Giáo dục

Hỗ trợ học phí giáo dục phổ thông, phổ cập giáo dục mầm non:Chính sách nhân văn, tạo công bằng trong tiếp cận giáo dục

Tiến Thành 23/05/2025 - 06:50

Tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, trong phiên thảo luận tổ về hai dự thảo nghị quyết của Quốc hội, diễn ra chiều 22-5, các đại biểu Quốc hội nhận định, các chính sách hỗ trợ học phí giáo dục phổ thông, phổ cập giáo dục mầm non đã thể hiện tính nhân văn, sự ưu việt của chế độ, đồng thời khuyến khích phát triển giáo dục, tăng cường xã hội hóa giáo dục.

anh-tri.jpg
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Đỗ Trung

Bảo đảm nguồn lực thực hiện hiệu quả chính sách

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân quy định miễn, hỗ trợ đóng học phí gồm: Trẻ em mầm non dưới 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục; học sinh trung học phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục.

Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, sẽ tập trung hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi trên phạm vi toàn quốc vào năm 2030.

Thảo luận tại tổ, các đại biểu chung nhận định, các chính sách nêu trên đã thể hiện tính nhân văn, sự ưu việt của chế độ, bảo đảm tính thực thi thống nhất trong chính sách, công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Phát biểu góp ý trao đổi thêm để thuận lợi và khả thi hơn khi triển khai chính sách, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, việc xác định đối tượng, phạm vi, mức hỗ trợ, cũng như phương thức chi trả cần có hướng dẫn cụ thể, tránh tình trạng dàn trải, thất thoát, hay trục lợi chính sách.

Còn đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội) và đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng, cần chú trọng kiểm soát các khoản thu khác ngoài học phí khi áp dụng miễn học phí.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn chặt chẽ về danh mục và mức trần các khoản thu dịch vụ, thỏa thuận trong nhà trường, kèm cơ chế giám sát bởi phụ huynh và chính quyền địa phương, tránh việc lợi dụng lạm thu các khoản thu khác kể cả trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Như vậy mới bảo đảm học sinh được hưởng chính sách thực chất, chứ không phải miễn một khoản chính thức nhưng lại phát sinh nhiều khoản khác”, đại biểu Nguyễn Thị Hà bày tỏ.

Buổi học thứ hai sẽ được miễn học phí

Phát biểu tại tổ, về ý kiến băn khoăn việc miễn học phí ở các trường công lập có thể khiến lượng học sinh chuyển từ trường tư sang trường công tăng mạnh, dẫn đến nguy cơ quá tải hệ thống trường công, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (Đoàn Hà Nội) cho rằng, tỷ lệ trường công vẫn chiếm số lượng rất cao.

“Đối với các trường ngoài công lập như ở Thủ đô Hà Nội cũng được đầu tư, có uy tín, nhiều trường trong quá trình tuyển sinh hằng năm hồ sơ xếp hàng rất nhiều. Lo ngại về vấn đề này là có cơ sở, nhưng cũng không phải quá lo lắng”, Bộ trưởng nói.

Đối với quy định hỗ trợ học phí cho người học tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, dự thảo Nghị quyết đã quy định HĐND các tỉnh, thành phố xác định mức học phí hỗ trợ cho trường công, thì sẽ hỗ trợ cho học sinh các trường ngoài công lập với mức tương đương, phần chênh lệch thì cha mẹ, phụ huynh, người giám hộ sẽ phải đóng thêm.

Trước băn khoăn các địa phương không tự cân đối được ngân sách thực hiện chính sách miễn học phí, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin, hiện nay cả nước đã có 10 tỉnh, thành phố, địa phương thực hiện miễn học phí. Đối với các địa phương chưa tự cân đối được, ngân sách của Trung ương sẽ cấp bù.

