Siết trách nhiệm người nổi tiếng trong quảng cáo sản phẩm
Tình trạng mượn danh người nổi tiếng và người nổi tiếng chủ động quảng cáo sản phẩm, dịch vụ không đúng sự thật thời gian qua đã gây bức xúc trong dư luận.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, các đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận việc sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo. Điều này cho thấy, đây là đòi hỏi cấp thiết nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thiết lập lại trật tự đạo đức, pháp lý trong hoạt động quảng bá thương mại.
Bán rẻ niềm tin
Vụ việc MC Vân Hugo và biên tập viên Quang Minh quảng cáo sai sự thật về sữa tăng chiều cao là ví dụ điển hình. Theo xác minh của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), lời quảng cáo cho một hãng sữa gây nhầm lẫn về công dụng “sử dụng 3-6 tháng tăng 3-5cm” của 2 người nổi tiếng trên hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Dù đã xin lỗi và nộp phạt hành chính, thiệt hại về lòng tin của công chúng thì không dễ khắc phục.

Ngoài việc tiếp tay cho quảng cáo sai sự thật, việc người nổi tiếng bị mạo danh để quảng cáo cũng trở thành vấn nạn đáng báo động hiện nay.
Nhà báo Lại Văn Sâm mới đây đã đăng đàn cảnh báo việc một tài khoản mạo danh ông để quảng bá sản phẩm thuốc bổ mắt. Ông Sâm khẳng định: “Tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ quảng cáo cho bất kỳ sản phẩm, nhãn hàng nào. Đề nghị mọi người tỉnh táo, tránh mắc lừa kẻ gian”.
Tương tự, NSND Lan Hương cũng liên tục bị sử dụng hình ảnh trái phép cho các quảng cáo thuốc, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. “Tôi rất bức xúc vì sự tùy tiện, cắt ghép hình ảnh nhằm trục lợi trắng trợn này”, NSND Lan Hương chia sẻ.
Gần nhất là vào tối 25-5, Cục Chính trị Quân đoàn 34 (Bộ Quốc phòng) đã phải lên tiếng về việc có nhiều tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội dùng hình ảnh của Thượng úy Lê Hoàng Hiệp, cán bộ Sư đoàn 9, Quân đoàn 34 để quảng cáo, bán hàng, kêu gọi tặng quà. Thượng úy Lê Hoàng Hiệp được nhiều người dùng mạng xã hội biết đến sau clip bước xuống xe ô tô trong buổi sơ diễn diễu binh, diễu hành dịp 30-4 vừa qua.
Cục Chính trị Quân đoàn 34 khẳng định, Thượng úy Lê Hoàng Hiệp chưa đồng ý cho ai sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của mình để quảng cáo, bán hàng; không kêu gọi nhận quà và hiện tại anh cũng không nhận quà của bất kỳ ai; không có những phát ngôn như các trang mạng đã đăng tải.
Những ví dụ trên cho thấy, dù người nổi tiếng có tham gia quảng cáo hay không, tên tuổi của họ vẫn dễ dàng bị biến thành công cụ thương mại để gây nhiễu loạn thị trường và làm hoang mang người tiêu dùng. Mặt khác, việc tham gia quảng cáo của những người nổi tiếng không chỉ là chuyện thị trường, mà còn thể hiện lương tâm, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm công dân trong thời đại truyền thông số bởi đằng sau lời nói của họ, là hàng triệu người đặt niềm tin.
Luật Quảng cáo 2012 sửa đổi, bổ sung 2018; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật An toàn thực phẩm... đều có quy định cấm quảng cáo sai sự thật, nhưng phần lớn trách nhiệm pháp lý được quy định với doanh nghiệp, đơn vị phát hành quảng cáo, còn người nổi tiếng trực tiếp phát ngôn, “chứng thực” sai về sản phẩm đang quảng cáo lại thường "lọt lưới". Đây là lý do khiến dư luận nhiều lần "dậy sóng" trước những vụ việc nghệ sĩ quảng cáo không đúng sự thật nhưng cơ quan chức năng chỉ xử lý “nhẹ tay” vì thiếu căn cứ pháp lý ràng buộc.

Người nổi tiếng không đứng ngoài pháp luật
Phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV ngày 10-5 vừa qua về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, các đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh, việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động quảng cáo, nhất là quảng cáo có yếu tố người nổi tiếng, là đòi hỏi bức thiết.
Đại biểu Trịnh Xuân An (tỉnh Đồng Nai) ủng hộ việc đưa khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” vào luật và cảnh báo: “Không thể để hoa hậu, ca sĩ, diễn viên không có chuyên môn về sản phẩm nhưng vì hình ảnh đẹp mà vẫn quảng cáo. Họ không nắm được chất lượng sản phẩm, hậu quả là người tiêu dùng lãnh đủ”.
Đại biểu Trần Khánh Thu (tỉnh Thái Bình) đề xuất thêm chế tài bồi thường thiệt hại với nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật: “Cần quy định rõ họ phải liên đới chịu trách nhiệm dân sự, không chỉ dừng ở xin lỗi hay nộp phạt hành chính”.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo lần này đã cập nhật nhiều nội dung mới. Đó là: Bổ sung điều khoản về người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) là đối tượng quản lý; quy định rõ người quảng cáo phải có hợp đồng bằng văn bản với doanh nghiệp; người quảng cáo phải có bằng chứng trực tiếp sử dụng sản phẩm; đề xuất tước danh hiệu nếu nghệ sĩ vi phạm quảng cáo sai sự thật…
Những nội dung trên không chỉ thể hiện tinh thần siết chặt quản lý, mà còn là bước tiến cần thiết để tiệm cận với thông lệ quốc tế, bởi nhiều quốc gia phát triển đã sử dụng cơ chế dân sự, kiện tụng để buộc người nổi tiếng chịu trách nhiệm bồi thường khi quảng cáo sai.
Việc sửa Luật Quảng cáo chính là để xác lập rõ ràng nghệ sĩ, người nổi tiếng không đứng ngoài pháp luật. Trách nhiệm của họ không chỉ là với công chúng, mà còn là trách nhiệm pháp lý với lời nói, hành động của chính mình. Bởi trong thời đại mà mỗi dòng trạng thái trên mạng xã hội có thể lan truyền tới hàng triệu người chỉ sau vài giờ thì người nổi tiếng không chỉ là cá nhân truyền cảm hứng, mà còn là “người bán niềm tin”.
Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Việc ban soạn thảo xem xét khả năng đưa quy định tước danh hiệu nghệ sĩ nếu quảng cáo sai sự thật, cho thấy đây là răn đe cần thiết để gìn giữ giá trị của danh hiệu và uy tín nghệ sĩ”.
Sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo là một bước đi tất yếu trong tiến trình xây dựng môi trường truyền thông, thương mại lành mạnh, công bằng. Không thể để nghệ sĩ, người nổi tiếng tiếp tục ẩn mình sau hình ảnh đẹp và độ phủ truyền thông để thoát khỏi trách nhiệm với những lời giới thiệu sai sự thật.
Dự kiến, ngày 11-6 tới, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Hy vọng, việc sửa luật sẽ đủ sức răn đe để những người “bán niềm tin” phải học cách chịu trách nhiệm bằng pháp lý, bởi công chúng không phải là món hàng hay thứ để trục lợi trong môi trường quảng cáo thiếu kiểm soát.