Chuyện đó đây

Quyết liệt chống hàng giả, thực phẩm “bẩn”:Cuộc chiến không khoan nhượng

Quỳnh Dương 26/05/2025 17:13

Những năm gần đây, hàng giả, thực phẩm kém chất lượng nổi lên là một vấn đề toàn cầu, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng và gây thiệt hại kinh tế lớn. Nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp hiệu quả để kiểm soát và ngăn chặn tình trạng này.

trung-quoc.jpg
Cơ quan chức năng Trung Quốc tiến hành kiểm tra chất lượng thực phẩm tại một siêu thị ở thành phố Bắc Kinh. Ảnh: China Daily

Trong vòng 20 năm trở lại đây, thế giới đã không ít lần chứng kiến các vụ án liên quan tới hàng giả, hàng kém chất lượng gây chấn động dư luận.

Điển hình trong số này là vụ án được phát hiện năm 2015 khi cảnh sát Trung Quốc thu giữ hơn 100.000 tấn thịt đông lạnh, trong đó nhiều lô hàng đã quá hạn sử dụng từ thập niên 1970. Cũng trong năm này, cơ quan chức năng Ấn Độ đã tiến hành kiểm nghiệm tại một số bang. Kết quả cho thấy mì ăn liền Maggi của hãng Nestlé chứa lượng chì vượt ngưỡng an toàn.

Tại châu Âu, khu vực có những quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm cũng không tránh khỏi tệ nạn hàng giả, hàng kém chất lượng. Năm 2013, bê bối thịt ngựa giả bò bị phanh phui ảnh hưởng tới 13 quốc gia tại Cựu lục địa.

Theo cơ quan chống gian lận thương mại của Pháp, tổng cộng đã có 750 tấn thịt ngựa giả thịt bò bị đưa ra thị trường, trong đó 550 tấn dùng để chế biến thành khoảng 4,5 triệu sản phẩm thịt đông lạnh để bán dưới dạng đồ ăn chế biến sẵn.

Trước đó, năm 2008, một số nhà sản xuất Italia bị cáo buộc trộn các loại dầu rẻ tiền như dầu hạt cải, dầu hướng dương rồi nhuộm màu và dán nhãn “Dầu oliu siêu nguyên chất” để phân phối ra thị trường.

Để ngăn chặn và chống lại tội phạm sản xuất thực phẩm giả, kém chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai và ban hành nhiều chính sách, luật lệ nhằm tăng cường hệ thống giám sát chặt chẽ, áp dụng công nghệ cao kết hợp với các hình phạt nặng, có sức răn đe.

Một trong những quốc gia được đánh giá có hệ thống kiểm soát thực phẩm giả nghiêm ngặt nhất thế giới hiện nay là Mỹ. Thực phẩm nhập khẩu vào nước này đều phải đăng ký với Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) và chịu sự kiểm tra gắt gao tại cảng.

Cơ quan này cũng có thẩm quyền thu hồi hàng giả, kém chất lượng, đồng thời tiến hành điều tra và truy tố các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm. FDA có thể “cấm cửa” vĩnh viễn những công ty hoặc quốc gia không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Ngoài FDA, Bộ Nông nghiệp Mỹ được giao chức năng kiểm soát thịt, trứng, sữa và các sản phẩm nông nghiệp. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm phải lưu hồ sơ toàn bộ quá trình sản xuất - vận chuyển - phân phối và sẵn sàng cho công tác kiểm tra bất kỳ lúc nào.

Mỹ áp dụng mã vạch, công nghệ sử dụng trường điện từ để tự động nhận dạng (RFID), Blockchain (cơ sở dữ liệu chuỗi khối cho phép chia sẻ thông tin minh bạch theo trình tự thời gian trong một mạng lưới kinh doanh) và các phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) để truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo chuỗi từ trang trại đến bàn ăn.

Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA) có hiệu lực từ năm 2011 trao cho FDA quyền lực lớn hơn trong phòng, chống tệ nạn thực phẩm giả. Mức phạt vi phạm có thể lên tới cả triệu USD, thậm chí án tù lên đến 20 năm nếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Các công ty vi phạm sẽ bị thu hồi sản phẩm, tẩy chay thương hiệu, mất niềm tin thị trường ngay lập tức.

Tương tự Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cũng có nhiều quy định nghiêm ngặt và rõ ràng liên quan tới chất lượng thực phẩm. Ngoài việc bắt buộc các doanh nghiệp phải ghi rõ nguồn gốc, thành phần, hạn sử dụng trên bao bì sản phẩm, khối này còn có Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) để chia sẻ thông tin giữa các nước thành viên.

Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) thường xuyên lấy mẫu kiểm tra hàng hóa trên thị trường. Những năm gần đây, EU tăng cường phối hợp với Cảnh sát Quốc tế (Interpol) để phá các đường dây thực phẩm giả xuyên biên giới.

Tại châu Á, Singapore được đánh giá là quốc gia đi đầu trong nỗ lực chống thực phẩm giả. Với chính sách "Zero tolerance" (Không khoan nhượng) với thực phẩm giả, chính quyền nước này tiến hành kiểm tra 100% thực phẩm nhập khẩu và phải có dấu kiểm định của Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA). Người bán thực phẩm giả có thể bị phạt đến 100.000 SGD (gần 2 tỷ đồng) và phạt tù 3 năm. Quốc đảo này cũng áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo giúp phát hiện sản phẩm giả nhanh chóng.

Sau nhiều bê bối gây chấn động, Trung Quốc đã tiến hành cải cách mạnh mẽ hệ thống luật pháp và các quy định, thể hiện quyết tâm dẹp bỏ nạn thực phẩm giả, bảo vệ sức khỏe người dân và lấy lại niềm tin quốc tế.

Luật An toàn Thực phẩm sửa đổi có hiệu lực từ 2022 đã gia tăng hình phạt, cao gấp 10 lần giá trị hàng hóa vi phạm, thậm chí phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với thực phẩm gây chết người. Các đội điều tra đặc biệt gồm cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường và chuyên gia thực phẩm được thành lập ở cấp tỉnh và trung ương.

Trung Quốc cũng thiết lập một đường dây nóng toàn quốc cho phép người dân tố giác hành vi sản xuất hoặc kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng.

Bên cạnh đó, quốc gia đông dân nhất thế giới cũng xây dựng Hệ thống đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp. Các công ty vi phạm bị giảm điểm tín dụng sẽ đối mặt với nguy cơ bị tẩy chay, khó tiếp cận thị trường.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gần 10% thực phẩm toàn cầu có thể đã bị làm giả, pha trộn hoặc gắn nhãn sai lệch. Hàng triệu người mỗi năm mắc bệnh vì thực phẩm không an toàn. Trong bối cảnh ấy, cuộc chiến chống thực phẩm giả không chỉ là việc của chính phủ hay doanh nghiệp mà là trách nhiệm chung của toàn nhân loại.