Thế giới

Tổng thống Slovenia: EU đang nỗ lực khôi phục đối thoại với Nga

Thương Nguyệt 27/05/2025 13:00

Khi đề cập đến cuộc trò chuyện với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Slovenia Natasa Pirc Musar tuyên bố rằng, EU đang chuẩn bị nối lại liên lạc trực tiếp với Nga.

Theo RT ngày 27-5, Tổng thống Natasa Pirc Musar đề xuất Liên minh châu Âu (EU) chỉ định một nhóm chuyên gia khởi xướng hoạt động ngoại giao với Nga như bước đầu tiên hướng tới việc khôi phục đối thoại trực tiếp giữa hai bên.

Nhà lãnh đạo Slovenia khẳng định đã trực tiếp đề cập vấn đề này với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Người đứng đầu Ủy ban châu Âu được cho là đã trả lời rằng EU “đang giải quyết vấn đề này”.

Bà Paula Pinho, phát ngôn viên Ủy ban châu Âu, không phủ nhận tuyên bố của Tổng thống Slovenia về nội dung trao đổi với bà Ursula von der Leyen, đồng thời xác nhận EU quan tâm đến việc đưa tất cả các bên liên quan tham gia đàm phán lệnh ngừng bắn và hướng tới mục tiêu đạt được hòa bình.

prs_novoletnaposlanica_szj.jpg
Tổng thống Slovenia Natasa Pirc Musar. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Slovenia

EU đã cắt đứt hầu hết quan hệ với Nga, trước khi áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia này kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát hồi tháng 2-2022.

Bà Natasa Pirc Musar nhận định, việc cắt đứt liên lạc với Nga là một trong những sai lầm lớn nhất của EU, khiến vị thế chính trị của khối này suy yếu. Tổng thống Slovenia nhấn mạnh, EU cần tập trung vào những nỗ lực có thể giúp khối tham gia các cuộc đàm phán trong tương lai giữa Mỹ, Nga và Ukraine.

Theo quan điểm của bà Natasa Pirc Musar, đối thoại với Nga vẫn cần thiết ngay cả khi các cuộc đàm phán hòa bình chưa thể mang lại kết quả và EU phải theo đuổi chính sách này.

Tổng thống Slovenia cũng nêu mối lo ngại về việc EU tăng chi tiêu quân sự, nhấn mạnh rằng những nỗ lực này không nên gây tổn hại đến hệ thống an sinh xã hội.

Trong những tháng gần đây, một số quốc gia EU như Pháp, Đức, Bỉ tuyên bố cắt giảm chi tiêu cho các chương trình hỗ trợ xã hội với lý do thâm hụt ngân sách và nợ gia tăng.

Hôm 21-5, EU đã phê duyệt chương trình mua sắm vũ khí mới với tổng trị giá 150 tỷ euro dưới hình thức cho vay. Động thái này nhằm tăng cường năng lực phòng thủ của khối trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực vẫn diễn biến phức tạp.

Chương trình sẽ cho phép các quốc gia thành viên EU bỏ qua các thủ tục bỏ phiếu tiêu chuẩn tại Nghị viện châu Âu để vay nợ lãi suất thấp. Một số quốc gia khối này được cho là có thể sử dụng chương trình để cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraine.

Nga đã nhiều lần lên án việc EU ngày càng đẩy mạnh kế hoạch quân sự hóa và cảnh báo động thái tăng chi tiêu quân sự của khối này đồng nghĩa với “hành động kích động chiến tranh” ở châu Âu.

(Theo RT, Pravda)