Chuyện những bác sĩ đồng hành cùng chương trình “Trái tim cho em”
“Cháu bị mắc tim bẩm sinh thể hiếm gặp, phải mổ càng sớm càng tốt. Chúng tôi sẽ hỗ trợ để bé được điều trị sớm”.
Trong căn phòng khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình), bác sĩ Nguyễn Bá Phong - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch trẻ em, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E (Hà Nội) tìm cách thông báo nhẹ nhàng với người mẹ ngồi đối diện để tránh gây cú sốc lớn.
Bé trai mới 5 tháng tuổi, con của một cặp vợ chồng nghèo tại Đồng Hới (Quảng Bình), được chẩn đoán mắc dị tật tim một thất - một dị tật tim bẩm sinh hiếm gặp, trong đó, một trong hai tâm thất (thường là tâm thất phải hoặc tâm thất trái) không phát triển đầy đủ hoặc bị teo nhỏ, khiến tâm thất còn lại phải đảm nhiệm chức năng của cả hai. Dị tật này đòi hỏi phải phẫu thuật nhiều lần. Trong khi đó, người mẹ đang phải điều trị chứng trầm cảm, vừa xin ra viện sớm để đưa con đi khám.

Biết hoàn cảnh của bệnh nhân, bác sĩ Phong cẩn thận lựa lời. “Đối với những trường hợp khác, bác sĩ sẽ phải giải thích tương đối rõ ràng và quyết liệt hơn để gia đình nhận thức được bệnh tình của con. Nhưng với em bé này, tôi chọn nói đơn giản, ngắn gọn nhất để người thân không quá hoang mang. Nếu nói thẳng là con chắc chắn cần mổ tim nhiều lần, đó có thể trở thành cú sốc lớn với cha mẹ”, nam bác sĩ cho hay.
Bác sĩ Nguyễn Bá Phong là thành viên trong đội ngũ gần 20 bác sĩ của Bệnh viện E (Hà Nội) vừa tham gia sự kiện “Trái tim cho em” tại Quảng Bình, do Viettel phối hợp với Quỹ Tấm lòng Việt, Bệnh viện E Hà Nội và Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới tổ chức.
Đây là chương trình khám sàng lọc tim bẩm sinh miễn phí và hỗ trợ phẫu thuật cho trẻ em dưới 18 tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động khám diễn ra tại các tỉnh, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, để phát hiện sớm bệnh và hỗ trợ chi phí điều trị, phẫu thuật.
Các chuyến đi về tỉnh, phục vụ thăm khám sức khỏe cộng đồng, với những người làm nghề y, là dịp quý giá để tiếp xúc gần gũi với người dân ở những khu vực kém phát triển hơn, như lời bác sĩ Phong mô tả là “nếu không đến tận nơi, giúp bố mẹ tìm ra bệnh của con, các bác sĩ ở tuyến trên sẽ hiếm có cơ hội gặp mặt, chạy chữa cho những em nhỏ kém may mắn ấy”. Đó cũng là tâm trạng, cảm nghĩ chung của đội ngũ y, bác sĩ tiếp xúc với người dân Quảng Bình đến thăm khám cho trẻ tại “Trái tim cho em”.
Tránh gây cú sốc cho bố mẹ có con mắc bệnh tim
Trong hai ngày 17 và 18-5-2025, đội ngũ bác sĩ Bệnh viện E đã thăm khám cho gần 700 trẻ em tại Quảng Bình, qua đó xác định 71 ca trẻ nhỏ cần theo dõi hoặc phẫu thuật, can thiệp điều trị sớm. Các gia đình thuộc hộ gia cảnh khó khăn có con em mắc bệnh tim bẩm sinh đã được hướng dẫn thủ tục đăng ký xin trợ giúp chi phí mổ tim từ chương trình "Trái tim cho em".
“Mỗi đứa trẻ là một câu chuyện, mình cố gắng lắng nghe và hiểu từng hoàn cảnh, nhất là với những người thiếu thốn. Họ đã lặn lội từ xa, dậy từ rất sớm để đến gặp các y, bác sĩ”, bác sĩ Phong bày tỏ. Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại Khoa Nhi, vị bác sĩ có cách nói chuyện gần gũi, thân thiện với các em nhỏ, giúp các em bớt sợ và việc khám, chữa bệnh diễn ra thuận lợi.
Nhiều lần tham gia các chương trình khám sức khỏe cộng đồng cho trẻ em, bác sĩ Phong nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khám tim từ sớm. “Phát hiện kịp thời giúp các bé có cơ hội khỏe mạnh, nhất là ở nơi thiếu bác sĩ chuyên khoa”, ông khẳng định và nói thêm, phẫu thuật tim dù khó, nhưng y học hiện đại đã giúp tỷ lệ thành công được nâng lên. “Nhiều bé bệnh nặng đã mổ 2-3 lần, giờ lớn lên khỏe mạnh, đi làm. Những câu chuyện ấy tiếp thêm niềm tin cho mọi người”, bác sĩ Phong nói.
Trong đó, những dự án dài hạn vì cộng đồng như “Trái tim cho em” đem ánh sáng hy vọng đến các gia đình khó khăn trên khắp Việt Nam.
“Đây là chương trình có ý nghĩa, tạo cơ hội cho lực lượng y tế tiếp cận vùng sâu, vùng xa, những nơi mà không đủ các điều kiện chăm sóc y tế, đặc biệt là liên quan đến việc khám, chữa bệnh. Các bệnh lý về tim mạch, dị tật tim bẩm sinh là lĩnh vực chuyên ngành rất đặc thù, đòi hỏi các y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và không phải cơ sở y tế địa phương nào cũng có thể đáp ứng được”, bác sĩ Phong nói.
Năm 2023, cũng thông qua chương trình, chính bác sĩ Phong và các bác sĩ của Bệnh viện E đã mổ thành công một em bé sơ sinh mới được 40 ngày tuổi (ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa) bị suy tim nặng. Đây là ca bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao, gia đình em bé đã theo đoàn công tác ra ngoài Hà Nội ngay lập tức để em được can thiệp kịp thời, dù bố mẹ không có khả năng chi trả.
Hy vọng nối dài các dự án sức khỏe cho trẻ em, không chỉ riêng bệnh tim
Tại sự kiện “Trái tim cho em” ở Quảng Bình, Bệnh viện E tham gia với Trưởng đoàn là TS.BS Phan Thảo Nguyên, Phó Giám đốc Bệnh viện E kiêm Phụ trách điều hành Trung tâm Tim mạch.

