Chính trị

Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền

Bạch Thanh 22/05/2025 - 16:52

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và hướng dẫn của các cơ quan chức năng, thời gian qua, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động để lấy ý kiến góp ý của cán bộ, hội viên, nông dân Thủ đô đối với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Tại các hội nghị góp ý, nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm đã được nêu lên, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của giai cấp nông dân Hà Nội đến vấn đề chính trị - pháp lý quan trọng của đất nước.

hnd1.jpg
Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 đang được cán bộ, hội viên, nông dân Hà Nội quan tâm, ủng hộ. Trong ảnh: Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Phạm Hải Hoa thăm mô hình trồng hoa tại huyện Đan Phượng. Ảnh: Sơn Tùng

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm Chu Anh Tuấn thông tin: “Chúng tôi đã tổ chức lấy ý kiến từ cơ sở đến huyện và nhận được 738 ý kiến đóng góp. Đáng chú ý, có tới 691 ý kiến (chiếm 93,76%) tập trung góp ý vào Điều 9 của Hiến pháp”. Theo ông Chu Anh Tuấn, hầu hết ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình cao với nội dung sửa đổi Điều 9, nhất là việc mở rộng Khoản 2 quy định rõ các tổ chức chính trị - xã hội, như: Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh là các tổ chức “được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận…; cùng với các tổ chức thành viên khác hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.

hnd.jpg
Hội Nông dân huyện Thạch Thất xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả cao. Ảnh: Minh Họa

Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến đề nghị làm rõ hơn cụm từ “trực thuộc Mặt trận”, đặc biệt về nguyên tắc tổ chức và mối quan hệ giữa các tổ chức chính trị - xã hội với Mặt trận, để tránh hiểu nhầm về tính tự chủ, độc lập trong hoạt động của các tổ chức thành viên.

Một nội dung khác cũng được các hội viên quan tâm là Khoản 3, Điều 110 của Hiến pháp. Ông Chu Anh Tuấn kiến nghị không nên bỏ cụm từ “phải lấy ý kiến nhân dân” khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, nhằm bảo đảm phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, huy động trí tuệ tập thể và tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Hùng khẳng định: “Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 là một quyết sách quan trọng, tạo nền tảng pháp lý cho việc xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho nhân dân và mở ra dư địa phát triển mới trong bối cảnh đất nước đang phát triển mạnh mẽ”.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Hùng, việc Quốc hội khóa XV xem xét sửa đổi Hiến pháp thể hiện sự nhạy bén và quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước trong việc thể chế hóa các yêu cầu cấp bách từ thực tiễn. Đây không chỉ là điều chỉnh về mặt tổ chức bộ máy, mà còn là bước đi chiến lược để tiết kiệm nguồn lực, cải thiện hiệu quả quản lý và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời đại mới.

Một điểm được cán bộ, hội viên đặc biệt quan tâm là việc Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 giữ nguyên tên gọi “Hội Nông dân Việt Nam” tại Điều 9. “Việc giữ nguyên tên gọi này thể hiện sự trân trọng đối với lịch sử phát triển của tổ chức Hội và khẳng định vai trò không thể thay thế của giai cấp nông dân trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đóng góp cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.

hnd2.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Hà Nội Nguyễn Nguyên Hùng. Ảnh: Thu Hà

Còn theo Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa, việc Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tiếp tục khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Hội Nông dân Việt Nam là sự ghi nhận xứng đáng những đóng góp to lớn của các tổ chức này đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhằm bảo đảm việc góp ý sâu rộng, thiết thực và hiệu quả, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều hình thức lấy ý kiến. Tăng cường tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, nội dung sửa đổi Hiến pháp trên hệ thống truyền thông, website và Fanpage chính thức của Hội. Tổ chức hội nghị chuyên đề, tạo diễn đàn để cán bộ, hội viên thảo luận, phản biện về nội dung sửa đổi. Tiếp nhận ý kiến bằng văn bản, thư điện tử, hình thức trực tuyến, hướng dẫn hội viên nông dân đóng góp ý kiến qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ và ứng dụng VNeID. Lồng ghép nội dung góp ý vào sinh hoạt thường kỳ, bảo đảm mọi hội viên đều có cơ hội bày tỏ quan điểm.