Câu chuyện âm nhạc: “Nam Bộ kháng chiến” - bản hùng ca bất tử
Giải trí - Ngày đăng : 10:47, 24/09/2022
Nhân dân Nam Bộ nhất tề đứng dậy chiến đấu. Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ vang lên tiếng hát hào hùng của ca khúc “Nam Bộ kháng chiến”: “Mùa thu rồi, ngày hăm ba/ Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến/ Rền khắp trời, lời hoan hô/ Dân quân Nam nhịp chân tiến ra trận tiền/ Thuốc súng kém, chân đi không/ Mà lòng người giàu lòng vì nước”... Tương tự như bài hát “19 tháng Tám” của nhạc sĩ Xuân Oanh, “Nam Bộ kháng chiến” của Tạ Thanh Sơn ra đời vào thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc.
Bài hát như một lời hiệu triệu bằng âm nhạc vang dậy khắp trời Nam Bộ, thúc giục toàn dân xuống đường kháng chiến: “Thề quyết chống quân ngoại xâm/ Ta đem thân ta liều cho nước/ Ta đem thân ta đền ơn trước/ Xây giang san hạnh phúc muôn đời/ Nền độc lập khắp nước Nam”. Tạ Thanh Sơn hoàn thành bài hát vào ngày 25-9-1945, tại xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ca khúc được in lần đầu tiên trên Báo Độc lập, được truyền miệng và phổ biến qua sóng Đài phát thanh.
Năm 1947, Tạ Thanh Sơn bị giặc bắt, tên quan Tây hỏi ông: "Vì sao ông học giỏi, con nhà giàu mà không ra làm việc cho Pháp, lại theo Việt Minh làm giặc?". Tạ Thanh Sơn khảng khái: "Ông nghe kỹ bài hát của tôi sẽ hiểu. Ông có Tổ quốc của ông. Tôi cũng có Tổ quốc của tôi. Lẽ nào tôi theo các ông để chống lại đất nước, dân tộc tôi? Ông bảo tôi là giặc hay chính các ông mới là giặc của chúng tôi?".
Tạ Thanh Sơn (1921 - 1986) quê huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, xuất thân trong gia đình khá giả nhưng ông tham gia Thanh niên tiền phong cách mạng từ rất sớm. Suốt cuộc đời, ông chỉ sáng tác duy nhất ca khúc “Nam Bộ kháng chiến”, bài hát có sức mạnh to lớn trong đấu tranh chống xâm lược của người dân Nam Bộ cũng như nhân dân cả nước.
Được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, nhưng phần thưởng quý giá nhất đối với Tạ Thanh Sơn chính là bản hùng ca “Nam Bộ kháng chiến” trở nên bất tử, mãi đi cùng năm tháng với dân tộc.