Nghị quyết và Cuộc sống

Thủ đô Hà Nội trong thời khắc lịch sử “sắp xếp lại giang sơn”

PGS.TS Trần Viết Lưu 01/07/2025 - 07:17

Nhìn lại lịch sử Việt Nam, kể từ khi vua An Dương Vương xây Loa thành, đặc biệt là khi đức vua Lý Thái Tổ định đô Thăng Long, trải qua vô vàn biến thiên, Thăng Long - Hà Nội luôn là chứng nhân lịch sử, nơi phát tỏa hồn thiêng sông núi, khởi nguồn cảm hứng cho tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường dân tộc, đánh dấu những cột mốc mở ra kỷ nguyên phát triển lên tầm cao mới của dân tộc Việt Nam.

1. Ngày 30-6-2025, cùng với cả nước, Thủ đô Hà Nội đã phát đi thông điệp lịch sử về khởi phát cuộc đại cách mạng sắp xếp bộ máy hành chính toàn quốc theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Theo đó, Trung ương công bố các quyết định quan trọng về lãnh đạo chủ chốt của 23 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, định hướng nhiệm vụ đưa hoạt động chính quyền địa phương vào guồng máy mới kể từ 0 giờ hôm nay, 1-7-2025. Thủ đô Hà Nội đã chủ động, gương mẫu đi đầu trong cuộc đại cách mạng cải cách hành chính lịch sử.

Kể từ năm 2008, Thủ đô Hà Nội thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 Quốc hội khóa XII đã tích lũy nhiều kinh nghiệm thực tế, nhất là sau khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 18-NQ/TƯ ngày 25-10-2017, cũng như thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị từ cuối năm 2024, đến nay, Thủ đô Hà Nội cho thấy bản lĩnh chính trị, tính chủ động, gương mẫu đi đầu, sớm đưa cải cách đi vào đời sống, tạo lan tỏa xã hội, vững niềm tin bước vào kỷ nguyên mới.

Một phần tờ bản đồ Báo Hànộimới in tặng bạn đọc kèm số báo in ra ngày 1-7-2025. Ảnh: Hiền Lương
Một phần bản đồ họa phân định ranh giới các xã, phường mới Hà Nội. Ảnh: Hiền Lương

Việc triển khai vận hành thử nghiệm bộ máy chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp đã được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ đạo quyết liệt, bài bản, nên tất cả các khâu, các quy trình sớm bảo đảm thông suốt từ thành phố tới 126 xã/phường.

Ở từng địa phương theo phương án sắp xếp mới đều cho thấy tinh thần cách mạng không ngừng, đội ngũ cán bộ, bộ máy mới mau chóng vào cuộc, tất cả đều được thực hiện với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, đảm bảo hoạt động của các đơn vị hành chính mới được liên tục, không để xảy ra khoảng trống quyền lực. 11 tổ công tác của UBND thành phố đã bám sát địa bàn, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn và trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho 126 xã, phường mới.

Công tác chuẩn bị các điều kiện được Thành ủy Hà Nội tính toán tổng thể, vừa có tính căn cơ, lâu dài, vừa có tính cấp bách, cụ thể, từ con người, cơ sở hạ tầng đến kịch bản, đã được coi trọng, cơ bản đáp ứng yêu cầu vận hành 10 nhóm tình huống dự báo phát sinh. Cơ chế phối hợp, trao đổi giữa các cấp đã phát huy hiệu quả, giúp xử lý kịp thời các sự cố, tháo gỡ khó khăn ngay trong quá trình thử nghiệm.

Đội ngũ lãnh đạo, chuyên viên của các xã, phường mới đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nhanh chóng thích nghi và chủ động tiếp cận công việc. Họ là lực lượng nòng cốt trong hệ thống chính trị từ cấp quận/huyện/thị xã được bố trí, phân công nhận nhiệm vụ làm lãnh đạo chủ chốt tại các xã/phường, bên cạnh những người từng lãnh đạo, công chức quận/huyện/thị xã về xã/phường, còn có những người vốn là lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị cấp xã/phường/thị trấn trước sắp xếp, càng gắn kết và hội tụ kinh nghiệm.

