Luận đàm thời sự

Cách tiếp cận mới mở ra thời mới

Đại sứ Trần Đức Mậu 27/05/2025 - 09:12

Chủ trương của chính quyền mới ở Mỹ về từ bỏ chính sách can thiệp toàn cầu, vốn luôn dẫn dắt chính sách đối ngoại và an ninh của Mỹ trong suốt hơn trăm năm qua, đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập đến khi tới thăm 3 vương triều vùng Vịnh vừa mới đây.

Quan điểm này được Phó Tổng thống Mỹ JD Vance trình bày và biện giải chi tiết trong bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp của Học viện Hải quân Mỹ ở Annapolis vào ngày 23-5 vừa qua. Đây là bước ngoặt và có lẽ sẽ tạo bước chuyển giai đoạn trong chính sách đối ngoại và an ninh của Mỹ.

Theo những trình bày, lập luận của ông D.Trump và ông JD Vance, chính quyền Trump/Vance ở Mỹ sẽ không đưa quân đội Mỹ tới tham chiến hay "thành lập quốc gia" ở những nơi không liên quan gì đến những lợi ích cốt lõi và cơ bản của Mỹ; không can dự quân sự vào những cuộc chiến tranh hay xung đột mà không biết đến khi nào mới kết thúc. Mỹ chỉ hành động quân sự khi có mục tiêu rõ ràng và cụ thể, hành động mạnh mẽ và dứt khoát để bảo vệ lợi ích căn bản và cốt lõi của mình.

Theo ông JD Vance, Mỹ phải có cách tiếp cận khác trước và điều chỉnh định hướng chính sách đối ngoại, an ninh như vậy; phải tách biệt tư duy và thực tiễn đối ngoại, an ninh của hơn một thế kỷ qua, và phải chấm dứt triết lý "đánh đổi sức mạnh cứng lấy sức mạnh mềm" bởi vì "kỷ nguyên thống trị không đối thủ của Mỹ đã kết thúc"; nhiều đối thủ và địch thủ của Mỹ đã trỗi dậy, thách thức Mỹ và Mỹ phải thích ứng với thế giới đã đổi thay rất cơ bản như thế.

Cách tiếp cận mới của chính quyền Trump/Vance ở đây là thay thế các học thuyết chính sách mà nước Mỹ đề cao và thực hiện từ hơn trăm năm nay, như Học thuyết Monroe, Học thuyết Truman, Học thuyết Domino và cả Học thuyết về can thiệp nhân đạo bằng học thuyết riêng của họ, với tên gọi chưa được xác định nhưng nội hàm đã rất rõ ràng. Đó là sự pha trộn của trường phái chủ nghĩa hiện thực và khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết".

Thực tế và thực dụng, không lụy những chính sách truyền thống xưa nay và kiên quyết thực thi bằng mọi giá, với mọi cách, bất kể cực đoan hay thái quá đến đâu những gì được coi là sẽ làm lợi cho nước Mỹ - đấy là bản chất của cách tiếp cận này.

Cách tiếp cận mới sẽ mở ra thời kỳ mới đối với chính sách đối ngoại và an ninh của Mỹ nếu những định hướng chính sách này được thực thi đầy đủ và triệt để, không bị chính cặp Trump/Vance thay đổi hoặc bị chính quyền kế nhiệm đảo ngược. Cách tiếp cận mới này sẽ định hình và cấu trúc lại toàn bộ chiến lược cũng như chính sách đối ngoại và an ninh của Mỹ trong thời gian tới. Đó là giảm can dự vào thế giới bên ngoài và tăng cường hướng nội; dùng hiệu ứng đối nội làm tiêu chí dẫn dắt đối ngoại và xác định lại nội hàm chính của an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia cốt lõi.

Chấm dứt chính sách can thiệp toàn cầu sẽ làm giảm vai trò, vị thế và ảnh hưởng của Mỹ về mọi phương diện trên thế giới, ảnh hưởng trực tiếp tới chính các liên minh và liên kết chính trị, quân sự và kinh tế, thương mại của Mỹ với thế giới bên ngoài. Sự co lại ảnh hưởng và vai trò của Mỹ sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực trên thế giới, khiến cho cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa nhiều nước lớn và đối tác lớn trở nên thêm quyết liệt. Không có sự tham gia và đóng góp của Mỹ, việc ứng phó với những thách thức toàn cầu sẽ trở nên khó khăn hơn.

Thời mới này ở Mỹ sẽ đưa đến nhiều biến động mạnh mẽ trong chính trị thế giới và quan hệ quốc tế, trong kinh tế và thương mại thế giới.