Giảm tốc độ của các phương tiện lưu thông qua khu vực trường học:Đòi hỏi từ thực tiễn
Tốc độ giao thông khu vực trường học tại một số nơi của Hà Nội đang ở mức cao (40km/h), tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đối với học sinh. Bởi vậy việc hoàn thiện các quy định về tổ chức giao thông và quản lý tốc độ khu vực trường học đang là đòi hỏi cấp thiết đặt ra từ thực tiễn.
Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Đường Dương Văn Bé (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) chỉ dài hơn 1km, bề rộng mặt đường gần 20m nhưng có tới 3 trường học (cụm Trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở Vĩnh Tuy) nằm kề nhau.
“Đường nhỏ hẹp, ô tô, xe máy, xe đạp và người đi bộ lưu thông hỗn hợp, trong khi không ít phương tiện, nhất là người đi xe máy vẫn phóng nhanh, lạng lách, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho trẻ nhỏ. Các phụ huynh phải đưa con vào tận cổng trường mới yên tâm”, anh Nguyễn Việt Dũng (cư dân chung cư Sunshine Garden, đường Dương Văn Bé, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ.
Vào giờ đến lớp hay lúc tan học, nhiều cổng trường trên địa bàn các quận: Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Ba Đình, Tây Hồ… đều rơi vào tình trạng đông đúc, lộn xộn. Trong đó, có rất nhiều khu vực cổng trường hiện còn thiếu biển báo hạn chế tốc độ, gờ giảm tốc và các cảnh báo an toàn, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn, va chạm giao thông.
“Nguy cơ tai nạn lớn hơn với các học sinh tự đi đến trường, trong khi học sinh hiện nay có nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp, thời gian tan học có thể lệch nhau, cổng trường vẫn luôn phải mở để đón hoặc cho học sinh ra về nên càng thêm khó cho việc bảo đảm an toàn”, đại diện Ban Giám hiệu Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) trăn trở.
Cho tới nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa có số liệu thống kê đầy đủ về số vụ tai nạn, va chạm giao thông ở các cổng trường học, nhưng thực tế cho thấy, đây là khu vực tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất lớn. Thực sự là rất đáng báo động khi các phương tiện thường xuyên di chuyển vượt quá giới hạn tốc độ an toàn đối với khu vực trường học.
Sớm hoàn thiện quy định về quản lý tốc độ
Theo kết quả khảo sát, đánh giá của các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô có khoảng 150 vị trí cổng trường học có tình trạng ùn tắc và nguy cơ mất an toàn. Giai đoạn 2023-2024, Sở Giao thông vận tải (nay là Sở Xây dựng) phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đã bổ sung hệ thống báo hiệu đường bộ tại 51 vị trí; cải tạo hạ tầng giao thông tại 53 vị trí; huy động lực lượng hướng dẫn giao thông trong giờ cao điểm học sinh đến và tan trường tại 48 vị trí...
Đặc biệt, được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, 3 cụm trường học gồm: Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm); Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông); cụm Trường học Mầm non Sài Sơn B, Tiểu học Sài Sơn A, Trung học cơ sở Sài Sơn (huyện Quốc Oai) đã triển khai thí điểm mô hình cổng trường an toàn thông qua các giải pháp, như: Làm lối đi bộ nổi cho học sinh sang đường; làm gờ giảm tốc, cắm biển giảm tốc độ cho các phương tiện lưu thông qua khu vực trường học từ 40km/h còn 30km/h; sắp xếp các vị trí đỗ xe, đưa đón học sinh, tổ chức lại giao thông khu vực để tránh xung đột…
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đào Duy Phong thông tin, qua theo dõi, đánh giá, phương tiện tham gia giao thông qua khu vực các trường thí điểm đã giảm tốc độ. Số lượng người đi xe đạp và đi bộ tăng đáng kể, qua đó giảm nguy cơ tai nạn giao thông. Ví dụ, tại khu vực cổng Trường Tiểu học Nguyễn Du, sau khi thí điểm, số lượng học sinh đi bộ tới trường có xu hướng tăng; giảm 19% tốc độ lưu thông của phương tiện; tăng 21% người sử dụng xe đạp hằng ngày; 49% số người được hỏi cảm thấy an toàn. Còn tại cụm trường Xuân Đỉnh, tốc độ phương tiện đã giảm 16% và số người đi bộ qua đường đúng nơi quy định tăng 51%...
Từ kết quả thí điểm này, Hà Nội đang nghiên cứu nhân rộng. Tuy nhiên, những bất cập về hạ tầng, ý thức của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông còn hạn chế trong khi tốc độ gia tăng của phương tiện giao thông cá nhân quá nhanh, càng khiến cho hạ tầng trở nên quá tải.
Theo các chuyên gia giao thông, vi phạm về tốc độ là một trong 5 nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông đường bộ ở Việt Nam. Khi giảm được tốc độ từ 40km/h xuống 30km/h, tỷ lệ tai nạn giao thông có thể giảm sâu. Để có thể nhân rộng mô hình hạn chế tốc độ giao thông xuống dưới 30km/h tại các khu vực trường học rất cần sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo thành phố; sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị liên quan. Cùng với đó, người tham gia giao thông phải dần thay đổi ý thức, hình thành văn hóa giao thông an toàn.
“Tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực cổng trường học vào giờ cao điểm vẫn diễn biến phức tạp, tốc độ giao thông khu vực trường học tại một số nơi hiện đang ở mức cao (40km/h), tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đối với học sinh. Bởi vậy, việc nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về tổ chức giao thông và quản lý tốc độ khu vực trường học đang là đòi hỏi đặt ra từ thực tiễn”, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Lê Kim Thành khẳng định.