Bác sĩ Nguyên cho biết, Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện E, từ những ngày đầu thành lập cách đây 12 năm, đã phối hợp cùng “Trái tim cho em” để phối hợp đưa y tế chuyên sâu đến các vùng nông thôn, miền quê nghèo trên khắp đất nước. Các gia đình ở vùng xa, điều kiện thiếu thốn, không được trang bị kiến thức y khoa hay cơ hội tiếp cận dịch vụ chẩn đoán, khiến nhiều bệnh lý ở trẻ nhỏ thường dễ bị bỏ qua, không được bắt bệnh từ sớm.
Bác sĩ Nguyên nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp giữa các tổ chức như Viettel và các quỹ từ thiện. “Sự hỗ trợ từ Viettel giúp chúng tôi tiếp cận đúng đối tượng, đảm bảo hiệu quả của các buổi khám”, bác sĩ Nguyên chia sẻ. Việc hỗ trợ chi phí điều trị sau đó đã đem lại cơ hội sống cho rất nhiều em nhỏ. Trung bình, mỗi ca mổ tim có chi phí hơn trăm triệu đồng - một con số khổng lồ với những gia đình nghèo, cha mẹ khó có khả năng xoay xở nếu không có sự trợ giúp.
Chia sẻ về cách tổ chức, bác sĩ Nguyên cho biết: “Cách làm của Viettel là tận dụng tối đa công nghệ, sóng di động viễn thông để kêu gọi những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tim đến khám, giúp chúng tôi tiếp cận và hỗ trợ một cách thiết thực nhất. Mô hình này giúp hiệu quả sàng lọc cao hơn hẳn so với các chương trình khám đại trà khác”.


Bác sĩ Nguyên cũng bày tỏ mong muốn mở rộng phạm vi chương trình, không chỉ tập trung vào bệnh tim, mà còn hỗ trợ các dị tật khác ở trẻ như hở hàm ếch. “Mục tiêu là giúp trẻ em, dù ở nơi đâu, cũng có cơ hội lớn lên khỏe mạnh”, bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.