Nông nghiệp - Nông thôn

Mít ngọt đầu mùa - nông dân Phúc Thọ làm kinh tế từ vườn nhà

Nguyễn Mai 26/05/2025 - 12:09

Trong ánh nắng đầu hè trải nhẹ khắp vùng đất Phúc Thọ, những vườn mít trĩu quả nối tiếp nhau minh chứng sống động cho sự chuyển mình của nông dân nơi đây. Từ loại cây quen thuộc trong vườn nhà, mít trở thành cây trồng giúp nhiều hộ dân vươn lên phát triển kinh tế, mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp địa phương.

Mít - dễ trồng, hiệu quả cao

Cán bộ huyện Phúc Thọ khảo sát thực tế vườn mít của gia đình bà Bùi Thị Hồng, thôn 4, xã Nam Hà, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Minh Tuyết
Cán bộ huyện Phúc Thọ khảo sát thực tế vườn mít của gia đình bà Bùi Thị Hồng, thôn 4, xã Nam Hà (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Minh Tuyết

Xã Nam Hà không chỉ nổi tiếng thành phố với vùng trồng bưởi Tam Vân, gần đây còn là “thủ phủ” trồng mít của huyện Phúc Thọ. Những ngày này, đến vườn của bất cứ gia đình nào cũng dễ dàng bắt gặp những cây mít sai lúc lỉu. Một vài cây bắt đầu có quả chín sớm, thơm nức. Theo các hộ trồng mít, giá trái cây đầu vụ được 30-35 nghìn đồng/kg, bán tại vườn, người dân rất phấn khởi.

Là gia đình sở hữu những cây mít được đánh giá thường xuyên có quả ngon, bà Bùi Thị Hồng ở thôn 4, xã Nam Hà chia sẻ: “Trước đây, vườn của gia đình tôi chủ yếu là cây tạp, hiệu quả không cao. Từ khi chuyển sang trồng mít, thu nhập cải thiện rõ rệt. Mít dễ trồng, ít sâu bệnh, hợp khí hậu và thổ nhưỡng. Mỗi cây cho 15-20 quả/năm, bình quân mỗi sào thu gần 20 triệu đồng - cao gấp nhiều lần trồng lúa”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hà Lê Mạnh Cường, là xã thuộc khu vực vùng bãi của huyện, đất đai rộng rãi, các gia đình thường có vài sào đất vườn, gần như nhà nào cũng trồng mít, từ vài cây trong vườn cho đến mô hình chuyên canh. Nhiều cây mít cổ thụ có tuổi đời hàng chục năm vẫn sai trĩu quả. Mít Nam Hà chủ yếu là giống mít Thái (chuyên canh tại khu vực bãi) và mít ta (trồng trong các vườn nhà). Trong đó, mít ta do người dân chủ yếu nhân giống bằng cách gieo hạt. Những cây cho quả ngon sẽ được giữ lại để nhân giống, bảo tồn nguồn gen tốt (múi dày, cơm vàng, vị ngọt thanh, thơm nồng...). Mít hiện là cây trồng mang lại thu nhập cao hơn so với rau màu và cây lương thực. So với cây bưởi, những năm gần đây giá xuống thấp thì cây mít cho hiệu quả kinh tế tương đối tốt.

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Phúc Thọ Khuất Thị Phương, địa phương nằm trong vùng đất màu mỡ được bồi đắp phù sa bởi 3 con sông lớn: Hồng, Đáy, Tích, những năm gần đây, huyện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, trong đó, cây mít được đặc biệt chú trọng. Tính đến nay, toàn huyện có hơn 54ha trồng mít, trong đó 42ha đang cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 18,5 tấn/ha, sản lượng khoảng 786 tấn. Các giống chủ lực, gồm: Mít dai, mít Thái, mít tố nữ, mít mật, thu nhập trung bình 400 triệu đồng/ha - con số ấn tượng đối với sản xuất nông nghiệp hiện nay. Cây mít được trồng tập trung tại các xã: Nam Hà, Vân Phúc, Hát Môn, Tam Thuấn… đang ngày càng mở rộng nhờ hiệu quả kinh tế vượt trội.

Xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững

Mặc dù trồng mít ít sâu bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc, nhưng cũng có hạn chế, đó là khó bảo quản quả chín. Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hà Lê Mạnh Cường cho biết: "Mít chín rộ trong thời gian ngắn, không bảo quản được lâu, đầu ra còn phụ thuộc thương lái; nhiều thời điểm tiêu thụ khó khăn, giá bấp bênh. Chúng tôi mong muốn xây dựng được các chuỗi liên kết để hỗ trợ nông dân. Xa hơn, chúng tôi dự tính xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, làm cơ sở nâng cao chất lượng và giá trị cho cây mít".

mit-nam-ha-phuc-tho-1.jpg.jpg
Vườn mít của gia đình bà Bùi Thị Quý ở thôn 3, xã Nam Hà, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Minh Tuyết

Thấy rõ tiềm năng từ cây mít, huyện Phúc Thọ định hướng phát triển vùng chuyên canh gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Chính quyền xã Nam Hà và huyện bắt đầu các bước đăng ký cây đầu dòng, bảo tồn nguồn gen mít bản địa, đồng thời xây dựng vùng trồng đạt chuẩn VietGAP. Theo bà Khuất Thị Phương, huyện Phúc Thọ đã kiểm tra, rà soát diện tích trồng mít và đánh giá hiệu quả của cây trồng. Huyện xác định mít là một trong những cây trồng chủ lực giai đoạn 2025-2030, sẽ từng bước hỗ trợ nông dân về giống, kỹ thuật, mở rộng diện tích canh tác theo quy trình chuẩn; đồng thời kết nối với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm ổn định, lâu dài.

Cùng với đó, Phúc Thọ tích cực khuyến khích người dân tham gia liên kết sản xuất, chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm từ mít. Đây là hướng đi cần thiết để nâng cao giá trị gia tăng, ngoài dùng trực tiếp, mít có thể trở thành nguyên liệu cho sản phẩm chế biến như mít sấy, mít đóng hộp, mứt mít…

Nhạy bén trong tư duy sản xuất và trong bối cảnh giá vật tư tăng cao, thời tiết diễn biến khó lường, mít trở thành cây trồng mang lại cuộc sống khấm khá cho hàng trăm hộ dân Phúc Thọ. Câu chuyện về cây mít vùng ven đô này là minh chứng cho tinh thần đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, gợi ý giá trị trong chiến lược tái cơ cấu nông nghiệp Thủ đô theo hướng hiệu quả, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu...