Chính trị

Tiếp tục đóng góp nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013

Minh Thúy 23/05/2025 09:26

Với tinh thần trách nhiệm đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Báo Hànộimới xin tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc một số ý kiến, phân tích tâm huyết về nội dung này.

Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội) Phạm Ngọc Thảo:
Nên quy định đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân

pham-ngoc-thao.jpg
Ông Phạm Ngọc Thảo. Ảnh: CT

Theo tôi, với Điều 110 về xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, đề nghị giữ nguyên quy định “phải lấy ý kiến nhân dân địa phương”, vì điều này liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Đồng thời, đây cũng là quyền dân chủ của nhân dân, được quy định trong Hiến pháp. Mặt khác, dân chủ đã, đang và sẽ là xu thế tất yếu của thế giới và thời đại.

Đặc biệt, với dự thảo tại Điều 115, theo quy định mới, chính quyền địa phương chỉ có 2 cấp là tỉnh và xã. Cấp xã không có Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân. Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn nên quy định đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân vì hai lẽ.

Thứ nhất, đại biểu HĐND là đại diện của nhân dân, được nhân dân bầu ra để đại diện cho mình. Vì vậy, đại biểu HĐND có quyền nói tiếng nói của người dân, được chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân.

Thứ hai, các vụ án xảy ra ở các địa phương liên quan đến người dân; người dân và đại biểu cần có tiếng nói trong lĩnh vực Tư pháp. Nếu quy định đại biểu HĐND không có quyền chất vấn thì vô hình trung đã tước đi quyền của đại biểu.

Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội:
Nhất trí với quy định chỉ định chức danh lãnh đạo

dao-ngoc-chuyen.jpg
Luật sư Đào Ngọc Chuyền. Ảnh: CT

Về chỉ định chức danh lãnh đạo sau khi sáp nhập tỉnh, tôi nhất trí với nội dung Điều 2 Dự thảo Nghị quyết. Ngoài quy mô rất lớn, mang tính toàn quốc của việc sáp nhập tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, chúng ta còn kết hợp thực hiện chủ trương lớn của Đảng về việc không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện. Trong điều kiện tổ chức bộ máy có sự thay đổi, biến động lớn như vậy, thời gian còn lại của nhiệm kỳ HĐND chỉ còn rất ngắn, đại biểu HĐND ở các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp được tập hợp từ nhiều đơn vị hành chính trước đó nên khó có điều kiện nhận biết, đánh giá chính xác về năng lực của đội ngũ cán bộ sau sắp xếp.

Thứ hai, để đáp ứng yêu cầu bố trí, sắp xếp cán bộ, đặc biệt cán bộ đang công tác ở cấp huyện đến làm việc ở cơ quan mới tại cấp tỉnh, cấp xã, khai thác tối đa nguồn nhân lực hiện có, thì việc áp dụng cơ chế chỉ định đối với người giữ chức vụ lãnh đạo ở các cơ quan UBND, HĐND tại các đơn vị thực hiện sắp xếp là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Thứ ba, việc chỉ định, lựa chọn, giới thiệu nhân sự vẫn được tiến hành chặt chẽ, cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ có trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định của Đảng.

Thứ tư, cơ chế chỉ định nhân sự thực hiện trong năm 2025 để phục vụ việc sắp xếp các đơn vị hành chính lần này gắn với nội dung được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp (về việc không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện), còn sau bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 và các năm tiếp theo tiếp tục thực hiện bầu nhân sự theo đúng quy định hiện hành.

Thứ năm, thực tế, Đảng và Nhà nước đã có quá trình thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW (một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả) từ năm 2017. Đặc biệt, gần đây nhất, từ tháng 12-2024, công tác nhân sự được Đảng, Nhà nước thực hiện chu đáo, rõ người, rõ việc, rõ năng lực cán bộ, để sau khi sáp nhập tỉnh, có thể chỉ định các chức danh lãnh đạo (như quy định tại khoản 3 Điều 2 Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013).

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh:
Việc sửa đổi Hiến pháp là cần thiết và phù hợp

nguyen-huy-khanh(1).jpg
Ông Nguyễn Huy Khánh. Ảnh: CT

Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị tập trung thực hiện, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả thì việc sửa đổi Hiến pháp để tạo hành lang pháp lý là cần thiết và phù hợp, đặc biệt là mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Dự thảo được xây dựng kỹ lưỡng, khoa học, vừa bao quát toàn diện, vừa cụ thể, thiết thực và tập trung vào các vấn đề trọng tâm cần sửa đổi.

Về quy định đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam tại Điều 10, việc sửa đổi, bổ sung về Công đoàn Việt Nam không chỉ tái khẳng định vị trí, vai trò của Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và người lao động, trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mà còn bổ sung một nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế: Là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về Công đoàn.

Điều này có ý nghĩa to lớn trong việc khẳng định vị thế không thể thay thế của Công đoàn Việt Nam, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của đoàn viên và người lao động trước những thách thức mới.

Bên cạnh đó, để nội dung Điều 10 được gọn hơn nhưng vẫn bảo đảm về mặt kỹ thuật lập pháp, đề nghị cân nhắc không lặp lại cụm từ "trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam" vì nội dung này đã được thể hiện trong Điều 9 cùng với việc Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác đều "trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam".

Sự điều chỉnh về quyền trình dự án luật, pháp lệnh tại Điều 84, theo hướng tập trung quyền này vào Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (thay vì cả các cơ quan Trung ương của tổ chức thành viên như trước) cũng là một hệ quả logic, phù hợp với mô hình tổ chức tinh gọn sau sắp xếp, bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả trong công tác xây dựng pháp luật.