Tổng Bí thư Tô Lâm: Chuyển đổi số là cầu nối sống còn giữa tỉnh và xã trong mô hình chính quyền mới
Sáng 2-7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2025.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; các Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Trưởng ban Chỉ đạo: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Hoài Trung, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy trong cả nước.
Dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND thành phố và đại diện các sở, ngành liên quan.


Mở đầu hội nghị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã ra mắt 3 hệ thống nền tảng ứng dụng phục vụ triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, gồm: Cổng thông tin điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Hệ thống giám sát, đánh giá Nghị quyết số 57-NQ/TƯ; Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị, giải pháp sáng kiến phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Mở ra cách làm việc minh bạch, hiện đại, khoa học và hiệu quả hơn
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Nghị quyết số 57-NQ/TƯ là nghị quyết có tính chất chiến lược, định hình con đường phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong giai đoạn mới; đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực hoàn thành các mục tiêu của nhiệm kỳ và mô hình chính quyền địa phương hai cấp chính thức vận hành tại 34 tỉnh, thành phố từ ngày 1-7.

Nhấn mạnh đây là ngày làm việc thứ hai kể từ ngày vận hành bộ máy mới và là hội nghị toàn quốc đầu tiên được tổ chức theo mô hình hoạt động của mô hình chính quyền địa phương hai cấp mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao Ban Thường trực, Ban Chỉ đạo đã tích cực, chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo ban hành các kế hoạch mang tính tổng thể, chiến lược để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong hệ thống chính trị; đồng thời, việc ra mắt 3 nền tảng quan trọng hôm nay là những việc làm rất thiết thực, quan trọng và ý nghĩa.
Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, các kế hoạch và nền tảng trên là biểu hiện sinh động của việc đổi mới cách thức triển khai, thực hiện nghị quyết của Đảng, mở ra một cách làm việc minh bạch, hiện đại, khoa học và hiệu quả hơn; chuyển từ cách làm truyền thống, sang ứng dụng công nghệ số, chỉ đạo điều hành dựa trên dữ liệu thời gian thực, đánh giá thực chất công việc, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan.
Tổng Bí thư đề nghị Văn phòng Trung ương Đảng nâng cao hiệu quả giám sát, đôn đốc, triển khai thực hiện Nghị quyết số 57 trong thời gian tới. Tổng Bí thư đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị tập trung làm rõ các khó khăn, vướng mắc, nhất là những kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai Nghị quyết trên thực tiễn.
6 kết quả quan trọng qua triển khai nhiệm vụ
Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2025 được trình bày tại hội nghị đã nêu bật 6 kết quả quan trọng.
Thứ nhất, về hoàn thiện thể chế, chính sách, ngay trong 6 tháng đầu năm, Quốc hội đã thông qua hai đạo luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đó là Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và Luật Công nghiệp Công nghệ số. Đây là hai luật nền tảng, tạo hành lang pháp lý mới, thể hiện tư duy đổi mới rất sâu sắc của Đảng và Nhà nước, ưu tiên phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, dữ liệu lớn, Internet vạn vật.
Thứ hai, về công tác chỉ đạo, điều hành, Ban Chỉ đạo Trung ương đã hoạt động hết sức quyết liệt, bài bản và sáng tạo. Trong 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo đã tổ chức 2 phiên họp toàn thể, 1 phiên họp Thường trực, 13 cuộc họp với Tổ giúp việc; ban hành 16 thông báo kết luận và hơn 30 văn bản chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương. Từng nhiệm vụ cụ thể được phân công rõ ràng, đôn đốc sát sao, gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Thứ ba, về chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số và phát triển dữ liệu, đã đưa vào vận hành Hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 57, giúp theo dõi tiến độ, kết quả thực hiện các nhiệm vụ một cách trực tuyến, minh bạch, kịp thời.
Bên cạnh đó, đã triển khai Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, sáng kiến, giải pháp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Đây là hai công cụ hết sức quan trọng, góp phần hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo, tránh tình trạng báo cáo hình thức, không đúng thực chất...
