Đan Phượng: Lan tỏa tinh thần học và dùng AI trong toàn dân
Không chỉ là cuộc thi ứng dụng công nghệ, “Cuộc đua luyện AI” do huyện Đan Phượng phát động đã lan tỏa mạnh mẽ tinh thần học tập suốt đời, sẵn sàng thích ứng với thời đại số.
Từ cán bộ, giáo viên, học sinh đến người cao tuổi, người dân trên địa bàn đều tích cực tham gia, góp phần hình thành nền tảng công nghệ số ngay từ cơ sở. Với cách làm sáng tạo, bài bản, Đan Phượng đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền số, phát triển xã hội số toàn diện và bền vững.
Sôi nổi tinh thần học và sử dụng trí tuệ nhân tạo

Để thu hút sự chú ý của các em học sinh, cô giáo Phạm Thị Huyền (Trường Mầm non Hồng Hà) đã ứng dụng AI vào soạn các bài giảng. Nhờ ứng dụng AI, cô Huyền đã thiết kế được các bài học điện tử với tranh, ảnh minh họa, video, âm thanh sống động... Nhờ đó, những câu chuyện, bài học và các tiết giảng dạy của cô Huyền trở nên hấp dẫn, thu hút học sinh hơn. Cô giáo Phạm Thị Huyền chia sẻ: "Tích cực luyện tập và ứng dụng AI, mới đây, tôi đã đạt giải Nhất cuộc thi “Cuộc đua luyện AI” do UBND huyện Đan Phượng phát động".
Không chỉ giới trẻ, những người cao tuổi ở Đan Phượng cũng tích cực học hỏi công nghệ mới. Ông Lê Hữu Mài, Trưởng ban Khuyến học họ Lê Hữu (xã Hạ Mỗ) đã cùng hơn 200 thành viên dòng họ tham gia “Cuộc đua luyện AI” do huyện phát động, lan tỏa tinh thần học tập suốt đời, sẵn sàng thích nghi với chuyển đổi số.

Thời gian qua, các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, giáo viên, học sinh đến người cao tuổi của huyện Đan Phượng đã hào hứng tham gia luyện tập và ứng dụng AI vào công việc, học tập. Theo UBND huyện Đan Phượng, hưởng ứng mạnh mẽ “Cuộc đua luyện AI” do huyện phát động, đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên và người dân trên địa bàn đã tích cực tham gia. “Chỉ trong một tháng (từ ngày 24-3 đến ngày 24-4), đã có hơn 2.700 người tham gia cuộc thi, đạt 95%. Đặc biệt, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và xã tham gia lần lượt đạt 89,95% và 83,76%. Trong khối giáo dục, con số này lên tới 97,84%”, ông Nguyễn Anh Dũng, Phòng Văn hóa, khoa học và Thông tin huyện Đan Phượng cho hay.
Tạo nền móng cho chính quyền số và xã hội số
Theo Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Đan Phượng Trần Duy Đính, ứng dụng AI là bước đi tất yếu trong thời đại 4.0. Trí tuệ nhân tạo được tích hợp vào xử lý văn bản, điều hành công việc, gợi ý phương án xử lý thủ tục hành chính theo quy định pháp luật, giúp nâng cao hiệu quả làm việc, giảm thiểu sai sót, tăng tính minh bạch.

“Cuộc đua luyện AI” do UBND huyện Đan Phượng phát động không chỉ là sân chơi học thuật, mà còn là bước chuẩn bị cho chiến lược dài hơi về xây dựng chính quyền số. Qua chương trình, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được rèn luyện kỹ năng công nghệ, làm quen với các nền tảng số để áp dụng vào thực tiễn, từng bước hình thành mô hình quản trị hành chính thông minh ngay từ cấp cơ sở.
Huyện Đan Phượng đặt mục tiêu đến năm 2025 có hơn 95% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công có hiểu biết về chuyển đổi số và kỹ năng sử dụng các nền tảng số trong công việc; 100% học sinh trung học sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, sáng tạo và tương tác an toàn trên môi trường số.
Với người dân, huyện hướng tới có ít nhất 85% người trưởng thành nắm được kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, sử dụng thành thạo thiết bị thông minh và các dịch vụ số thiết yếu, đồng thời biết bảo vệ bản thân khi tham gia không gian mạng.

Triển khai mạnh mẽ tinh thần học và dùng AI trong toàn dân sẽ tạo động lực mạnh mẽ để huyện Đan Phượng đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy và chuyển đổi số mạnh mẽ trong hệ thống chính quyền; tạo động lực cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội...
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết, huyện sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số; đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị, địa phương; chú trọng tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về chuyển đổi số và phong trào “Bình dân học vụ số” đến từng hộ gia đình, người dân.