Xã hội

Quyết liệt chống hàng giả, thực phẩm “bẩn”:Bịt "lỗ hổng" trong quản lý

Trang Hạnh Hoa 26/05/2025 - 13:05

Hàng loạt vụ việc liên quan đến thực phẩm “bẩn”, gia vị kém chất lượng, sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, hàng nhái... liên tiếp được phát hiện trên cả nước những ngày qua khiến dư luận hoang mang, lo sợ.

Thực trạng này không chỉ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, mà còn làm suy giảm niềm tin vào công tác quản lý chất lượng hàng hóa, vệ sinh, an toàn thực phẩm hiện nay.

hang-gia-1.jpg
Cơ quan chức năng kiểm tra nguồn gốc thực phẩm tại một bếp ăn tập thể ở Hà Nội. Ảnh: PV

Lạc vào ma trận quảng cáo

Lâu nay, nhiều người tiêu dùng vẫn có thói quen dễ dãi trong việc mua thực phẩm, chủ yếu dựa vào quảng cáo, lời giới thiệu từ người quen hoặc tư vấn từ các “bác sĩ online", "dược sĩ online” mà thiếu kỹ năng đọc nhãn mác, kiểm tra thông tin cũng như truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok hay các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada..., không khó để bắt gặp đủ loại thực phẩm được rao bán - từ thực phẩm tươi sống, đông lạnh, chế biến sẵn, đến thực phẩm chức năng, thực phẩm ăn kiêng. Những mặt hàng này khá đa dạng về nguồn gốc, từ đặc sản trong nước đến các sản phẩm nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch hoặc “xách tay” từ nước ngoài.

"Quy trình" mua sắm các mặt hàng hiện nay diễn ra khá đơn giản: Người tiêu dùng nghe, đọc hoặc xem quảng cáo, kiểm tra thông tin thông qua đánh giá, bình luận từ những người mua trước, sau đó nhắn tin hoặc gọi điện để nhận tư vấn từ người bán và quyết định “mở hầu bao”. Trong bối cảnh đó, ma trận quảng cáo thổi phồng và những lời chia sẻ “có cánh” từ người từng sử dụng sản phẩm xuất hiện ngày càng dày đặc trên mạng xã hội, len lỏi khắp các sàn thương mại điện tử, thậm chí trên các kênh giới thiệu của bác sĩ, nghệ sĩ, người nổi tiếng. Đây chính là môi trường thuận lợi để hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có cơ hội lan rộng và tồn tại.

Gần 600 nhãn hiệu sữa bột giả bị phát hiện giữa tháng 4-2025 vừa qua đã gây chấn động dư luận, nhất là khi trong đó có nhiều sản phẩm được ghi nhãn dành cho người bệnh tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai. Biên tập viên Nguyễn Thu Hà (Đài Truyền hình Việt Nam), một trong số rất nhiều gia đình là nạn nhân của sữa giả, đã bày tỏ bức xúc trên trang Facebook cá nhân: “Biết bao bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, cũng như nhà mình, cứ nghĩ đang cố làm những thứ tốt nhất cho người thân, gia đình, nhưng thực ra lại đang đưa vào cơ thể những người yếu đuối nhất, cần được chăm sóc nhất, những người già, người bệnh, mẹ bầu, trẻ em những thứ không ai biết là thứ gì. Những người sản xuất sữa bột này, khi nhắm đến những đối tượng yếu ớt và cần bảo vệ như vậy, lương tâm họ để rớt ở nơi nào?”.

Chưa kịp hết bàng hoàng vì vụ sữa giả, người tiêu dùng tiếp tục chứng kiến hàng loạt vụ thực phẩm và dược phẩm kém chất lượng bị phanh phui. Điển hình là 21 loại thuốc giả, trong đó có 4 loại mạo danh thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, số còn lại là các loại chưa được cấp số đăng ký. Rồi hàng chục nghìn lít dầu ăn giả, hàng trăm tấn bột nêm, bột canh, mì chính không đạt tiêu chuẩn công bố trên nhãn mác cũng bị phát hiện, phần lớn đã được tuồn vào các bếp ăn tại khu công nghiệp. Nhiều cơ sở kinh doanh gạo bị phát hiện có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, bao bì thương hiệu gạo ST25 "ông Cua". Ngoài ra, hơn 100 tấn thực phẩm chức năng và thiết bị y tế giả với khoảng 100 mã sản phẩm khác nhau đã âm thầm được phân phối đến các hiệu thuốc và bệnh viện từ năm 2020. Đó là chưa kể đến vô số vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn, ôi thiu, mốc hỏng, không rõ nguồn gốc xuất xứ bị bắt giữ trong thời gian gần đây.