Về hạ tầng số, đến nay, đã có 12.106 trạm 5G được triển khai, phủ sóng hơn 26% dân số, hướng tới mục tiêu 90% dân số được tiếp cận 5G vào cuối năm 2025. Đồng thời, đang đẩy nhanh xây dựng các Trung tâm dữ liệu quy mô lớn, hình thành cơ sở hạ tầng dữ liệu quốc gia, kết nối các hệ thống từ Trung ương tới địa phương.
Thứ tư, về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong 6 tháng đầu năm, hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của đất nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Hiện cả nước có 858 doanh nghiệp khoa học, công nghệ; 45 doanh nghiệp công nghệ cao; trên 73.000 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động...
Thứ năm, về huy động nguồn lực xã hội, một điểm rất nổi bật trong 6 tháng qua là sự đồng hành, tham gia hết sức tích cực, chủ động của các doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước. Các tập đoàn công nghệ lớn, như: Viettel, VNPT, FPT, CMC… đã không chỉ tham gia với vai trò nhà thầu thực hiện dự án, mà còn trực tiếp cùng Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành xây dựng giải pháp, đề xuất chính sách. Điều này cho thấy Nghị quyết số 57 không còn chỉ là việc của Nhà nước, mà đã thực sự lan tỏa ra toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, trở thành phong trào xã hội sâu rộng.
Thứ sáu, một điểm đột phá lớn nhất trong 6 tháng đầu năm chính là việc Ban Chỉ đạo Trung ương đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 02-KH/BCĐTƯ. Đây không chỉ là một kế hoạch hành động cụ thể, mà còn là một mô hình quản trị mới, hiện đại, dựa trên dữ liệu, rất phù hợp với yêu cầu sắp xếp bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Bảo đảm 100% cấp xã có thể trực tiếp báo cáo trên hệ thống điện tử
Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thông thoáng, đột phá. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, có tính nền tảng. Phải tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật, nghị định, thông tư, nhất là những lĩnh vực còn vướng mắc, bất cập, như: Xây dựng các quy định cụ thể để triển khai Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và Luật Công nghiệp công nghệ số vừa được Quốc hội thông qua...
Thứ hai, về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ban hành hướng dẫn, đề xuất phương án tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động chiến lược thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị; xây dựng dịch vụ công trực tuyến "Đăng ký và quản lý sáng kiến đột phá"; xây dựng quy trình thủ tục xét chọn sáng kiến dự án nêu trong kế hoạch hành động chiến lược; xây dựng tiêu chí, quy chế quản lý, chế độ làm việc, đãi ngộ và quy trình tuyển dụng tổng công trình sư, kiến trúc sư trưởng triển khai các hệ thống chiến lược, các sáng kiến đột phá như đã nêu trong kế hoạch hành động chiến lược.

Thứ ba, hướng dẫn, đào tạo cho các bộ, ngành, địa phương nắm vững cách vận hành hệ thống quản lý nhiệm vụ điện tử; bảo đảm 100% cấp xã có thể trực tiếp báo cáo trên hệ thống điện tử, giảm tối đa báo cáo giấy, rút ngắn thời gian xử lý thông tin. Chuẩn hóa các chỉ tiêu, dữ liệu để đưa vào hệ thống giám sát, đánh giá, bảo đảm “nói phải đi đôi với làm”, không để tồn tại tình trạng báo cáo hình thức...
Thứ tư, đẩy nhanh phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, tạo nền tảng đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Đây là nhiệm vụ sống còn để bộ máy mới có thể vận hành hiệu quả, do đó, phải tập trung xóa “điểm lõm sóng, thiếu điện”, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, bảo đảm phủ sóng 5G đạt trên 90% dân số vào cuối năm 2025. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm dữ liệu quốc gia, hình thành trục kết nối dữ liệu liên thông từ Trung ương tới cơ sở...
Thứ năm, phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn. Theo đó, cần đẩy nhanh xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, an ninh mạng, dữ liệu lớn… Ngoài ra, tiếp tục thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong nước và nước ngoài, kể cả chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện để họ cống hiến lâu dài.
