Mở rộng địa giới, không giãn trách nhiệm hộ đê
Không còn cấp huyện, mở rộng địa giới cấp xã, Hà Nội kiên quyết không để trống trách nhiệm bảo vệ hệ thống đê điều, công tác phòng, chống thiên tai.
Lo lắng từ vùng ven đê, ven sông
Từ ngày 1-7, bộ máy chính quyền địa phương hai cấp ở Hà Nội chính thức vận hành theo mô hình mới. Dù rất phấn khởi về xã mới, nhưng nhiều hộ dân sinh sống ven đê, bãi sông: Hồng, Đà, Đuống, Đáy… của Hà Nội còn lo lắng.

Ông Ngô Văn Lịch, người dân thôn Vân Hội (xã Cổ Đô) chia sẻ: "Sinh sống ven sông Đà, ngôi nhà của tôi từng bị nứt nẻ vì sạt lở kè Phong Vân. Nhờ lực lượng địa phương hỗ trợ kịp thời, nên không thiệt hại về người. Giờ xã Phong Vân sáp nhập với 5 xã khác thành xã Cổ Đô rộng hơn, không biết có còn được quan tâm kịp thời như trước không...".
Bà Nguyễn Thị Bình, người dân xã Hát Môn cho biết: "Thời kỳ này những năm trước, xã Ngọc Tảo chỉ đạo người dân lên điếm canh đê. Nhưng giờ sáp nhập thêm 6 xã thành xã Hát Môn, chúng tôi không biết sẽ lên canh gác những đoạn đê nào...".
Ông Nguyễn Văn Thắng ở xã Trần Phú, địa phương thường xuyên xảy ra ngập lụt vì lũ rừng ngang từ vùng thượng lưu đổ về, mong muốn: "Xã sớm kiện toàn cơ quan chỉ huy, để khi mưa lớn hay có sự cố đê điều, chính quyền có người trực tiếp phụ trách, điều hành ứng phó kịp thời như trước kia".

Không chỉ người dân, ngay cả cán bộ địa phương cũng đang trong quá trình làm quen với bộ máy mới, địa bàn mới. Tại nhiều xã, công tác rà soát lực lượng, phân công nhiệm vụ hộ đê vẫn đang được cập nhật, chờ sự hướng dẫn cụ thể từ cấp trên. Những lúng túng bước đầu là khó tránh khỏi, nhưng cũng đặt ra yêu cầu phải nhanh chóng kiện toàn phương án ứng phó với thiên tai, tránh bị động khi phát sinh các tình huống thiên tai, sự cố.
Hộ đê trong tình hình mới

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Nguyễn Duy Du khẳng định, đơn vị đã chủ động chỉ đạo các Hạt Quản lý đê xác định lại ranh giới, mốc giới đơn vị hành chính mới tương ứng với lý trình các tuyến đê, nhằm bảo đảm hoạt động quản lý đê điều được thông suốt, thống nhất.
Đồng thời, Chi cục đang khẩn trương tổ chức cắm biển ranh giới giữa các xã, phường mới để phục vụ công tác quản lý đê điều, tiến hành thống kê, rà soát các vị trí trọng điểm xung yếu, chủ động phối hợp với UBND cấp xã mới điều chỉnh, bổ sung phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu, phòng chống thiên tai. Các tài liệu kỹ thuật, sơ đồ phân tuyến, biểu đồ ứng phó cũng được cập nhật để bảo đảm từng xã, phường có căn cứ rõ ràng khi xử lý tình huống khẩn cấp.

Ông Nguyễn Duy Du thông tin thêm: "Chúng tôi đang gấp rút hoàn thiện việc cắm biển ranh giới, phân địa tuyến đê theo xã mới. Các Hạt Quản lý đê đã đồng loạt vào cuộc, tổng rà soát vị trí xung yếu, điểm dễ sự cố để điều chỉnh phương án hộ đê tương ứng với địa giới hành chính mới".
Trong phương án hộ đê điều chỉnh, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội đã yêu cầu các xã, phường chủ động chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện tại chỗ, sẵn sàng xử lý sự cố đê điều ngay từ giờ đầu theo phương châm "4 tại chỗ". Song song với đó, công tác tập huấn, kiểm tra hiện trường, tổ chức trực canh đê trong các đợt mưa lớn cũng được triển khai, không để địa phương nào bị "trống" về người hoặc thiếu phương tiện khi xảy ra sự cố.

Hiện hệ thống đê điều Hà Nội có tổng chiều dài hơn 770km, đi qua địa bàn 79 xã, phường ven đê. Khu vực bãi sông rộng tới 36.000ha, có hơn 600.000 nhân khẩu sinh sống. Đây là thách thức lớn trong việc kiểm soát vi phạm, tổ chức cưỡng chế và ứng cứu khẩn cấp nếu đê xảy ra sự cố. Vì vậy, phương án hộ đê không thể chỉ là kế hoạch giấy, mà cần gắn với thực tiễn và người thực, việc thực.
Trong bối cảnh bộ máy chính quyền địa phương chuyển đổi, việc điều chỉnh phương án hộ đê là nhiệm vụ không thể chậm trễ. Không chỉ là yêu cầu kỹ thuật, đây còn là trách nhiệm chính trị, nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân vùng ven sông, ven đê. Chủ động, bài bản, sát thực tiễn - đó là cách Hà Nội phải đi để giữ vững tuyến đê như một "lá chắn" vững chãi giữa mùa mưa bão.