự luận, bài thi trắc nghiệm được chấm hoàn toàn bằng máy. Đây là khâu đòi hỏi độ chính xác cao, được hỗ trợ bởi phần mềm chuyên dụng có tính bảo mật và kiểm soát chặt chẽ từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra ngày 26 và 27-6 với gần 1,17 triệu thí sinh dự thi. Ảnh: Lê Nguyễn
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra ngày 26 và 27-6 với gần 1,17 triệu thí sinh dự thi.
Ảnh: Lê Nguyễn

Trước khi tiến hành chấm, các hội đồng thi tiến hành kiểm tra toàn bộ thiết bị, phần mềm, nhận mã khóa chấm thi và vận hành thử để bảo đảm quy trình thông suốt. Phiếu trả lời trắc nghiệm sau khi quét sẽ được phần mềm xử lý, đối chiếu số báo danh, mã đề. Những lỗi như tô sai, tô mờ, sai số báo danh sẽ được kiểm tra thủ công. Mọi chỉnh sửa đều phải có biên bản xác nhận của các cán bộ liên quan.

Kết quả chấm của từng thí sinh được lưu song song trên hai đĩa CD: Một đĩa gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, một đĩa lưu tại hội đồng thi địa phương để đối chiếu. Chỉ khi hoàn tất toàn bộ quy trình này, dữ liệu mới được nhập hệ thống và công bố chính thức.

Tại Hà Nội, để bảo đảm quy trình chấm diễn ra suôn sẻ trong bối cảnh mới của chính quyền hai cấp, Sở Giáo dục và Đào tạo đã huy động hơn 800 cán bộ, giáo viên tham gia. Khu vực chấm thi được bố trí biệt lập, có công an bảo vệ 24/24 giờ, có camera giám sát và bảo đảm phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Cán bộ chấm thi không được mang thiết bị điện tử, bút xóa hay bất kỳ vật dụng trái quy định nào vào phòng.

Năm nay, kỳ thi diễn ra trong bối cảnh chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương từ ba cấp xuống hai cấp, tạo ra một số thay đổi trong khâu phối hợp tổ chức. Nếu khâu coi thi vẫn diễn ra dưới mô hình cũ (xã, huyện, tỉnh), thì chấm thi lại triển khai trong hệ thống mới (tỉnh và cấp cơ sở), đặt ra yêu cầu cao về điều phối và trách nhiệm, nhất là trong bảo đảm quyền lợi thí sinh.

Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc chấm thi cần được thực hiện chặt chẽ, đúng tiến độ, đặc biệt trong bối cảnh nhiều địa phương đang sáp nhập đơn vị hành chính. Việc ra đề đổi mới thì phương án chấm cũng phải đổi mới, bảo đảm công bằng cho thí sinh của cả hai chương trình học.

Theo kế hoạch, các địa phương sẽ đồng loạt công bố điểm thi vào lúc 8h sáng 16-7. Dự kiến, công tác xét tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được hoàn tất chậm nhất vào ngày 18-7, kịp thời để thí sinh làm thủ tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2025.

Trong buổi kiểm tra công tác chấm thi tại tỉnh Ninh Bình ngày 3-7, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh yêu cầu thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ": Chỉ đạo tại chỗ, thiết bị tại chỗ, nhân lực tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Thứ trưởng lưu ý, quá trình chấm thi cần chủ động, rõ ràng trong chế độ thông tin báo cáo, đầu mối và trách nhiệm. Hội đồng chấm thi tuyệt đối không được ép tiến độ, nhất là với môn tự luận, tránh gây sai sót, ảnh hưởng đến kết quả thi của thí sinh.