Việt hóa kịch bản phim nước ngoài: Biến nguy cơ thành động lực phát triển
Giải trí - Ngày đăng : 06:07, 16/10/2022
Vẫn tạo sức hút đáng kể
Trào lưu phim Việt hóa từ kịch bản nước ngoài vẫn chưa dừng lại và tiếp tục tạo dấu ấn cả trên truyền hình và các rạp chiếu. “Hành trình công lý” - bộ phim mới nhất của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam) vừa lên sóng VTV3 từ ngày 10-10 vừa qua, đã lập tức lôi cuốn khán giả với câu chuyện trở lại nghề luật sư của một người nội trợ để tìm lại công lý cho chồng và cho chính bản thân, gia đình. Đây là tác phẩm được mua bản quyền từ Đài truyền hình CBS (Mỹ) và chính đạo diễn Nguyễn Khải Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, chỉ đạo sản xuất bộ phim tiết lộ, nhóm biên kịch đã phải lao động miệt mài trong suốt 2 năm, trao đổi nhiều lần với chuyên gia kịch bản của CBS để có thể chuyển hóa từ câu chuyện ở nước Mỹ xa xôi, với nhiều khác biệt về hệ thống luật pháp và văn hóa, thành một bộ phim gần gũi, phù hợp mà vẫn giữ được sức hấp dẫn.
Trên các kênh sóng của Đài truyền hình Việt Nam - nơi thu hút lượng khán giả truyền hình đông đảo, hầu như thời điểm nào cũng có phim Việt hóa từ kịch bản nước ngoài. Ngay trước “Hành trình công lý” là phim “Thương ngày nắng về” được làm lại từ phim “Mother of Mine” của Hàn Quốc. Nhiều bộ phim truyền hình gây “sốt” khác cũng được làm lại từ kịch bản nước ngoài. Điển hình là “Hương vị tình thân”, “Cầu vồng tình yêu”, “Nhà trọ Balanha” (kịch bản Hàn Quốc), “Tình yêu và tham vọng” (kịch bản Trung Quốc)… Truyền hình phía Nam cũng có những phim thu hút lượng người theo dõi đông đảo, như: “Gạo nếp gạo tẻ” (phát sóng từ năm 2018-2020), “Cây táo nở hoa” (năm 2021) đều mua bản quyền của Hàn Quốc…
Với phim truyện chiếu rạp, gần đây có nhiều phim chuyển thể từ kịch bản nước ngoài lọt vào danh sách doanh thu cao. “Tiệc trăng máu” - phim remake từ kịch bản gốc của Italia, ra mắt năm 2020, đạt doanh thu chính thức khoảng 175 tỷ đồng, trở thành một trong những phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Phim “Bằng chứng vô hình” (kịch bản Hàn Quốc) ra mắt cùng năm 2020 cũng để lại ấn tượng với khán giả. Năm 2022, phim “Chìa khóa trăm tỷ”, “Nghề siêu dễ” làm lại từ kịch bản phim Hàn Quốc đều đạt doanh thu tốt dù ra mắt trong thời điểm còn nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… “Chìa khóa trăm tỷ” đạt doanh thu 66 tỷ đồng, còn “Nghề siêu dễ” chạm mốc 70 tỷ đồng sau 3 tuần chiếu. Hay phim truyện điện ảnh thiếu nhi "Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác" lấy cảm hứng từ bộ phim của Tiệp Khắc (nay là Czech) cũng để lại ấn tượng khi ra mắt vào dịp hè...
Với những khán giả yêu điện ảnh Việt, phim remake là “món ăn” thường xuyên. Chị Trần Diệu Linh (phường Phúc La, quận Hà Đông) chia sẻ: “Phim Việt hóa có nhiều tình tiết kịch tính, khó đoán định ngay phần đầu, nên thu hút người xem. Nhưng các phim này hay “đầu voi, đuôi chuột”, càng về sau càng đuối, đôi khi lê thê. Nhiều người tìm đến bản gốc nên biết hết tình tiết, không hứng thú xem tiếp”.
Tận dụng cơ hội phát triển
Thực tế, những phim được chọn làm lại phiên bản Việt đều có kịch bản gốc hay, được kiểm chứng thành công ở nước ngoài. Sau đó, kịch bản lại được các nhà biên kịch, biên tập Việt hóa cho gần gũi với khán giả trong nước. Song, để làm được một bộ phim Việt hóa không đơn giản. Như với “Hành trình công lý”, các nhà biên kịch Việt phải “nhào nặn” mất 2 năm, làm việc cùng không ít chuyên gia pháp lý để tư vấn… Ê kíp làm phim “Nghề siêu dễ” cũng thay đổi đến 70% nội dung phim để mang đậm màu sắc Việt, gần gũi với khán giả. Phải chi một khoản tiền không nhỏ để mua bản quyền sản xuất, sau đó gia công rất nhiều, nên việc đầu tư một bộ phim làm lại từ kịch bản nước ngoài cũng tốn kém không thua phim thuần Việt.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng dàn dựng các phim “Tháng năm rực rỡ”, “Tiệc trăng máu” cho biết, việc làm lại phim đã thành công ở nước ngoài luôn có áp lực là phải thú vị, hấp dẫn, lấy được sự đồng cảm của khán giả Việt nhiều hơn so với bản gốc. Song, phim remake chiếm thời lượng, số lượng lớn và ngày càng nhiều nhà sản xuất theo đuổi khiến nhiều người lo ngại điện ảnh Việt có nguy cơ trở thành “cái bóng” của điện ảnh nước ngoài. Nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Đinh Trọng Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới điện ảnh lại cho rằng, đi theo trào lưu này một thời gian cũng giúp điện ảnh Việt Nam, đặc biệt các biên kịch, đạo diễn nước ta học hỏi được kinh nghiệm, từ đó nâng tầm phim Việt. “Đời sống ngoài kia đang đầy sôi động và phong phú, lịch sử, văn hóa Việt cũng có nhiều nét đặc sắc, hấp dẫn. Biết tận dụng cách khai thác của điện ảnh nước ngoài để làm phim thuần Việt, sẽ giúp điện ảnh phát triển hơn, chuyên nghiệp hơn”, nhà phê bình Đinh Trọng Tuấn bày tỏ.
Còn theo Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú, vấn đề gốc của điện ảnh Việt Nam là cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng tác giả, biên kịch ở cả trong nước và nước ngoài, để có được đội ngũ đông đảo, cập nhật với thị trường điện ảnh quốc tế, từ đó đưa điện ảnh Việt Nam vươn lên, thoát dần sự phụ thuộc vào kịch bản nước ngoài.