Câu chuyện âm nhạc: ''Cảm xúc tháng Mười'' - ký ức mùa thu lịch sử

Giải trí - Ngày đăng : 14:18, 08/10/2022

(HNMCT) - “Một sớm thu trong đất thắm sao vàng/ Năm cửa ô xòe năm cánh rộng/ Đoàn quân về nhấp nhô như sóng/ Những ngôi nhà dường muốn cao thêm/ Tháng Mười ấy là khúc ca say/ Khúc ca mở những chiến công đầy”.

Nhạc sĩ Nguyễn Thành.

Bài hát “Cảm xúc tháng Mười” (nhạc Nguyễn Thành, thơ Tạ Hữu Yên) là tình cảm dồn nén, lắng đọng sau 20 năm đoàn quân giải phóng “Tiến về Hà Nội” vang khúc khải hoàn ca giữa phố phường rợp bóng cờ đỏ sao vàng.

Năm 1974, nhà thơ Tạ Hữu Yên và nhạc sĩ Nguyễn Thành cùng công tác tại Phòng Phát thanh quân đội, Đài Tiếng nói Việt Nam. Với ý định viết về Hà Nội, hai ông cùng nhau thăm lại cửa ô Cầu Giấy - nơi 20 năm trước Trung đoàn Thủ đô thẳng tiến vào tiếp quản Thủ đô. Kỷ niệm từ ký ức hiện về sống động khiến hai ông bồi hồi, trào dâng cảm xúc.

Một đêm, trên căn gác khu tập thể quân đội, Tạ Hữu Yên đã sáng tác bài thơ “Cảm xúc tháng Mười”: “Không thể nói trời không trong hơn/ Và mắt em xanh khác ngày thường/ Khi đoàn quân kéo về mua thu ấy/ Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường”. Đêm hôm sau, trên tầng 5 khu tập thể Thành Công, Nguyễn Thành đã phổ nhạc, chắp cánh cho những vần thơ bay lên bằng âm điệu thiết tha, da diết: “Mẹ đứng hàng đầu rưng rưng nước mắt/ Xốn xang mẹ thầm gọi “Các con...”/ Anh chiến sĩ mến thương nhìn mẹ/ Nghe niềm vui ấm cả tâm hồn”...

Ca khúc được đón nhận nồng nhiệt và vinh dự được tặng giải Nhất trong cuộc thi sáng tác về Hà Nội nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1974).

Nhạc sĩ Nguyễn Thành (1931 - 2002) nổi tiếng trong chiến dịch Điện Biên Phủ với ca khúc “Qua miền Tây Bắc” hùng tráng. Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật đợt I cùng nhiều huân, huy chương khác. Còn Đại tá Tạ Hữu Yên (1927 - 2013) là nhà thơ được phổ nhạc nhiều nhất Việt Nam (167 bài), đã xuất bản 54 đầu sách văn học. Phần thưởng quý giá nhất đối với nhà thơ Tạ Hữu Yên và nhạc sĩ Nguyễn Thành chính là ca khúc “Cảm xúc tháng Mười” mãi ngân vang trong lòng người Hà Nội, nhắc nhớ về mùa thu lịch sử khi Thủ đô được giải phóng.

Lê Phúc Hỷ