Mỹ, EU không còn phối hợp thực thi lệnh trừng phạt Nga
Ngày 27-5, tờ Suddeutsche Zeitung (SZ) dẫn một tài liệu nội bộ từ Bộ Ngoại giao Đức cho biết, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) về việc phối hợp thực thi các lệnh trừng phạt đối với Nga đã thất bại, khiến chiến lược thống nhất trong tương lai chống lại Mátxcơva trở nên không chắc chắn.

Người đứng đầu cơ quan trừng phạt của EU, David O'Sullivan lưu ý rằng "không còn sự tiếp cận" giữa hai bên về vấn đề trừng phạt và hợp tác trong nhóm G7 "cũng đã mất đà" về vấn đề này - theo báo cáo từ cuộc họp cấp bộ trưởng EU tại Brussels (Bỉ) vào ngày 20-5.
Nhận định này trái ngược với tuyên bố trước đó của các quan chức Đức rằng, gói trừng phạt thứ 18 của EU đang được phối hợp với Washington. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã cam kết tăng cường áp lực kinh tế lên Nga sau khi nước này bác bỏ các đề xuất về lệnh ngừng bắn ở Ukraine.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng phát, Mỹ đã đóng vai trò chủ chốt trong việc thực thi lệnh trừng phạt đối với Mátxcơva, hợp tác chặt chẽ với EU và các đối tác G7 trong việc cắt nguồn cung cấp vật liệu sản xuất vũ khí quân sự của Nga cũng như hạn chế sự phát triển của nền kinh tế nước này.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không nhất quán trong cách tiếp cận đối với các lệnh trừng phạt Nga. Trong khi liên tục đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp kinh tế bổ sung để gây sức ép buộc Mátxcơva phải đàm phán hòa bình, Tổng thống Donald Trump được cho là đã nói với các nhà lãnh đạo châu Âu rằng, ông sẽ không áp dụng bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào sau cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, vì không muốn gây nguy hiểm cho các cơ hội kinh doanh với Nga.
Gần đây hơn, sau khi ông Trump chỉ trích gay gắt Tổng thống Putin vì Nga đã tấn công vào các thành phố của Ukraine, theo Wall Street Journal, nhà lãnh đạo Mỹ một lần nữa đang cân nhắc các lệnh trừng phạt mới.
Theo báo cáo nội bộ được SZ trích dẫn, các hạn chế thương mại hiện tại dường như có tác động đáng kể đến nền kinh tế Nga và đã có một số thành công trong việc hạn chế dòng hàng hóa liên quan đến chiến tranh thông qua các quốc gia thứ ba cũng như hoạt động của "hạm đội bóng tối" của xứ sở Bạch dương.
Gói trừng phạt thứ 18 sắp tới của EU có thể bao gồm các biện pháp ngắt kết nối hơn 20 ngân hàng Nga khỏi SWIFT, hạ giá đối với dầu thô xuất khẩu của Nga từ 60 USD xuống còn khoảng 45 USD/thùng, cấm đường ống dẫn khí Nord Stream và áp đặt khoảng 2,5 tỷ euro (2,84 tỷ USD) hạn chế thương mại mới.
Trong một diễn biến liên quan, theo hãng thông tấn TASS ngày 27-5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Komsomolskaya Pravda rằng, quá trình khôi phục quan hệ Nga - Mỹ rất phức tạp nhưng Mátxcơva sẵn sàng tìm kiếm sự cân bằng lợi ích.
"Thời gian sẽ cho biết các bước thực tế mà chính quyền Mỹ thực hiện sẽ phù hợp với các tuyên bố của họ như thế nào. Quá trình bình thường hóa rất phức tạp nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng đối thoại chân thành và tìm kiếm sự cân bằng lợi ích", nhà ngoại giao cấp cao của Nga nhấn mạnh.
Theo SZ, Kyiv Independent, TASS