Nghị quyết và Cuộc sống

Bảo đảm thông suốt ngay từ ngày đầu

Hà Vũ 01/07/2025 - 06:30

Hôm nay (1-7), cùng với cả nước, Hà Nội đánh dấu bước đi lịch sử khi chính quyền địa phương 2 cấp chính thức hoạt động.

Với tinh thần cách mạng “vừa chạy, vừa xếp hàng”, toàn thành phố đã và đang nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, tháo gỡ mọi vướng mắc, để bảo đảm 126 xã, phường mới hoạt động thông suốt ngay từ ngày đầu, tuần đầu, tháng đầu.

long-bien.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà kiểm tra vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại UBND phường Long Biên.

Không để khó khăn, vướng mắc cản trở

Quá trình vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại 126 xã, phường mới từ ngày 20-6 đến ngày 26-6 đã cho thấy sự cố gắng rất lớn của các cơ quan thành phố, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức ở cấp huyện, cấp xã. Giữa lúc vừa phải đảm đương nhiệm vụ hiện tại, vừa không tránh khỏi những chộn rộn tâm tư, song tất cả đã nhanh chóng vượt qua để đặt mình vào bộ máy mới, tiến hành vận hành thử nghiệm.

Một tuần chạy thử với 10 nhóm tình huống cùng hàng trăm vấn đề mới được đặt ra, không chỉ giúp đội ngũ cán bộ 126 xã, phường mới nhận thức rõ về mô hình mới, đồng thời “vỡ ra” được những hạn chế, thiếu sót để chủ động tháo gỡ hoặc báo cáo, đề xuất.

Bí thư Đảng ủy xã Hương Sơn Trần Đức Hải cho biết, trụ sở làm việc của xã hiện còn phân tán, khó khăn về cơ sở vật chất và điều kiện đi lại, làm việc của cán bộ xã. Tương tự, Bí thư Đảng ủy xã Minh Châu Nguyễn Đức Tiến cho biết, trụ sở xã cũ chỉ dành cho 25 cán bộ, công chức, nay con số này tăng lên hơn 40 người là cả thách thức trong sắp xếp, bố trí; chưa kể trong số cán bộ được phân công về làm việc ở xã, có người di chuyển hằng ngày lên tới 80km. Lãnh đạo một số xã, phường mới cũng chia sẻ một thực tế khó khăn là sự hòa hợp giữa cán bộ, công chức ở nhiều nơi, nay về cùng một bộ máy.

Bí thư Đảng ủy phường Hồng Hà Bùi Tuấn Anh cũng chia sẻ, do phường hoàn toàn mới nên trụ sở, cơ sở vật chất của phường hiện nay đặc biệt khó khăn, kể cả máy tính.

Còn theo Bí thư Đảng ủy phường Kim Liên Hoàng Thị Phương Ngọc, quá trình vận hành thử nghiệm cho thấy, đường truyền mạng internet còn thiếu ổn định khi truy cập đồng thời; một số cán bộ chưa làm chủ phần mềm mới. Các thiết bị họp trực tuyến còn thiếu ở một số phòng. Phương án xử lý sự cố đột xuất còn khó khăn...

Mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc, song tinh thần chung của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức 126 xã, phường mới của Hà Nội là không để ảnh hưởng đến chất lượng vận hành chung của bộ máy. Một mặt kiến nghị thành phố hỗ trợ, mặt khác chủ động tìm cách tháo gỡ, hạn chế khó khăn.

Chủ động, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ

Bí thư Đảng ủy phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám Đỗ Trọng Nam cho biết, giải quyết những việc cấp bách cho phường mới, đặc biệt là chuẩn bị nơi tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính... phải rất chủ động, linh hoạt.

“Trong giai đoạn đầu, phường xác định 5 ưu tiên để tập trung đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng và bảo đảm làm tốt ngay từ đầu là “bộ phận một cửa”; văn thư cơ quan Đảng, chính quyền; nơi chuyển sinh hoạt Đảng; tiếp công dân giải quyết đơn thư; họp trực tuyến”, đồng chí Đỗ Trọng Nam nói.

Bí thư Đảng ủy phường Kim Liên Hoàng Thị Phương Ngọc cũng chia sẻ, trong giai đoạn đầu, phường đã xác định rõ các ưu tiên là nâng cấp đường truyền, cải tạo trụ sở, đào tạo cán bộ, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân.

Cùng với sự chủ động của các xã, phường mới, trong suốt những ngày qua, các tổ công tác của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố và sở, ban, ngành như: Ban Tổ chức Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ... đã bám sát cơ sở, vừa kiểm tra, đôn đốc, vừa hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc. Sau một tuần vận hành thử nghiệm, cho tới trước “giờ G” ngày 1-7, các sở, ngành vẫn tập trung chạy nước rút cho các phần việc quan trọng, bảo đảm cho 126 xã, phường mới đi vào hoạt động thông suốt.

Từ chiều 27-6, Sở Nội vụ đã bắt đầu cấp con dấu cho HĐND, UBND 126 xã, phường mới, đồng thời lưu ý phải đến ngày 1-7-2025, mới được bóc niêm phong để sử dụng.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cũng cho biết, toàn bộ mốc giới, địa giới cùng bản đồ 3 lớp hiện trạng, quy hoạch 126 xã, phường mới cũng đã được bàn giao đầy đủ. Sở Nội vụ đã kịp thời tham mưu với UBND thành phố thành lập các tổ công tác để kiểm tra, giám sát các địa phương, đơn vị trong việc lưu trữ, bảo quản, xử lý hồ sơ, giấy tờ đúng quy định. Về mặt tài chính, thành phố đã hỗ trợ kinh phí mỗi xã, phường 500 triệu đồng, phục vụ việc sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, bố trí phòng làm việc. Một số quận, huyện cũng bố trí thêm kinh phí cho các phường, xã mới cho việc này. Theo Sở Tài chính, 153 xe ô tô đã được phân bổ về 126 xã, phường mới bảo đảm mỗi đơn vị có 1-2 xe ô tô phục vụ công tác.

Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội Cù Ngọc Trang cho biết, ngoài việc bố trí cán bộ theo sát tình hình ở các địa phương để hỗ trợ trực tiếp hoặc trực tuyến khi gặp khó khăn, vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính, trung tâm đã phối hợp với Thành đoàn Hà Nội triển khai lực lượng gồm 252 sinh viên thành thạo về công nghệ thông tin, đã được tập huấn kỹ năng, đưa về mỗi xã, phường 2 sinh viên để tham gia hỗ trợ, hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính trong thời gian đầu chính quyền hai cấp đi vào hoạt động.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp, các ngành, 126 xã, phường mới đã sẵn sàng đi vào hoạt động một cách thông suốt, hiệu quả từ ngày 1-7-2025. Tất cả đang hứng khởi với quyết tâm thi đua xây dựng bộ máy chính quyền tinh, gọn, mạnh, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước.