Du lịch

Cơ hội mới cho du lịch Thủ đô

Hoàng Lân 02/07/2025 08:31

Việc vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp mở ra cơ hội mới để định vị lại thương hiệu và tiềm năng du lịch Hà Nội.

Cùng với cả nước, thành phố Hà Nội đã chính thức vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp. Từ 30 quận, huyện, thị xã, Thủ đô hiện có 126 xã, phường sau sắp xếp. Việc vận hành mô hình mới mở ra cơ hội mới để định vị lại thương hiệu và tiềm năng du lịch của từng nơi, từ đó có những chiến lược đầu tư phát triển, quảng bá du lịch hiệu quả hơn.

du-lich.jpg
Điểm du lịch Quảng Phú Cầu (xã Ứng Thiên) thu hút du khách tham quan. Ảnh: Hoàng Quyên

Định vị điểm đến mới

Xã Ứng Thiên - một trong 4 xã mới thuộc huyện Ứng Hòa (cũ) - vừa chính thức đi vào hoạt động, hiện đang tất bật triển khai các công việc nhằm ổn định bộ máy quản lý hành chính. Trên địa bàn xã hiện có các điểm du lịch đã được thành phố công nhận, trong đó nổi bật là điểm du lịch Quảng Phú Cầu với nghề làm tăm hương truyền thống hơn 100 năm; làng nghề may Trạch Xá…

Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao xã Ứng Thiên Trương Thế Hữu chia sẻ, các hoạt động văn hóa, du lịch tại địa phương vẫn diễn ra bình thường. Điểm du lịch Quảng Phú Cầu vẫn đón tiếp nhiều khách du lịch về chơi, tham quan và trải nghiệm.

“Sau khi vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, chúng tôi tập trung ổn định bộ máy quản lý. Tới đây, xã Ứng Thiên sẽ rà soát lại hệ thống di tích, di sản và các điểm du lịch trên địa bàn để tổ chức lại tuyến du lịch. Đây là cơ hội để xã định vị lại điểm đến, tập trung nguồn lực đầu tư cho những điểm du lịch có tiềm năng”, ông Trương Thế Hữu chia sẻ.

Tương tự, xã Ô Diên - một xã mới thuộc huyện Đan Phượng (cũ), sở hữu hệ thống di sản, di tích đậm đặc, trong đó nổi bật là điểm du lịch Hạ Mỗ đã được thành phố công nhận, điểm du lịch tâm linh đền thờ Tô Hiến Thành…

Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao xã Ô Diên Bùi Thị Quyên bày tỏ, ngay sau khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, lãnh đạo xã chủ trương vừa ổn định tổ chức, vừa tiến hành chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. “Chúng tôi sẽ rà soát, kiểm kê hệ thống di tích, di sản, các điểm du lịch trên địa bàn, từ đó sẽ có kế hoạch triển khai phát triển du lịch”, bà Bùi Thị Quyên chia sẻ.

Ở khu vực nội thành, các điểm du lịch đã được định vị thương hiệu từ trước vẫn đón khách tham quan, trải nghiệm. Nhiều di tích, điểm du lịch thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quản lý tuy nằm trên phường mới nhưng không thay đổi cách thức vận hành, quản lý.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám giờ thuộc địa bàn phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám, việc quản lý, vận hành di tích không có sự xáo trộn, đơn vị vẫn đang tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, tham quan, triển lãm đón khách cả ban ngày và ban đêm.

Tạo đột phá cho du lịch Hà Nội

Việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, trong đó nêu cao vai trò quản lý của cấp xã, phường, sẽ giúp cho công tác quản lý hành chính gần với người dân và sát thực tế địa bàn. Điều này đang mang đến nhiều cơ hội mới cho công tác quản lý di sản, điểm đến, phát triển du lịch địa phương.

Theo Chủ tịch Liên Chi hội du lịch xanh Việt Nam Phùng Quang Thắng, các xã, phường có vai trò quan trọng trong quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, di tích, điểm du lịch. Địa phương sẽ nhận định rõ tiềm năng, thế mạnh du lịch trên địa bàn, từ đó có đầu tư hiệu quả, thiết thực, tránh lãng phí.

Còn theo Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh, việc sáp nhập các tỉnh, thành phố cũng như sắp xếp các xã, phường để vận hành quản lý 2 cấp chính quyền địa phương có thể tạo ra không gian phát triển du lịch rộng lớn hơn, giúp các địa phương thống nhất quản lý và khai thác tiềm năng du lịch, xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng, từ đó hình thành những tour, tuyến du lịch hấp dẫn mới. Điều này đang mở ra cơ hội tạo sự đột phá cho du lịch Thủ đô trong kỷ nguyên mới.

Về chiến lược lâu dài, có thể thấy sự thay đổi quản lý theo chính quyền địa phương 2 cấp đang tạo lợi thế phát triển du lịch Thủ đô, nhưng trước mắt công tác vận hành còn gặp không ít khó khăn.

Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh nhận định, thách thức trước mắt cho các địa phương trong hoạt động du lịch là thiếu nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn, am hiểu sâu về du lịch và văn hóa địa phương. Để khắc phục khó khăn này, các địa phương cần nhanh chóng tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ, đào tạo nguồn nhân lực am hiểu văn hóa địa phương, hiểu biết công nghệ để ứng dụng công nghệ vào hoạt động quảng bá, số hóa điểm đến và xây dựng sản phẩm mới có tính thực tế.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, thời gian tới, ngành Du lịch Thủ đô sẽ tăng tốc để tạo sự chuyển biến rõ nét nhằm đạt được mục tiêu năm 2025 đón hơn 31 triệu lượt du khách, trong đó có 7,5 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 130.000 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Sở sẽ phối hợp với các xã, phường tổ chức khảo sát các điểm du lịch, từ đó hình thành thêm những sản phẩm du lịch và tuyến du lịch mới cho Thủ đô.