Như vậy, chẳng những không lãng phí đội ngũ mà còn làm cho đội ngũ cán bộ công quyền gần dân hơn, đem vốn lý luận và trải nghiệm thực tiễn vào thực thi nhiệm vụ, mang đến luồng sinh khí mới cho chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào trong cuộc sống, tránh độ trễ giữa đường hướng chiến lược và tình huống cụ thể.

Công tác tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân được chú trọng, cho nên về cơ bản đến nay không để xảy ra những vụ việc, tình huống bức xúc, nổi cộm trong sắp xếp nhân sự, tổ chức, bộ máy. Nhiều cán bộ đang đảm đương vị trí chủ chốt, nòng cốt trong hệ thống chính trị cấp thành phố, cấp quận/huyện/thị xã, cấp xã/phường/thị trấn dù còn đủ điều kiện năng lực, tuổi tác, có uy tín khi đang tại vị, song đã tự giác đề xuất với cấp có thẩm quyền cho phép “nghỉ hưu” sớm để tạo điều kiện cho việc sắp xếp, bố trí. Nhiều đồng chí đang là lãnh đạo chủ chốt ở cấp quận/huyện/thị xã, được quy hoạch vị trí cao hơn, song cũng đã ý thức được trách nhiệm tự nguyện về làm cán bộ cấp cơ sở.

Nếu xét về tâm lý xã hội, như thế là “đi xuống”, “đứng ngoài lề” hệ thống chính trị, nhưng qua đó mới thấy được đội ngũ cán bộ đã thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: Làm gì có lợi cho dân, cho nước đều tốt. Công bộc của dân, người đầy tớ trung thành của dân chính là ý thức trách nhiệm cao với yêu cầu lịch sử, cách mạng. “Quan huyện”, “Quan tỉnh”, “Quan Trung ương” cũng đều là công bộc chế độ dân chủ nhân dân. Nếu về công tác hằng ngày với người dân chẳng những thường nhật đắm mình trong không khí chuyển mình của xã hội, mà còn lắng nghe hơi thở cuộc sống, tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân, biết đồng cảm, chia sẻ và giúp đỡ người dân, đó mới thực sự phản ánh “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.

2. Một cuộc cách mạng mới được dựa trên nền tảng cơ đồ dân tộc hàng ngàn năm, nhất là 95 năm có Đảng lãnh đạo, qua 80 năm dựng xây chế độ dân chủ nhân dân đã và đang làm thay đổi tư duy điều hành, quản lý trên phương diện quốc gia, trong đó có sự gương mẫu đi đầu của Thủ đô Hà Nội - nơi được mệnh danh là trái tim của cả nước, bộ mặt của đất nước Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Chủ tịch nước Lương Cường chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo thành phố và lãnh đạo các xã, phường mới. Ảnh: Viết Thành
Chủ tịch nước Lương Cường chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo thành phố và lãnh đạo các xã, phường mới tại Lễ công bố sắp xếp đơn vị hành chính ngày 30-6. Ảnh: Viết Thành

Năm 2008, khi Quốc hội khóa XII ra Nghị quyết số 15/2008/QH12, cũng từng có những luồng ý kiến không mấy thuận, phát sinh từ tâm lý địa phương cục bộ. Bấy giờ có ý kiến không muốn sáp nhập Hà Tây, cùng một số địa phương thuộc Hòa Bình, Vĩnh Phúc.

Những ý kiến như vậy cho rằng, nếu mở rộng địa giới hành chính bằng sáp nhập những địa phương “nông nghiệp”, “vùng xa”, thì vô hình trung sẽ làm giảm giá trị “thương hiệu” lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Trước thực tế đó, Đảng bộ, chính quyền Hà Nội đã bản lĩnh vượt qua ranh giới giữa sự cố thủ cát cứ, cục bộ địa phương, đưa cuộc tái cấu trúc địa giới hành chính Thủ đô mau chóng đi vào ổn định.

Suốt 17 năm tái cấu trúc địa giới hành chính, Hà Nội đã trải qua nhiều cuộc biến đổi, lớn nhất là sắp xếp bộ máy chính quyền mang tính chất chính quyền đô thị, kết hợp với những ưu việt còn tiếp tục của chính quyền nông thôn, không làm phân mảnh, không gây mâu thuẫn, xung đột cục bộ giữa hình thái chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn.

