Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương để lại dấu ấn sâu sắc trên nhiều lĩnh vực
Những đóng góp của đồng chí Trần Đức Lương đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hết sức to lớn và sâu sắc, trải dài trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong giai đoạn then chốt của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.
Dấu ấn định hình dòng chảy năng lượng quốc gia
Trong 88 năm cuộc đời, 65 năm tuổi Đảng và hơn 50 năm hoạt động cách mạng, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã có những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đặc biệt là trong khoảng 2 thập niên đầu của thời kỳ đổi mới đất nước. Dấu ấn của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương để lại trên nhiều lĩnh vực trước hết và nổi bật về kinh tế - xã hội.

Nhắc đến nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, cán bộ, nhân viên ngành Dầu khí luôn bày tỏ sự biết ơn sâu sắc vì những đóng góp xây dựng ngành cả về đầu tư cho con người và cơ sở vật chất từ khi đồng chí là Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất đầu tiên.
Tư liệu ngành Dầu khí cho biết, một trong những quyết định quan trọng nhất của Đảng, Nhà nước cũng như cá nhân nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đối với sự phát triển của lĩnh vực dầu khí là dự án xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Đồng chí Trần Đức Lương từng chia sẻ rằng đây là một quyết định được cân nhắc kỹ lưỡng, từ việc đấu thầu chọn nhà đầu tư đến việc lựa chọn địa điểm xây dựng. Trong các phương án được cân nhắc, Dung Quất (Quảng Ngãi) được lựa chọn dựa trên kết quả khảo sát, đánh giá tác động giao thông, môi trường và các điều kiện kỹ thuật nhằm bảo đảm đồng thời các yêu cầu kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương còn là người trực tiếp chỉ đạo quyết định đầu tư xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ vào bờ. Đây được coi là quyết định hết sức táo bạo, góp phần hình thành cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Phú Mỹ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Bộ, đánh dấu bước trưởng thành của ngành Dầu khí.
Đối với sự phát triển của ngành Điện, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một trong những người có đóng góp đặc biệt quan trọng, nhất là với mảng thủy điện. Hình ảnh đồng chí Trần Đức Lương giản dị, gần gũi trong những chuyến kiểm tra và động viên cán bộ, nhân viên trên các công trường thủy điện vẫn mãi được nhắc tới.
Theo Anh hùng Lao động, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng Thái Phụng Nê, đồng chí Trần Đức Lương có công lao lớn trong quá trình xây dựng Thủy điện Hòa Bình. Không chỉ có nhiều ý kiến quan trọng góp phần triển khai thực hiện thành công dự án, trong quá trình xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, với vai trò là Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất (sau là Tổng cục Mỏ - Địa chất), đồng chí Trần Đức Lương còn trực tiếp nhiều lần lên công trường để kiểm tra tình hình, tiến độ dự án.
Sau này, đồng chí Trần Đức Lương tiếp tục tham gia vào các quyết sách xây dựng thủy điện trên bậc thang Sông Đà (những năm 1995 - 2000). Nguyên Chủ tịch nước còn trực tiếp đến thăm, động viên cán bộ, công nhân viên trên các công trình thi công thủy điện như Yaly, hay thăm động viên bà con nhân dân ở khu tái định cư phục vụ xây dựng thủy điện Sơn La...
Cùng với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đồng chí Trần Đức Lương còn có những đóng góp xuất sắc trong việc hiện thực hóa khát vọng hình thành dòng chảy năng lượng điện quốc gia. Đó là việc triển khai thực hiện dự án xây dựng đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1, một kỳ tích của ngành Điện lực Việt Nam.
Đồng chí Trần Đức Lương không chỉ tham gia phê duyệt chủ trương, mà còn là người trực tiếp xuống công trường kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ thi công, động viên cán bộ, công nhân trên công trường, lắng nghe ý kiến và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Đồng chí Trần Đức Lương còn là người chỉ đạo việc đấu thầu quốc tế mua sắm thiết bị cho dự án đường dây mạch 1 bảo đảm công khai, minh bạch và chọn được nhà thầu uy tín, chất lượng. Khi đường dây 500kV mạch 2 được xây dựng, trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Trần Đức Lương tiếp tục dành thời gian quan tâm, chỉ đạo, góp phần đưa dự án về đích.
Không chỉ có ảnh hưởng lớn đối với các ngành năng lượng, với tầm nhìn chiến lược và sự kiên định với đường lối đổi mới, đồng chí Trần Đức Lương đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng và Nhà nước đưa ra nhiều quyết sách táo bạo, đột phá về phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí đã ủng hộ mạnh mẽ việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đa dạng hóa các thành phần kinh tế, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Nhiều chính sách quan trọng về đất đai, tài chính, ngân hàng được ban hành trong thời kỳ đồng chí công tác đã tạo hành lang pháp lý vững chắc, thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp, khu chế xuất, các ngành kinh tế như dệt may, da giày... đã góp phần nâng cao đời sống vật chất của nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo và tạo việc làm cho hàng triệu lao động.
Dấu ấn ngoại giao, nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương để lại dấu ấn đậm nét trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của đất nước. Trong hai nhiệm kỳ trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Trần Đức Lương đã tích cực triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Đồng chí đã thực hiện hàng loạt chuyến thăm cấp nhà nước đến các quốc gia trên thế giới, từ các nước lớn đến các nước láng giềng, các đối tác truyền thống và các đối tác mới tiêu biểu, như: Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Triều Tiên, Brazil, Nam Phi, Pháp...
Những chuyến công du của Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong hai nhiệm kỳ từ năm 1997 đến năm 2006 không chỉ tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa và giáo dục.

Đồng chí Trần Đức Lương cùng với lãnh đạo Đảng, Nhà nước quyết liệt chỉ đạo đưa Việt Nam tham gia tích cực vào các diễn đàn quốc tế và khu vực như ASEAN, APEC, ASEM, Liên hợp quốc hay Cộng đồng Pháp ngữ..., góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007, dù diễn ra sau khi đồng chí kết thúc nhiệm kỳ, nhưng có thể nói, quá trình chuẩn bị và đàm phán quan trọng đã được đẩy mạnh dưới sự chỉ đạo của các nhà lãnh đạo tiền nhiệm, trong đó, có đồng chí Trần Đức Lương. Sự kiện này đã mở ra một kỷ nguyên mới cho nền kinh tế Việt Nam, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
Dù tập trung nhiều vào phát triển kinh tế và đối ngoại, song đồng chí Trần Đức Lương vẫn luôn quan tâm sâu sắc đến nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh (khóa X, khóa XI), đồng chí đã chỉ đạo tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định là yếu tố tiên quyết để phát triển kinh tế. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Nhắc đến nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, chúng ta còn phải ghi nhớ đóng góp của đồng chí trong công tác thi đua - khen thưởng với dấu ấn thành công của Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ nhất thời kỳ đổi mới (năm 2000); hay trong công tác đặc xá, một chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Với những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng - huân chương cao quý nhất của Nhà nước cùng Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương, phần thưởng, danh hiệu cao quý khác.
Sau khi về hưu, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương sống cùng gia đình ở căn nhà ở quận Ba Đình. Hai vợ chồng đồng chí vẫn giữ nếp sinh hoạt giản dị có lẽ từ thời bao cấp. Không ít lần khách ghé thăm, bất ngờ khi chứng kiến phu nhân nguyên Chủ tịch nước vẫn tự tay nấu nước pha trà mời khách. Cách nói chuyện của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và phu nhân luôn vô cùng nhẹ nhàng, gần gũi, khiến ai cũng cảm thấy sự nồng hậu, chân thành và ấm áp.
* * *
Đồng chí Trần Đức Lương từ trần hồi 22h51 ngày 20-5-2025 (tức ngày 23 tháng Tư năm Ất Tỵ), tại nhà riêng, hưởng thọ 88 tuổi. Thông cáo đặc biệt của Trung ương về Lễ quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương được phát đi ngày 22-5 nêu rõ: “Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân ta và gia quyến đồng chí”.
Lễ tang đồng chí Trần Đức Lương được tổ chức theo nghi thức Lễ Quốc tang. Linh cữu đồng chí được quàn tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội. Lễ viếng đồng chí Trần Đức Lương được tổ chức cùng địa điểm trên, bắt đầu từ 7h ngày 24-5-2025 đến 7h ngày 25-5-2025.
Lễ truy điệu đồng chí Trần Đức Lương được tổ chức trọng thể lúc 7h ngày 25-5-2025 tại Nhà tang lễ quốc gia. Lễ an táng lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang quê nhà, xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
Cùng thời gian này, tại Hội trường Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh và tại Hội trường T50, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi (số 142 Lê Trung Đình, thành phố Quảng Ngãi) cũng diễn ra Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Trần Đức Lương.
Trong hai ngày diễn ra Lễ Quốc tang đồng chí Trần Đức Lương, các cơ quan, công sở, nơi công cộng treo cờ rủ, không tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí.
Đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, sinh ngày 5-5-1937; quê quán xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ (nay là thị xã Đức Phổ), tỉnh Quảng Ngãi; thường trú tại số nhà 298, phố Vạn Phúc, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Đồng chí tham gia cách mạng từ tháng 2-1955; vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 19-12-1959. Đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII, VIII, IX; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII, IX; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng từ tháng 2-1987 đến tháng 9-1992; Phó Thủ tướng Chính phủ từ tháng 10-1992 đến tháng 8-1997; Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, khóa X, khóa XI; đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII, X, XI.