Khai thác đề tài Hà Nội trên sân khấu kịch: Nỗ lực và sự trăn trở
Giải trí - Ngày đăng : 06:00, 09/10/2022
Đậm đặc tác phẩm về Thủ đô
Với hầu hết các tác phẩm tham dự đều trực tiếp thể hiện hoặc có liên quan tới đề tài Hà Nội, Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ 5 như một lời khẳng định về dấu ấn riêng của hoạt động này. Đó là việc tiếp tục tập trung thể hiện đề tài Hà Nội bằng nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, tạo nên bầu không khí nghệ thuật sôi nổi nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (1954 - 2022).
Những câu chuyện về lịch sử, con người, danh thắng Hà Nội được tái hiện qua nhiều tác phẩm có chất lượng cao, như “Huyền tích chùa Một Cột” của sân khấu Lệ Ngọc, “Bất tử với Thăng Long” của Nhà hát Cải lương Việt Nam, “Trời Nam” của Nhà hát Cải lương Hà Nội, “Trung trinh liệt nữ” của Nhà hát Chèo Hà Nội... Lần đầu đại diện cho nghệ thuật xiếc tham dự liên hoan, Nhà hát nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội mang đến vở kịch xiếc công phu “Hà Nội - thành phố của những giấc mơ”. Đó là một tác phẩm được đánh giá cao bởi sự thể hiện mới mẻ.
Kết thúc Liên hoan, nhiều tác phẩm về đề tài Hà Nội được ban giám khảo và công chúng đánh giá cao, như vở “Mưa đỏ” của Nhà hát Kịch nói Quân đội - nói về những chàng trai Hà Nội trong cuộc chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị, vở “Trung trinh liệt nữ” gắn với số phận của An Tư Công chúa thời Trần trong những ngày Thăng Long bị giày xéo bởi vó ngựa Nguyên Mông đã được nhận Huy chương Vàng; vở “Bất tử với Thăng Long” - tái hiện câu chuyện về cuộc đời của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, người đã quyết tử bảo vệ thành Hà Nội khi bị Pháp đánh chiếm - nhận Huy chương Bạc...
Phát biểu bế mạc Liên hoan, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi, Trưởng ban Chỉ đạo Liên hoan đánh giá: Trải qua 8 ngày diễn ra sôi nổi, Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ 5 đã thành công tốt đẹp. Công chúng thưởng thức 13 tác phẩm sân khấu thuộc các loại hình nghệ thuật chèo, cải lương, kịch nói, xiếc tạp kỹ với các nội dung, câu chuyện về Hà Nội, từ đề tài về lịch sử, dân gian đến đề tài chiến tranh cách mạng, đề tài hiện đại hết sức phong phú. Sức hút của liên hoan lần này được khẳng định khi đêm nào khán giả cũng chật kín khán phòng của rạp Đại Nam, rạp Công Nhân, rạp Hồng Hà... Đó là liều thuốc tinh thần vô giá đối với các nghệ sĩ, giúp họ yêu nghề hơn và sẵn sàng cháy hết mình với nghề.
Nỗ lực từ nhiều phía
Để có được những tác phẩm về Hà Nội tham dự Liên hoan trong nhiều năm qua, tạo thành một nét riêng có, cần phải kể đến sự nỗ lực từ nhiều phía. Trước thềm Liên hoan, NSND Trịnh Thúy Mùi chia sẻ: "Hà Nội là một đề tài lớn mà văn nghệ sĩ cả nước cùng hướng đến chứ không riêng gì các đơn vị nghệ thuật ở Thủ đô. Hà Nội luôn mong muốn tất cả các loại hình nghệ thuật sân khấu quan tâm thể hiện, bồi đắp thêm cho văn hóa, con người Hà Nội giàu đẹp hơn, văn minh hơn. Lần này, với chủ đề về Hà Nội, có rất nhiều vở diễn mà tôi cho rằng giàu chất lịch sử, văn hóa. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các đơn vị tham gia Liên hoan".
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Thị Mỹ Hoa, Sở có giao trách nhiệm cho các đơn vị nghệ thuật Hà Nội là, nếu mỗi năm xây dựng 3 vở dựa vào ngân sách nhà nước thì phải đầu tư xây dựng một vở về đề tài Hà Nội. NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cũng cho hay: Quan điểm của Nhà hát là bao giờ cũng phải có những vở diễn về Hà Nội, đó là đề tài chính, tạo nên phong cách của Nhà hát Kịch Hà Nội.
Tuy nhiên, đúng như NSND Trung Hiếu chia sẻ, đề tài hiện đại, đặc biệt là đề tài về cuộc sống, con người Hà Nội hôm nay quá hiếm hoi. Các tác phẩm tham dự Liên hoan phần lớn là kịch lịch sử. “Tất nhiên trách nhiệm của chúng ta phải giữ đề tài lịch sử. Đó là trách nhiệm với giáo dục, với thế hệ sau. Thế nhưng, không thể lẩn tránh thực tế là đề tài hiện đại đang hiếm vô cùng, rất khó tìm được đề tài, kịch bản hay. Đó là vấn đề phải bàn nghiêm túc. Nhà hát Kịch Hà Nội đang tìm cách đặt hàng, huy động nội lực chính trong nhà hát” - NSND Trung Hiếu trăn trở.
Làm sao để có thêm nhiều tác phẩm chất lượng cao, trực tiếp phản ánh cuộc sống của người Hà Nội hôm nay, đó là nỗi trăn trở của những người làm nghệ thuật Thủ đô, đồng thời cũng là đòi hỏi của khán giả. Hy vọng rằng, ở những liên hoan sau, khán giả Hà Nội sẽ được thưởng thức nhiều hơn những câu chuyện về Hà Nội hôm nay.