Câu chuyện âm nhạc: Vang mãi khúc ca ''Hànộimới''
Giải trí - Ngày đăng : 15:05, 20/10/2022
Một tuần sau thì đội văn nghệ Báo Hànộimới đi thu thanh và tập để chuẩn bị tham gia Hội thi Giọng hát hay nhà báo thành phố Hà Nội 2006, ông nhiệt tình gửi tôi bản beat đã hòa âm phối khí rất chuẩn mực. Đêm về lẩm nhẩm, thấy ông viết lời và giai điệu để động viên, vinh danh nghề báo và tặng riêng các phóng viên của Hànộimới thật tài tình: “Hànộimới, với tin nhanh đường dây nóng, với tin nhanh là rất chất lượng, tuổi trẻ chúng ta không quản gian khó... vì bạn đọc thân yêu”.
Sáng tác để lột tả niềm vinh quang, tự hào về một nghề nào đó không dễ, nếu không hiểu sâu sắc và tràn đầy một tình yêu con người, nghề nghiệp đó trong trái tim thì bài hát khó mà đi vào lòng người nghe.
Sau này, tìm hiểu thêm tôi mới biết Thế Song là cha đẻ của gần 600 ca khúc gồm nhiều đề tài, thể loại khác nhau trong sự nghiệp sáng tác. Ấn tượng nhất là những ca khúc viết về biển và những người lính đảo. Bên cạnh tác phẩm nổi bật nhất “Nơi đảo xa”, ông còn có nhiều ca khúc khác cùng đề tài như: “Ngôi nhà lính đảo”, “Biển mưa”, “Biển chuyện tình hóa đá”, “Hoa hồng biển đảo”, “Mênh mang Trường Sa”, “Tình em theo cánh sóng”, “Hát từ vùng gió xoáy”, “Hòn mưa”, “Sóng ru”.
Chặng đường mà nhạc sĩ Thế Song gắn bó với nghệ thuật thật đáng tự hào. Ban đầu, ông là diễn viên hát tại Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), rồi ông tự học các môn hòa thanh, phối khí và lý luận âm nhạc để trở thành biên tập viên, đạo diễn cho nhiều chương trình lớn của VOV.
Nói về nhạc sĩ Thế Song, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam từng chia sẻ: “Ông là một người nhạc sĩ với lòng yêu nước nồng nàn. Ông đi nhiều, viết nhiều và để lại tình cảm chân thành qua những sáng tác của mình về miền núi, hải đảo, về những con người bình dị”.
Với tôi, ông là một nhạc sĩ giàu trí tuệ, yêu nghệ thuật đắm say và sống rất hòa đồng. Tôi kính trọng bởi tình yêu cuộc sống, con người và ý thức thâm nhập vào thực tế để có chất liệu hay cho sáng tác. Một nhạc sĩ luôn gắn bó với cội nguồn của âm nhạc dân tộc và tiếp cận nhanh nhạy với với nhịp đập của đời sống xã hội để có tác phẩm hay về nhiều đề tài, nhiều lĩnh vực, ngành, nghề. Bài hát “Khúc ca Hànộimới” của ông, tôi tin rằng sẽ còn vang mãi trong một tòa soạn giàu truyền thống với nhiều thế hệ biên tập viên, phóng viên của Báo Hànộimới.