Hà Nội kết nối

Hưng Yên: Công dân số góp ý sửa đổi Hiến pháp

Thanh Tú 22/05/2025 - 06:27

Cùng với cả nước, người dân tỉnh Hưng Yên đóng góp ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 suốt nhiều ngày qua trên ứng dụng VNeID với tinh thần sôi nổi và trách nhiệm.

cf937b53-72fe-417c-9777-abe49697d526.jpeg
Lực lượng Công an tỉnh Hưng Yên đặt mục tiêu có ít nhất 90% công dân có tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2 đang hoạt động tham gia ý kiến. Ảnh: Hoàng Linh

"Đi từng ngõ, gõ từng nhà” hướng dẫn người dân

Nhiều ngày nay, người dân sinh sống tại những khu phố sầm uất thuộc phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên đã quen với hình ảnh một nữ chiến sĩ công an “đi từng ngõ, gõ từng nhà” hướng dẫn người dân dùng điện thoại cá nhân để thực hiện quyền công dân góp ý vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. Đó là Thiếu tá Trần Thị Thu Trang, cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh Hưng Yên).

Không chỉ coi việc hướng dẫn người dân sử dụng thành thạo ứng dụng VNeID như nhiệm vụ đơn thuần, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an tỉnh Hưng Yên còn gắn công việc với ý thức công dân trước vận mệnh dân tộc.

Ngoài Thiếu tá Trần Thị Thu Trang, nhiều nữ cán bộ Công an tỉnh Hưng Yên còn tranh thủ các bữa cơm đoàn tụ với gia đình để cùng thảo luận, chia sẻ kiến thức về Hiến pháp, đồng thời sử dụng mạng xã hội để lan tỏa nội dung dự thảo và hướng dẫn cách tham gia góp ý.

Nhiều cán bộ còn chủ động đến từng khu phố, điểm vui chơi công cộng… để tiếp cận, hỗ trợ người dân cách sử dụng VNeID tham gia góp ý, giúp nhóm lao động vốn ít tiếp cận thông tin xã hội được thể hiện tiếng nói công dân.

3d4e315b-0881-48b5-aa67-b9d3e5ce68d9.jpeg
Cán bộ Công an thành phố Hưng Yên hướng dẫn người dân góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp qua VNeID. Ảnh: Hoàng Linh

Xác định giúp người dân góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 qua ứng dụng VNeID là nhiệm vụ quan trọng, ngày 12-5-2025, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên ban hành Kế hoạch số 3220/KH-CAT-PC06 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 thông qua ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID.

Theo đó, Công an tỉnh Hưng Yên đặt mục tiêu sẽ có ít nhất 90% công dân trên địa bàn có tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2 đang hoạt động được tham gia ý kiến đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Cách thức khoa học, linh hoạt, tiết kiệm

Anh Ngô Văn Khánh, công dân khu đô thị Ecopark (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) cho biết, anh đã hoàn thành nghĩa vụ công dân góp ý vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 qua ứng dụng VNeID theo hướng dẫn trên Zalo của tổ dân phố. Sau khi hoàn thành các phần góp ý, anh thông báo lên nhóm dân cư để tập hợp thông báo với chính quyền địa phương.

“Tôi hoàn toàn ủng hộ cách góp ý kiến khoa học, linh hoạt, tiết kiệm được rất nhiều thời gian nhưng vẫn giúp mỗi công dân thực hiện được đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm của mình. Trong quá trình góp ý, tôi đọc kỹ nội dung sửa đổi, bổ sung để hiểu rõ, hiểu kỹ chứ không chỉ đơn giản là bấm nút tán thành”, anh Ngô Văn Khánh trao đổi.

Còn chị Luyện Khánh Linh (thôn Đông Phòng, xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ) bày tỏ, chị đặc biệt quan tâm đến các quy định về mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, sẽ phát huy hiệu quả quản lý, giảm chi phí hành chính và đặc biệt là gần dân, sát dân, giảm chồng chéo, lãng phí nguồn lực như trước đây.

Cả gia đình chị Linh cho rằng, đây là cơ hội để mỗi người phát huy quyền làm chủ, thể hiện trách nhiệm công dân, đóng góp trí tuệ vào việc mở rộng không gian phát triển cho địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

589a2249-c175-4466-afe1-09dd0bd1d7b8.jpeg
Việc góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp qua VNeID thể hiện trách nhiệm của mỗi công dân, mỗi gia đình tại Hưng Yên. Ảnh: Hoàng Linh

Là một trong những địa phương đi đầu về ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số tại Hưng Yên, ở huyện Văn Lâm, việc lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp đang được tổ chức với nhiều hình thức. Người dân được hướng dẫn có thể thực hiện trên ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ hoặc gửi ý kiến bằng văn bản đến các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp ý kiến. Các hình thức đa dạng như vậy đã giúp người dân dễ dàng bày tỏ quan điểm, đóng góp ý kiến.

Công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên và các xã, phường, thị trấn của tỉnh Hưng Yên còn được triển khai nghiêm túc, đồng bộ với nhiều hình thức, như hội nghị, hội thảo, tọa đàm... Qua đó, người dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, nội dung của dự thảo sửa đổi Hiến pháp, giúp nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần trách nhiệm công dân, thúc đẩy sự tham gia chủ động và tích cực của nhân dân.

“Các ý kiến tham gia góp ý với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm cao, thể hiện rõ quan điểm đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; đồng thời khẳng định, dự thảo Nghị quyết được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chất lượng, bám sát tình hình thực tiễn”, ông Nguyễn Bật Khánh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hưng Yên khẳng định.