Thứ sáu, tập trung bố trí nguồn lực tài chính một cách tập trung, hiệu quả, tránh dàn trải, hình thức. Theo đó, sẽ tập trung ưu tiên nguồn vốn cho các nhiệm vụ trọng điểm, có tác động lan tỏa lớn, không dàn trải, manh mún; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mạnh mẽ nguồn lực của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước; xây dựng cơ chế thử nghiệm (sandbox) để khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ mới, có tính đột phá.
Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực chất, hiệu quả; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các nhiệm vụ ở tất cả các cấp; đẩy mạnh cơ chế kiểm tra chéo, nhất là giữa các đơn vị trong hệ thống chính trị; công khai kết quả thực hiện trên hệ thống giám sát, đánh giá để toàn xã hội cùng giám sát.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe các tham luận của đại diện các bộ, ngành, địa phương làm rõ hơn kết quả, các giải pháp cũng như các kiến nghị, đề xuất để thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết số 57.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ hoàn thiện thể chế, chính sách liên thông dữ liệu, đặc biệt là các cơ chế về phân quyền, khai thác dữ liệu giữa các cấp chính quyền, giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Cùng với đó là ưu tiên nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn mô hình chuẩn để các địa phương, nhất là Hà Nội xin tiếp tục tiên phong, đi trước nhận thí điểm các mô hình mới về quản lý dữ liệu, chính quyền số, tiến tới nhân rộng trên toàn quốc. Các bộ, ngành sớm hoàn thành việc xây dựng, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia, bảo đảm việc chia sẻ dữ liệu đến xã, phường thực chất, hiệu quả...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, thực hiện Nghị quyết số 57, Quốc hội đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng thể chế, pháp luật liên quan đến phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Phó Chủ tịch Quốc hội kiến nghị triển khai ứng dụng về chuyển đổi số của Quốc hội đang ứng dụng tới HĐND 34 tỉnh, thành phố trong năm nay và tiến tới triển khai các xã, phường, đặc khu vào năm 2026. Các ban, bộ, ngành, địa phương cũng cần chủ động nghiên cứu cơ chế, chính sách về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để kiến nghị cấp có thẩm quyền nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời và áp dụng ngay vào thực tế một cách hiệu quả.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất là người đứng đầu, truyền cảm hứng cho hệ thống chuyển động mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi số.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số theo hướng tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn, những vấn đề mới phát sinh, xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên trong lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm.
Về huy động nguồn lực, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang tập trung đầu tư ngân sách cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là 3% trong năm nay và năm tới khoảng 5%. Thủ tướng nhấn mạnh, huy động nguồn lực phải có sáng tạo bằng việc huy động các nguồn lực hợp pháp, đặc biệt là hợp tác công - tư; không trông chờ, ỷ lại nguồn lực nhà nước, mà phải xã hội hóa, huy động, khuyến khích nguồn lực từ trong nhân dân.
Đối với hạ tầng cho khoa học công nghệ, chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cần tập trung phát triển cơ sở dữ liệu và phủ sóng internet và điện, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa cần sự quan tâm hơn của các bộ, ngành chức năng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành và các cơ quan, đơn vị chức năng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tận dụng cơ sở dữ liệu, hạ tầng dùng chung để đỡ tốn kém lãng phí; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong khoa học, công nghệ, chuyển đổi số để góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh 8 nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao kết quả đạt được trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số 6 tháng đầu năm của Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành, địa phương.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh nhiệm vụ phía trước còn nhiều khó khăn, điểm nghẽn chỉ ra không chỉ là những con số, những nhiệm vụ chậm tiến độ, mà sâu xa hơn là những thách thức về tư duy chỉ đạo, cơ chế phối hợp, phân bổ nguồn lực và cam kết chính trị ở tất cả các cấp.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh 8 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, người đứng đầu các ban, bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, có quyết tâm chính trị cao, kiên quyết, kiên trì, kiên định làm bằng được để củng cố niềm tin của toàn xã hội.
