Giáo dục

Hoài Đức phát động phong trào “Bình dân học vụ số” năm 2025

Ánh Dương 27/05/2025 - 10:22

Sáng 27-5, huyện Hoài Đức phát động phong trào “Bình dân học vụ số” năm 2025. Lớp học tại huyện có 100 người tham dự và trực tuyến tại điểm cầu của 20 xã thị trấn. Định hướng đến hết năm 2026, huyện sẽ hoàn thành phong trào “Bình dân học vụ số”.

hoai-duc-pb.jpg
hoai-duc-hoitruong.jpg
Quang cảnh lớp "Bình dân học vụ số" tại UBND huyện Hoài Đức. Ảnh: Ánh Dương

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận, mục đích của phong trào “Bình dân học vụ số” nhằm phổ cập tri thức, kỹ năng số cho người dân với tinh thần cách mạng, toàn dân, toàn diện, không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Huyện tập trung tuyên truyền, phổ biến, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cán bộ và nhân dân về chuyển đổi số, về ứng dụng công nghệ thông tin, về công tác phổ cập kỹ năng số trong lãnh đạo, điều hành, công tác, sản xuất kinh doanh, về hoạt thông qua các tài liệu, sản phẩm tuyên truyền trực quan, trên internet, mạng xã hội và các phương tiện điện tử khác.

hoai-duc-nghithuc-hvs.jpg
Lãnh đạo huyện Hoài Đức thực hiện nghi thức phát động phong trào “Bình dân học vụ số” năm 2025. Ảnh: Ánh Dương
hoai-duc-ht.jpg
Học viên ứng dụng công nghệ số tại lớp học. Ảnh: Ánh Dương
hoai-duc-diem-cau.jpg
Điểm cầu xã Song Phương (huyện Hoài Đức) tham dự phát động phong trào “Bình dân học vụ số". Ảnh: Trần Thụ

Mục tiêu phong trào “Bình dân học vụ số” của Hoài Đức là đến hết năm 2025, có 90% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khu vực công toàn huyện có kiến thức về công nghệ số và kỹ thuật số, sử dụng thành thạo các nền tảng số phục vụ công việc và dịch vụ công trực tuyến. 100% học sinh trung học cơ sở trở lên và sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo, bảo đảm tiếp cận bình đẳng với tri thức số và biết bảo vệ bản thân trên môi trường số. 85% người dân trong độ tuổi trưởng thành có điện thoại thông minh và có kiến thức cơ bản về công nghệ số, có kỹ năng số, biết cách sử dụng thiết bị thông minh để truy cập thông tin, sử dụng dịch vụ số thiết yếu và biết bảo vệ bản thân trên môi trường số, được tích hợp vào nền tảng VneID.

Ít nhất 80% số hộ gia đình trên địa bàn huyện có thành viên có kỹ năng số, biết cách sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử, thanh toán số, y tế số và dịch vụ công trực tuyến để lan tỏa tới các thành viên khác. 85% người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã có kiến thức cơ bản về công nghệ số, kỹ năng số, biết sử dụng thiết bị thông minh để phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động.

Xác định đến hết năm 2026, 4 xã mới trên địa bàn Hoài Đức sẽ hoàn thành phong trào “Bình dân học vụ số”, phổ cập toàn bộ những kỹ năng số cơ bản đến tất cả các thành phần trong xã hội.