“Trong thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Đảng ủy Chính phủ, các ban, bộ, ngành về chuẩn bị Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá giáo dục, đào tạo và một số chủ trương hỗ trợ dạy và học có nội dung lên phương án tổ chức buổi học thứ hai cho học sinh trong nhà trường. Bộ sẽ chuẩn bị phương án để tổ chức buổi dạy thứ hai trong nhà trường với tinh thần không được thu bất kỳ chi phí, học phí nào từ phía người học, triển khai bắt đầu từ năm học mới sắp tới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Phát biểu thảo luận tại tổ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thành phố Hà Nội rất quan tâm từ kinh phí, ngân sách cho đến việc thực hiện các nội dung liên quan. HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành các nội dung liên quan đến miễn, giảm học phí. Theo báo cáo, tổng số tiền miễn, giảm học phí hiện nay là khoảng 800 tỷ đồng. Nếu thực hiện theo phương án mới, dự kiến thành phố Hà Nội sẽ cần khoảng 1.800 tỷ đồng, trong đó sẽ phải bù thêm khoảng 1.000 tỷ đồng.

“Tôi thấy lần này, chính sách hỗ trợ không chỉ áp dụng với các trường công lập mà còn cả trường dân lập và tư thục, hướng đến chi trả trực tiếp cho người học là nội dung phù hợp. Thành phố Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu triển khai sớm nội dung này”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nói.

Ngoài ra, Chủ tịch HĐND thành phố cho biết, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã giao thêm nhiệm vụ cho thành phố tiếp tục nghiên cứu chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh. Thành phố Hà Nội đã và đang xác định rõ trách nhiệm, chủ động, bài bản trong quá trình chuẩn bị và thực hiện.

Giúp người dân giảm gánh nặng kinh tế, yên tâm gửi con tới trường học

Ngày 22-5, tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội thảo luận ở tổ về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông; phổ cập giáo dục mầm non.

Về chính sách này, nhiều cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh cho rằng, đây là những quyết sách hợp lòng dân, giúp người dân giảm gánh nặng kinh tế, yên tâm gửi con tới trường học...

Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam Nguyễn Tùng Lâm: Chủ trương “giáo dục là quốc sách hàng đầu” đang được cụ thể bằng các quyết sách nhân văn và hợp lòng dân. Các quyết sách quan trọng này là tiền đề để hiện đại hóa, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp đất nước bứt phá trong giai đoạn mới.

Người dân đã và đang được Đảng, Nhà nước quan tâm đến đời sống bằng những quyết sách cụ thể, thiết thực, đó là con em họ đi học từ cấp mầm non đến hết lớp 12 đều sẽ được miễn học phí. Với quyết tâm áp dụng ngay từ năm học mới 2025-2026, quyết sách giảm học phí cho học sinh từ mầm non đến hết lớp 12 làm cho người dân cảm nhận được sự hạnh phúc đang đến rất gần, từ đó tạo được niềm tin đối với công cuộc đổi mới.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Thị Vân Hồng: Chính sách miễn học phí đối với học sinh mầm non, phổ thông trên cả nước được nhân dân rất mong chờ, cũng là niềm vui đối với đội ngũ nhà giáo chúng tôi, bởi quyết sách này giúp người dân giảm gánh nặng kinh tế, yên tâm gửi con tới trường học.

Dù thuộc quận nội thành nhưng số lượng học sinh khó khăn của trường hằng năm chiếm khoảng 10%. Để giảm gánh nặng cho gia đình và giúp học sinh khó khăn yên tâm học tập, các thầy, cô giáo của trường đã chung sức hỗ trợ để đóng học phí cho các em. Với chính sách miễn học phí của Nhà nước, phụ huynh học sinh yên tâm, tự tin hơn khi gửi con tới trường.

Bà Nguyễn Thu Phương, phụ huynh học sinh lớp 10 Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm (quận Bắc Từ Liêm): Tôi được biết ngoài diện được miễn, giảm, hỗ trợ không phải đóng học phí đã được pháp luật quy định, trẻ em mầm non dưới 5 tuổi, học sinh trung học phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục cũng sẽ được hỗ trợ học phí.

Như vậy, nếu chính sách mới được ban hành, học sinh mầm non, phổ thông trường tư thục, dân lập cũng sẽ được hỗ trợ học phí như học sinh theo học các trường công lập. Sự hỗ trợ này rất ý nghĩa, thể hiện sự cam kết bảo đảm thực hiện quyền bình đẳng trong học tập của mọi học sinh, dù các em theo học ở loại hình trường nào.

Thống Nhất