Hình thức phổ biến của các loại thực phẩm giả là sử dụng nguyên liệu rẻ tiền thay thế nguyên liệu thật (trong đó có trường hợp pha trộn các chất phụ gia không an toàn), dán nhãn mác sai lệch về nguồn gốc xuất xứ (thường lấy thương hiệu nước ngoài bởi tâm lý “sính ngoại” của nhiều người tiêu dùng), tẩy, xóa hạn sử dụng... Bên cạnh đó, do chủ quan, nhiều người vẫn có tâm lý là các loại hàng giả, hàng nhái thường chỉ xuất hiện ở các vùng xa xôi, ít thông tin, người dân còn thiếu kỹ năng về phân biệt hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, với các thủ đoạn tinh vi như sao chép mẫu mã, làm giả tem, mã vạch, mã QR truy xuất nguồn gốc, cùng chiến lược quảng cáo đánh trúng tâm lý và lòng tin người tiêu dùng, thực phẩm giả hiện nay đã len lỏi vào tận trung tâm các thành phố lớn. Nhiều sản phẩm còn được bày bán công khai trước cổng các bệnh viện lớn, thậm chí được bác sĩ kê đơn hoặc khuyên bệnh nhân sử dụng.

Minh bạch trong cơ chế, nghiêm minh trong xử lý

Sản phẩm giả và thực phẩm "bẩn" không tự nhiên xuất hiện trên thị trường. Thực tế, chúng phải vượt qua nhiều khâu và nhiều tầng nấc quản lý trước khi đến tay người tiêu dùng. Khi hàng loạt vụ việc bị phanh phui, dư luận không chỉ đặt câu hỏi vì sao các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm lại bất chấp đạo đức, mà còn đặt ra vấn đề trách nhiệm của các cơ quan quản lý ở đâu?

Những vụ việc hàng giả, thực phẩm “bẩn” gây rúng động dư luận thời gian qua đã phản ánh một thực tế đáng lo ngại: Nguyên nhân chính là sự chồng chéo trong quản lý, buông lỏng kiểm soát và thiếu quyết liệt trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Mặc dù nhiều cơ quan cùng quản lý một mặt hàng thực phẩm, nhưng khi sự cố xảy ra lại không có cơ quan nào chịu trách nhiệm. Ví dụ, chỉ riêng một hộp sữa đã có tới ba bộ quản lý: Bộ Công Thương, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Môi trường (trước đây là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhưng lại để lộ ra lỗ hổng khi áp dụng cơ chế cho phép các tổ chức, cá nhân tự công bố chất lượng sản phẩm, trong khi công tác tiền kiểm và hậu kiểm còn thiếu và yếu. Chính điều này đã tạo điều kiện cho thực phẩm giả hoành hành trên thị trường với mạng lưới phân phối rộng khắp.

Nhiều sản phẩm hiện nay chỉ cần tự công bố chất lượng mà không qua kiểm nghiệm ban đầu trước khi lưu hành, trong khi lực lượng chức năng thiếu sự phối hợp hiệu quả trong công tác kiểm tra và giám sát. Trên thực tế, ở một số quốc gia, việc doanh nghiệp tự công bố sản phẩm không phải là hiếm gặp, bởi nó trao quyền chủ động và trách nhiệm xã hội cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ chế này phải đi kèm với quy trình kiểm tra định kỳ và chế tài xử lý vi phạm nghiêm ngặt. Còn tại Việt Nam, do sự buông lỏng quản lý của một số cơ quan chuyên trách, cơ chế tự công bố đã bị lợi dụng, trở thành kẽ hở để hàng giả tràn lan trên thị trường.

Trước vấn nạn hàng giả tràn lan, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 19-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Hàng giả, một trăm tấn hàng mà chính quyền, cấp ủy, cơ quan chức năng không biết, thì chỉ có hai khả năng: Một là không còn ý chí chiến đấu, hai là bị mua chuộc”. Tại Kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa XV ngày 17-5, thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiện nay vẫn còn những lỗ hổng, và quan trọng hơn là cần chuyển đổi tư duy trong công tác quản lý. Và việc 5 cán bộ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) bị khởi tố mới đây vì nhận hối lộ là một minh chứng điển hình cho tính xác đáng nhận định này.

Để thực phẩm giả không còn đất sống, trước hết phải quyết liệt siết chặt kỷ luật và kỷ cương trong đội ngũ cán bộ quản lý thị trường, quản lý an toàn thực phẩm. Đặc biệt, cần làm rõ trách nhiệm cá nhân khi để xảy ra vi phạm trên địa bàn mình phụ trách. Không thể để tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, “cha chung không ai khóc” tiếp tục kéo dài trong bộ phận cán bộ quản lý, đe dọa sức khỏe hàng triệu người dân mỗi ngày. Bên cạnh việc nâng cao năng lực chuyên môn, cần có cơ chế kiểm soát minh bạch, giám sát chéo và xử lý nghiêm khắc các trường hợp buông lỏng trách nhiệm. Chỉ khi cán bộ quản lý nhận thức rõ vai trò và hậu quả từ sự thờ ơ của mình, họ mới thực sự trở thành “hàng rào vững chắc” trong cuộc chiến chống hàng giả, thực phẩm kém chất lượng. Bên cạnh đó, phải công khai thông tin doanh nghiệp vi phạm, xử phạt nặng, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng người tiêu dùng cứ mãi phải tự bảo vệ mình.

Những tháng đầu năm 2025, các đơn vị, địa phương đã tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, bắt giữ, xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm. Trong đó có hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; hơn 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 4.897 tỷ đồng; khởi tố hình sự gần 1.400 vụ, hơn 2.100 đối tượng.
(Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an)