Sự hài hòa trong chính trị như vậy chắc chắn là nhờ vào quyết tâm chính trị, ý thức chính trị của lãnh đạo thành phố, các địa phương; song còn phải kể đến một yếu tố tác động thầm lặng bởi sự hội tụ và dung hòa giữa các giá trị văn hóa tương đồng, đa dạng văn hóa truyền thống. Văn hóa Thăng Long - Hà Nội nhờ có cuộc mở rộng, tái cấu trúc địa giới hành chính, mà có thêm sức sống mới, được văn hóa xứ Đoài bổ sung, thổi hồn.

Đến nay, văn hóa Thăng Long - Hà Nội mang diện mạo mới, được hội vào người gốc Tràng An, lan tỏa trong văn hóa của người gốc Xứ Đoài. Tuy rằng, ai vốn là người Tràng An, ai vốn là người Xứ Đoài cũng không bỏ quê, không mất bản quán, song họ cùng một ý chí trong hệ thống chính trị của Thủ đô, đều nỗ lực cống hiến làm cho Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, văn hiến, anh hùng.

Trên tiền đề lịch sử và thực tiễn như vậy, người Hà Nội có thể tự tin vững bước đưa cuộc đại cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy vận hành thông suốt, làm gương cho các địa phương trong cả nước, là mô hình hay, cách làm tốt giúp cho Trung ương tham khảo, quyết sách đối với toàn quốc.

Từ hôm nay 1-7, 126 xã/phường trên địa bàn Thủ đô Hà Nội là một thể thống nhất ý chí, khát vọng và sự cống hiến, phụng sự người dân, dựng xây chế độ, bởi các điều kiện về nguồn nhân lực, về công nghệ, về cơ sở vật chất, về phương thức hoạt động đã được rốt ráo chuẩn bị từ nhiều tháng qua.

Một cuộc đại cách mạng về cải cách hành chính chắc chắn không phải là một cuộc dạo chơi ngắm trăng sao và hái hoa hồng, nhất định khó tránh khỏi những tình huống phát sinh, song đã lường trước, không chủ quan, không lạc quan tếu. Để ứng phó, để thích nghi với môi trường hành chính mới, mỗi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân Thủ đô đều phải “xắn tay vào cuộc”, khai thông tư tưởng, hưởng ứng bằng hành động thiết thực, cụ thể, coi cuộc cải cách này là của dân, do dân, vì dân. Còn những ai đó hoài nghi, do dự, thì chưa nên vội vàng “la toáng”, chưa nên đổ lỗi, mà cần có thời gian và thực tế kiểm định chân lý, phương châm hành động “vừa chạy, vừa xếp hàng” mà đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra là để tránh lỡ thời cơ lịch sử.

Sẽ còn có những kẻ nhân cuộc đại cách mạng lần này để tung tin xấu độc, quy chụp làm ảnh hưởng tới uy tín của Đảng, Nhà nước, thì cũng cần có thái độ phản bác kiên quyết từ người dân, bảo vệ tính đúng đắn, tính phù hợp quy luật phát triển của đất nước, của Thủ đô trong kỷ nguyên mới.

Năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Thăng Long, cũng là vì tương lai thiên niên kỷ cho muôn đời con cháu, đức Vua mở đầu triều Lý hoàn toàn có quyền định đô ở bên bờ bắc sông Hồng. Nhưng vì có con mắt tinh tường, nên ông chọn nơi có thế đất “rồng cuộn, hổ chầu” làm chốn linh thiêng, hội tụ bốn phương. Đức Vua Lý Thái Tổ đã đúng.

Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp hiện nay cũng sẽ là điểm khởi phát cho đất nước Việt Nam vươn mình trỗi dậy thành một quốc gia phát triển cường thịnh. Điểm tựa cho niềm tin cách mạng được xây trên nền tảng lịch sử từ thời Lý Thái Tổ, được bồi đắp qua 40 năm đổi mới. Thủ đô Hà Nội luôn là niềm tin và hy vọng của tương lai dân tộc Việt Nam.