NSƯT Quang Hiệp:Miệt mài giữ hồn dân tộc
Hơn 40 năm gắn bó với Nhà hát Chèo Hà Nội, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Quang Hiệp không chỉ để lại dấu ấn sâu đậm trên sân khấu chèo, mà còn trở thành người thầy có ảnh hưởng lớn đối với nhiều thế hệ nghệ sĩ trẻ.
Từ vai trò người đánh trống chèo, chỉ huy dàn nhạc đến sáng tác âm nhạc, ông luôn nỗ lực làm sống dậy những giá trị tinh hoa của chèo truyền thống. Đặc biệt, trong vai trò chỉ huy dàn nhạc, ông đã giúp làn điệu chèo vang lên đầy sắc màu và cảm xúc, giữ vững linh hồn của nghệ thuật chèo trong từng vở diễn.

1. Sinh ra tại xã Dục Tú (huyện Đông Anh), nghệ sĩ Quang Hiệp may mắn được lớn lên trong không gian văn hóa thấm đẫm tiếng trống, tiếng hát chèo. Dù bố mẹ không theo nghệ thuật, nhưng trong ông vẫn chảy dòng máu nghệ thuật từ ông nội - người từng là trùm một gánh hát nổi danh khắp phủ Từ Sơn (Đông Anh trước đây vốn là huyện Đông Khê thuộc phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Từ thuở nhỏ ông đã bị mê hoặc bởi những làn điệu chèo mộc mạc mà sâu lắng, để rồi cái duyên với nghệ thuật chèo đến với ông tự nhiên như hơi thở. Năm 1982, ông chính thức gia nhập Đoàn Chèo Hà Nội (nay là Nhà hát Chèo Hà Nội), bắt đầu từ vị trí đánh trống chèo.
Với khát vọng hiểu chèo một cách toàn diện hơn, ông theo học lớp sáng tác và chỉ huy âm nhạc tại Trường Sân khấu - Điện ảnh Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội), từng bước trở thành chỉ huy dàn nhạc rồi tiến xa hơn trong vai trò biên soạn, sáng tác âm nhạc phục vụ sân khấu.
Nghệ sĩ Quang Hiệp bảo, ban đầu chọn đánh trống chèo vì ông quan niệm, trống không chỉ là nhạc cụ, mà còn là phương tiện kể chuyện, giao tiếp với khán giả và là phương tiện níu giữ tinh thần chèo truyền thống. Chỉ một tiếng trống sai cũng có thể làm lệch tâm lý vở diễn, phá vỡ sự kết nối giữa sân khấu và khán giả. Để đánh được tiếng trống đúng, người nghệ sĩ phải thấu cảm từng vai diễn, nắm vững tiết tấu, hơi thở của chèo. Chỉ khi ấy, mỗi tiếng trống mới thực sự mang được hồn cốt của vở diễn.
Tuy học trống chèo là chính, nhưng từ khi còn nhỏ Quang Hiệp đã dành một tình yêu đặc biệt cho đàn tranh. Khi học cùng các cụ nghệ nhân, ông nhận ra rằng đàn tranh có khả năng truyền tải cảm xúc rất mạnh mẽ.
“Âm thanh của đàn tranh nhẹ nhàng, thanh thoát nhưng cũng đầy sắc sảo và lôi cuốn. Khi sử dụng đàn tranh trong chèo, tôi luôn tìm cách khai thác tối đa những sắc thái cảm xúc mà nó mang lại. Nếu như trống chèo giữ nhịp, tạo dựng nền tảng cho vở diễn, thì đàn tranh lại vẽ nên những chi tiết tinh tế, nâng cao cảm xúc của nhân vật. Nếu biết cách khai thác, đàn tranh có thể mở ra một không gian âm nhạc vừa sâu lắng, vừa thăng hoa, tạo nên những khoảnh khắc xúc động đọng lại trong lòng khán giả. Đàn tranh không chỉ là phần bổ sung, mà là yếu tố quan trọng giúp cân bằng tổng thể âm nhạc của vở chèo. Nó có thể nhẹ nhàng làm nền cho các đoạn vũ, hoặc vang lên mạnh mẽ trong những cảnh cao trào như làn sóng cuốn theo cảm xúc nhân vật, khơi dậy những tình cảm sâu sắc mà không nhạc cụ nào thay thế được. Nếu trống chèo là nhịp điệu mạnh mẽ, thì đàn tranh chính là sự mềm mại, bay bổng, thổi vào không gian chèo một nét thanh thoát, nhẹ nhàng nhưng đầy chiều sâu” - nghệ sĩ Quang Hiệp bộc bạch.
2. Giai đoạn những năm 1980 - 1990, nghệ thuật sân khấu nói chung và chèo nói riêng bước vào thời kỳ khó khăn nhưng NSƯT Quang Hiệp và đồng nghiệp vẫn lên đường đi diễn, đi khắp các vùng quê, sân đình, sân trường... để mang tiếng hát, làn điệu dân ca đến với người dân.
