Nhật Bản đẩy mạnh chiến lược thu hút khách Việt Nam
Nhằm thúc đẩy phát triển du lịch hai chiều Việt Nam - Nhật Bản, sáng 2-7, tại Hà Nội, Văn phòng Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Hà Nội tổ chức “Hội thảo và Kết nối kinh doanh thương mại xúc tiến du lịch Nhật Bản năm 2025”.

Theo JNTO, năm 2024, số lượng khách Việt Nam đến Nhật Bản đạt 621.173 lượt, tăng 8,2% so với năm 2023 và là năm thứ hai liên tiếp lập kỷ lục mới. Riêng 5 tháng đầu năm 2025, con số này tiếp tục tăng 9,6%, đạt 311.700 lượt khách. dù lượng khách đang tăng trưởng tích cực, nhưng tiềm năng thị trường vẫn còn rất lớn khi có tới 80% người Việt chưa từng đến Nhật.
Phát biểu tại hội thảo, bà Matsumoto Fumi, Trưởng đại diện JNTO tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi muốn đồng hành cùng các công ty du lịch Việt Nam để đa dạng hóa điểm đến, trải nghiệm và kéo giãn mùa vụ, tránh quá tải tại các thành phố lớn và khuyến khích du khách khám phá các vùng địa phương giàu bản sắc”.

Đánh giá thị trường du lịch giữa Việt Nam - Nhật Bản, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy khẳng định, du lịch là một trong những lĩnh vực tiên phong trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Nhật Bản không chỉ là thị trường gửi khách hàng đầu mà còn là đối tác chiến lược trong phát triển sản phẩm du lịch cao cấp, bảo tồn di sản và chuyển đổi số điểm đến.
Ở chiều ngược lại, du lịch inbound của Nhật Bản đang phát triển mạnh, trong đó lượng khách Việt Nam ngày một tăng. Trong 4 tháng đầu năm 2025, đã có hơn 252.000 lượt khách Việt Nam tới Nhật, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu đến Nhật không chỉ tập trung vào “Cung đường vàng” Tokyo - Osaka - Kyoto nữa mà đã lan sang các vùng ít người biết đến như Chugoku, Kyushu hay Hokkaido.

Năm 2025, JNTO xác định rõ 3 trụ cột trong chiến lược xúc tiến thị trường Việt Nam, đó là: Thúc đẩy trải nghiệm nhiều điểm đến địa phương, kích cầu mùa thấp điểm và tận dụng sức hút từ Triển lãm Thế giới Osaka-Kansai 2025.
Tại hội thảo, một loạt điểm đến mới được giới thiệu như: Tottori với Bảo tàng cát duy nhất thế giới, Thị trấn Conan - quê hương của tác giả truyện tranh nổi tiếng. Ngoài ra, Okayama với Phố cổ Kurashiki và Vườn Korakuen được xếp hạng 3 sao Michelin. Shimane với Vườn Yuushien rực rỡ mẫu đơn, đền Izumo hơn 1.500 năm tuổi. Yamaguchi với Cầu Kintaikyo - Bảo vật Quốc gia Nhật Bản, và Lễ hội nghệ thuật Setouchi 2025 trải dài 100 ngày…
Bà Matsumoto Fumi cho biết, các yếu tố khiến du khách Việt quan tâm nhiều nhất hiện nay là: hoa anh đào, lá đỏ, suối nước nóng, ẩm thực địa phương, sự tiện lợi trong thanh toán không tiền mặt và dịch vụ thân thiện với gia đình.


Chia sẻ thêm việc gia tăng trao đổi khách giữa hai nước, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ishikawa Isamu, chia sẻ kỳ vọng tăng tổng số lượt khách trao đổi giữa hai nước lên 2 triệu vào năm 2030. Ông cũng khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam nên khám phá Nhật nhiều lần ở các vùng khác nhau, trải nghiệm từng mùa, vì “sức hút của Nhật Bản nằm ở chính các địa phương.

Hiện, JNTO đang triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, như: Tài trợ 50% chi phí quảng bá tour có điểm đến địa phương ngoài Tokyo, Osaka…, ưu tiên các tuyến có liên quan Expo 2025. Tặng bình giữ nhiệt JNTO cho khách VIP và đại diện đến tour. Hỗ trợ đoàn Incentive, tham gia famtrip khảo sát điểm đến mới. Khuyến khích sử dụng Visit Japan Web - công cụ đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, khai báo hải quan và hoàn thuế…