Môi trường

Phát triển sản xuất xanh:Cần các doanh nghiệp chủ động vào cuộc

Thanh Hiền 25/05/2025 - 06:12

Giảm phát thải, chuyển đổi sang các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường là những giải pháp đang được nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội áp dụng. Đây là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp được tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Do vậy, các doanh nghiệp cần chủ động vào cuộc mạnh mẽ hơn trong thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất xanh.

det-may.jpg
Dây chuyền sản xuất hàng may mặc tại Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội.

Lựa chọn tất yếu

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH một thành viên Musa Pacta (doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường từ cây chuối) Bùi Khánh Dũng cho biết, sau khi thu hoạch, quả, thân chuối sẽ được doanh nghiệp thu gom và chế biến thành các sản phẩm sợi. Phần bã và nước cũng được chế biến thành phân hữu cơ. Tận dụng các phế phẩm nông nghiệp để sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, Musa Pacta không chỉ tạo việc làm cho người dân mà còn hướng tới chinh phục các thị trường tỷ USD.

Thị trường sợi chuối thế giới đã hình thành và phát triển khoảng 15-20 năm nay. Theo các báo cáo nghiên cứu thị trường của các hãng nghiên cứu lớn trên thế giới như Euromonitor, tốc độ tăng trưởng của thị trường này trong 10 năm qua dao động từ 16% đến 30% mỗi năm. Đây là một thị trường sôi động, phát triển liên tục, doanh thu hàng tỷ USD. Trong đó, những quốc gia xuất khẩu sợi chuối thô hàng đầu thế giới gồm: Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc.

Theo ông Bùi Khánh Dũng, từ sợi chuối, công ty đã sản xuất ra các sản phẩm như: Túi, giỏ, sọt, làn, khay, thảm, dép... với nhiều kiểu dáng độc đáo. Thậm chí, những mảnh sợi vụn được tận dụng để ép thành giấy làm đèn lồng hoặc giấy vẽ. Công ty nghiên cứu và đã có các sản phẩm mẫu như miến từ củ chuối, bột từ quả chuối, bông, vải từ sợi chuối. Theo tính toán sơ bộ, nếu tận dụng toàn bộ cây chuối thay vì chỉ thu hoạch quả, giá trị kinh tế có thể tăng gấp 2,5 lần.

Tương tự, trước sự tác động tiêu cực của "thời trang nhanh" đến môi trường, hàng loạt nhãn hàng nổi tiếng đã cam kết sử dụng một phần sợi tái chế trong các sản phẩm của mình. Từ đó hướng đến cuộc cách mạng từ "thời trang nhanh" sang "thời trang xanh". Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang cho biết, ngành Dệt may Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 chuyển đổi xanh hóa, đồng thời xây dựng 30 thương hiệu mang tầm quốc tế.

Với mục tiêu này, nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng thời trang đã và đang đầu tư cho quá trình xanh hóa sản xuất, xanh hóa sản phẩm. Có thể kể tới như nhãn hàng V-SixtyFour được sáng lập bởi Giám đốc điều hành Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VITAJEANS) Phạm Văn Việt. Theo đó, các sản phẩm của thương hiệu này ngoài tính thời trang còn tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường và nguồn nguyên liệu được xử lý bằng các công nghệ tiên tiến trên thế giới như: Laser, nhuộm khô và ozone...

Hay với Công ty cổ phần Kết nối thời trang (Faslink), doanh nghiệp này đã dày công nghiên cứu và cho ra mắt thị trường nhiều nguyên liệu thân thiện môi trường như chất liệu sinh thái (vải sợi sen, sợi bạc hà...), chất liệu tái chế (sợi vải làm từ bã cà phê, vỏ chai nhựa…), chất liệu tính năng (vải sợi tre than đá…).

Quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp

Những năm qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm và chỉ đạo Sở Công Thương cùng các sở, ban, ngành tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ, đồng hành với các doanh nghiệp, người tiêu dùng trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Trong đó, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức nhiều chuỗi kết nối sản xuất - tiêu dùng bền vững theo từng lĩnh vực như: Ngành sơn mài, mây tre đan, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, ngành chế biến nông sản, gốm sứ, dệt may - thời trang, điện tử - đồ gia dụng...

Qua đó hình thành nên mạng lưới liên kết sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn Thủ đô. Những chương trình, hoạt động này đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong cộng đồng về hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đồng thời, gắn kết các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường, từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Văn phòng Chính phủ) Phạm Thị Ngọc Thủy, chuyển đổi xanh là bài toán khó và rất thách thức với các doanh nghiệp. Để thực hiện tốt việc này, rất cần thông tin, sự hiểu biết nhận thức đầy đủ cũng như rất cần nguồn lực tài chính và con người.

Do đó, doanh nghiệp cần liên tục quan sát đánh giá thị trường, đối tác quốc tế để nắm bắt được những thay đổi gia tăng các yếu tố bền vững, bộ tiêu chuẩn được sử dụng để đánh giá và đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và tác động của một doanh nghiệp đến cộng đồng (ESG) trong các quy định pháp lý cũng như hợp đồng để tuân thủ. Các doanh nghiệp cũng cần lưu ý, những quy định này thường xuyên biến động, do đó doanh nghiệp phải rất chủ động trong nâng cao nhận thức, tìm hiểu thông tin. Ngoài ra, rất cần sự hợp tác kết nối giữa các doanh nghiệp trong ngành, lĩnh vực và từ các bạn hàng.

Bên cạnh sự chủ động vào cuộc của chủ doanh nghiệp, các doanh nghiệp cũng cần thúc đẩy sáng kiến từ đội ngũ nhân sự, xây dựng văn hóa phát triển bền vững và tận dụng hiệu quả nội lực để khai thác cơ hội từ quá trình chuyển đổi xanh.

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) Hoàng Minh Lâm khẳng định, thành phố Hà Nội luôn tích cực, chủ động hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tự hủy, tái sử dụng và các sản phẩm thân thiện với môi trường, hướng tới phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế xanh của Thủ đô.