“Có lần, tôi và anh em trong đoàn diễn vở “Nàng Sita”. Khán giả đông lắm, người ngồi tràn cả xuống sân khấu. Cả đoàn diễn say sưa, hết mình. Nhưng khi về đến nơi ở thì... không có gì ăn. Gạo không có, nước mắm cũng không. Mấy anh em ngồi nhìn nhau, bảo: “Khổ thật, nhưng mai lại diễn tiếp”. Ngày đó, chúng tôi đi diễn là vì yêu nghề. Có đoàn rong ruổi cả tháng trời mà không có thù lao. Về nhà, vợ con thiếu gạo, nhưng chỉ cần nghe tiếng trống chèo, tiếng đàn, nhịp phách vang lên là lại lên đường. Với tôi, hát chèo không chỉ là công việc, mà là đam mê, là lý tưởng sống” - ông kể, giọng trầm xuống nhưng ánh mắt ánh lên một niềm tự hào khó giấu.
Những ngày tháng đánh trống bằng lòng tin, chỉ huy dàn nhạc bằng nhiệt huyết, với nghệ sĩ Quang Hiệp, không chỉ là hồi ức của một thời khốn khó mà còn là minh chứng sống động cho tình yêu chèo mãnh liệt, bền bỉ và đầy hy sinh. Vượt qua những chuyến lưu diễn vất vả, bữa cơm không đủ no, thù lao ít ỏi, ông vẫn bám trụ với sân khấu, với tiếng trống chèo, như thể đó là hơi thở, là định mệnh của đời mình.
Cũng từ lòng yêu nghề ấy, ông không ngừng học hỏi, tự rèn luyện để trở thành một nghệ sĩ đa năng, có thể đảm nhận nhiều vai trò trong nghệ thuật chèo. Đúng như soạn giả Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam khẳng định: “Hiếm có nghệ sĩ chèo nào được như NSƯT Quang Hiệp khi từ người đánh trống, ông trở thành chỉ huy dàn nhạc, rồi thành người sưu tầm, nghiên cứu và truyền bá tinh hoa chèo cổ. Ông không chỉ nắm chắc vốn cổ mà còn có khả năng cảm thụ và lan tỏa những giá trị ấy đến lớp nghệ sĩ trẻ cũng như khán giả đương đại. Ông đi khắp nơi để nói chuyện về chèo, để giới thiệu cái hay, cái tinh túy của một loại hình sân khấu dân tộc mà ông đã dành cả đời gắn bó”.
3. Dù đã nghỉ hưu, trở về quê nhà sau hơn 40 năm gắn bó với Nhà hát Chèo Hà Nội, nghệ sĩ Quang Hiệp vẫn không cho phép mình dừng lại. Ngược lại, Dục Tú hôm nay càng khiến ông thêm nhiều khát vọng gìn giữ và lan tỏa nghệ thuật truyền thống. “Quê tôi bây giờ còn cấy lúa và người làng rất say mê hát chèo. Tôi thấy mình thật may mắn khi được trở về đúng nơi từng nuôi dưỡng đam mê và tâm hồn nghệ sĩ. Bây giờ được cùng các cụ già đánh trống, tập vở, hướng dẫn lũ trẻ học chèo, nghe các em học sinh ngân nga một làn điệu cổ..., với tôi, đó là sự trọn vẹn” - ông chia sẻ.
Hơn bốn thập kỷ gắn bó với chèo, NSƯT Quang Hiệp đã âm thầm viết nên một hành trình nghệ thuật đầy đam mê và tận hiến. Từ tiếng trống dẫn nhịp, cây đàn tranh ngân vang, cho đến vai trò chỉ huy dàn nhạc, ở đâu cũng thấy dấu ấn của một nghệ sĩ tài hoa, nghiêm cẩn và hết lòng với nghề. Với ông, chèo không chỉ là sân khấu, là tiếng hát, mà còn là cuộc sống, là lý tưởng. Và dù ở vai trò nào - người thầy, nghệ sĩ, hay người truyền lửa - NSƯT Quang Hiệp vẫn đang miệt mài gìn giữ từng làn điệu cổ như gìn giữ chính tâm hồn dân tộc mình.
Nghệ sĩ Ưu tú Quang Hiệp (tên đầy đủ là Nguyễn Quang Hiệp) sinh năm 1961 tại xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội. Hơn 40 năm đắm say với nghệ thuật chèo, ông từng giành giải Nhạc công xuất sắc tại Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc năm 2022 với vở “Khóc giữa trời xanh” (Nhà hát Chèo Hà Nội) và giải Nhạc công xuất sắc tại Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc năm 2022 với vở “Vang bóng một thời” (Đoàn Chèo Hải Phòng)...