Chuyển đổi số

Cơ hội và thách thức với báo chí trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo

Hương Ly 23/05/2025 - 13:54

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang từng bước định hình lại phương thức sản xuất, phân phối và tiếp nhận thông tin trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, báo chí - truyền thông Việt Nam đứng trước cả cơ hội lẫn thách thức to lớn.

hv-chu-tri-.jpg
Các đồng chí lãnh lãnh đạo chủ trì hội thảo. Ảnh: Nguyên Anh

Sáng 23-5, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức Hội thảo quốc tế “Báo chí - truyền thông trong bối cảnh AI phát triển”.

Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS Lê Hải Bình, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS.TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cùng nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Lê Hải Bình nhấn mạnh: AI đang làm thay đổi sâu sắc cách thức tiếp cận, sản xuất và phân phối thông tin. Trong bối cảnh đó, báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, kiên định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần định hướng dư luận xã hội.

hv-a-binh-.jpg
PGS.TS Lê Hải Bình phát biểu khai mạc. Ảnh: Nguyên Anh

Thứ trưởng Lê Hải Bình đề xuất 3 định hướng chiến lược: Hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến ứng dụng AI trong báo chí; hỗ trợ các cơ quan báo chí trong chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới; nâng cao năng lực số và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo. Đặc biệt, ông Lê Hải Bình cũng nhấn mạnh vai trò then chốt của các cơ sở đào tạo trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực có khả năng làm chủ công nghệ mà không xa rời giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Sơn khẳng định, sự phát triển của AI là tất yếu và mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, việc làm chủ AI không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà còn phải gắn liền với bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của người làm báo. Từ thực tế này, Học viện Báo chí và Tuyên truyền sẽ sớm có đánh giá toàn diện về những tác động của AI, từ đó đề xuất lãnh đạo cấp cao các giải pháp chiến lược trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí truyền thông.

Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam Lee Byung Hwa cũng cho biết sẽ tiếp tục đồng hành với Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong việc nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên, nhà báo, đáp ứng yêu cầu hội nhập và chuyển đổi số.

Hội thảo đã diễn ra sôi nổi với hai phiên thảo luận chuyên đề, quy tụ nhiều ý kiến tâm huyết từ các chuyên gia, nhà khoa học. Các tham luận tập trung phân tích 4 nhóm vấn đề lớn: Cơ sở lý luận và thực tiễn về tác động của AI đối với báo chí - truyền thông; Cơ hội và thách thức trong việc ứng dụng AI; Giải pháp chiến lược về chính sách, đào tạo, công nghệ và hợp tác quốc tế; Vai trò nòng cốt của các cơ sở đào tạo trong việc xây dựng nguồn nhân lực báo chí chất lượng cao.

hv-luu-niem-.jpg
Các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự hội nghị. Ảnh: Nguyên Anh

Nhiều tham luận đã nhấn mạnh việc sử dụng AI như một “đồng nghiệp mới” trong quy trình sản xuất báo chí - từ gợi ý nội dung, biên tập ảnh, thiết kế đồ họa cho tới tối ưu hóa phân phối tin tức. Tuy nhiên, cũng có cảnh báo về việc AI có thể bị lạm dụng để sản xuất tin giả, xâm phạm quyền riêng tư hoặc gây nhiễu thông tin xã hội.

Trước những thách thức đó, các chuyên gia, nhà khoa học cũng thống nhất quan điểm: Cần có lộ trình cụ thể để ứng dụng AI một cách có kiểm soát, dựa trên nền tảng đạo đức, pháp lý và định hướng chính trị. Hội thảo cũng khẳng định, báo chí cách mạng Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc cách mạng công nghệ, nhưng càng không được đánh mất sứ mệnh chính trị - xã hội của mình để vững vàng tiến bước trong kỷ nguyên số.