“Đặc biệt là chuyển đổi số trong bối cảnh chính quyền địa phương hai cấp đi vào hoạt động, khi không có cấp huyện, lãnh đạo cấp tỉnh phải quản lý hàng trăm đầu mối cấp xã, nếu không có công nghệ, không quản trị dựa trên dữ liệu thì không thể truyền đạt chỉ đạo, nắm bắt công việc kịp thời, dẫn đến nguy cơ ách tắc, không phục vụ kịp thời người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, chuyển đổi số là hệ thần kinh trung ương, là cầu nối sống còn giữa tỉnh và xã trong mô hình mới, trở thành bộ não dữ liệu để phân tích, cảnh báo sớm tình hình, không để xảy ra vũng trũng thông tin. Không có chuyển đổi số thì mô hình chính quyền hai cấp sẽ không thể vận hành một cách có hiệu quả”, đồng chí Tô Lâm nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng yêu cầu Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng các chương trình truyền thông sâu rộng về các nội dung đột phá của Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là cơ chế chấp thuận rủi ro nhằm củng cố niềm tin trong giới khoa học, doanh nghiệp và người dân.
Thứ hai, về nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương xây dựng các văn bản dưới luật để hướng dẫn thi hành các luật đã ban hành, bảo đảm hoàn thành khi luật có hiệu lực thi hành. Đồng thời, ban hành các cơ chế, chính sách cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tiếp tục rà soát các văn bản luật có liên quan, bảo đảm mục tiêu trong năm nay tháo gỡ hết các điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc về pháp luật theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Thứ ba về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng chí Tô Lâm yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung quán triệt, triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động chiến lược thực hiện Nghị quyết số 57. Các nhiệm vụ trọng tâm là giao cho cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo ban hành hướng dẫn chi tiết và đề xuất phương án tổ chức thực hiện kế hoạch, báo cáo Ban Chỉ đạo xem xét trước ngày 15-7-2025.
Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần hoàn thành các phần việc được giao. Trong đó, Bộ Nội vụ cần chủ trì xây dựng tiêu chí, quy chế quản lý đãi ngộ và quy trình tuyển dụng tổng công trình sư, kiến trúc sư trưởng để triển khai các hệ thống chiến lược, đột phá. Các bộ có liên quan chủ động đề xuất các ứng viên tiềm năng cho vị trí chiến lược này, để tìm được cá nhân thực sự xuất sắc, đủ sức, đủ tài, đủ uy tín để trao cho họ thẩm quyền quy tụ lực lượng dẫn dắt thực hiện các công nghệ chiến lược quốc gia.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích thành lập các doanh nghiệp khởi nghiệp, triển khai sản phẩm nghiên cứu trong các trường đại học, thiết kế các chương trình kết nối thực chất giữa nhà khoa học và doanh nghiệp, giúp thương mại hóa các sản phẩm khoa học và công nghệ; nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình đại học công nghệ thế hệ mới; xây dựng phương án tổ chức sắp xếp lại các tổ chức khoa học công nghệ, đầu tư phát triển và tổ chức nghiên cứu mạnh, hoàn thành trong tháng 8-2025.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đánh giá toàn diện toàn bộ các phòng thí nghiệm trong cả nước; rà soát công tác hoạch định chính sách, đầu tư chia sẻ và khai thác các phòng thí nghiệm, bảo đảm tránh trùng lắp, lãng phí nguồn lực. Cùng với đó, thành lập các tổ liên ngành hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm, đàm phán và mua lại công ty công nghệ nước ngoài sở hữu trí tuệ, bí quyết công nghệ quan trọng để thúc đẩy sở hữu công nghệ lõi, tháng 8-2025 hoàn thành.
Các bộ, ngành nghiên cứu, thúc đẩy ứng dụng công nghệ chiến lược trong danh mục công nghệ chiến lược đã ban hành, như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, dữ liệu lớn, rô bốt, công nghệ y sinh học, an ninh mạng... Hằng tháng, các bộ, ngành báo cáo Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ này.
Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương cần nâng cao trách nhiệm, tăng cường trực tiếp chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra việc triển khai Kế hoạch hành động chiến lược tại các bộ, ngành địa phương, lĩnh vực phụ trách, bảo đảm các nhiệm vụ triển khai đúng tiến độ, hiệu quả cao.
Thứ tư, về chuyển đổi số quốc gia, Tổng Bí thư chỉ đạo các bộ ngành, địa phương quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ. Để tạo đột phá trong triển khai nhiệm vụ về dữ liệu, cần chuyển đổi sang phương thức quản trị mới, lấy hiệu quả làm trung tâm.
Tổng Bí thư giao Bộ Công an chủ trì phối hợp các bộ, ngành xây dựng và trình Ban Chỉ đạo cơ chế vượt trội, đột phá về quản trị dữ liệu quốc gia, theo nguyên tắc dữ liệu phải “đúng, đủ, sạch, sống”, kết nối thông suốt nhằm kết nối hiệu quả, tạo ra giá trị cụ thể, có thể đo lường được. Bộ Công an và các bộ, ngành cũng cần khẩn trương hoàn thành và đưa vào khai thác trung tâm dữ liệu quốc gia, các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành theo lộ trình đã được Chính phủ đề ra.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, tái sử dụng thông tin, dữ liệu để cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; báo cáo kết quả thực hiện đến Thường trực Ban Chỉ đạo hằng tháng, thường xuyên.
Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục chủ trì phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai hạ tầng số, phủ sóng 5G toàn quốc gắn với việc tiếp tục triển khai Internet, khẩn trương khắc phục tình trạng thôn bản lõm sóng, thiếu điện, khẩn trương báo cáo Ban Thường trực Ban Chỉ đạo kết quả thực hiện; phấn đấu vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo đều phải có sóng, vùng đô thị sóng phải mạnh.
Thứ năm, về bảo đảm nguồn nhân lực, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách nguồn nhân lực, nhân tài ngành khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chuyển đổi số trong và ngoài nước, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghiệp mũi nhọn, chiến lược quốc gia; hoàn thành trong tháng 8-2025.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng đề án phát triển, trọng dụng nhân tài, đặc biệt là chuyên gia đầu ngành để phục vụ và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia...
Thứ sáu, về bảo đảm kinh phí cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí đủ ngân sách để đạt được mục tiêu Nghị quyết số 57 đã đề ra. Cùng với đó, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương đăng ký vốn, ưu tiên các dự án trọng điểm, có tính đột phá, lan tỏa; kiên quyết cắt giảm các dự án dàn trải, hình thức, tập trung cho dự án đầu tư, phòng thí nghiệm, công nghệ chiến lược... Các địa phương cũng cần ưu tiên các dự án về chuyển đổi số phục vụ vận hành chính quyền địa phương hai cấp.
Thứ bảy, quan tâm đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật, bảo vệ dữ liệu quốc gia, dữ liệu cá nhân, bảo đảm bản quyền và sở hữu trí tuệ. Mọi người dân, doanh nghiệp đều phải có trách nhiệm và nắm được nguyên tắc để chấp hành pháp luật và tự bảo vệ mình. Các cơ quan chuyên môn cũng tập trung hỗ trợ vào việc này để bảo đảm đồng bộ, hiệu quả.
Thứ tám, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần vận hành hiệu quả 3 hệ thống nền tảng ứng dụng phục vụ triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TƯ, gồm Cổng thông tin điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Hệ thống giám sát, đánh giá Nghị quyết số 57-NQ/TƯ; Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị, giải pháp sáng kiến phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
"Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, thủ trưởng các bộ, ngành và bí thư các thành ủy, tỉnh ủy cần nêu cao trách nhiệm, đôn đốc kiểm tra, bảo đảm các nhiệm vụ được thực hiện đúng tiến độ, đạt kết quả thực chất; biến thách thức thành cơ hội, biến quyết tâm thành hành động cụ thể, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.