Kỷ nguyên mới trong quan hệ Anh - EU
Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về một thỏa thuận mới nhằm thiết lập lại quan hệ sau cuộc "ly hôn" năm 2020.
Thỏa thuận gồm nhiều vấn đề như an ninh, năng lượng, thương mại, du lịch, nghề đánh bắt cá... đã mở ra chương mới trong quan hệ giữa hai bên sau nhiều năm căng thẳng hậu Brexit (khi Anh rời khỏi EU).

Chính phủ Anh cho biết, thỏa thuận mới sẽ "hỗ trợ việc làm cho người dân Anh", giúp thực phẩm trở nên rẻ hơn, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường EU và đóng góp gần 9 tỷ bảng Anh (12 tỷ USD) vào nền kinh tế nước này năm 2040. Thỏa thuận sẽ giúp việc xuất nhập khẩu thực phẩm và đồ uống dễ dàng hơn khi giảm bớt thủ tục hành chính. Các xe tải sẽ không phải xếp hàng dài đợi ở biên giới. Những cuộc kiểm tra thường lệ đối với sản phẩm nông nghiệp cũng sẽ được gỡ bỏ, cho phép hàng hóa lưu thông tự do trở lại.
Chính phủ Anh thông tin, EU là đối tác thương mại lớn nhất của Anh. Sau khi xuất khẩu giảm 21% và nhập khẩu giảm 7%, Vương quốc Anh có thể xuất khẩu trở lại nhiều sản phẩm như bánh mì kẹp thịt, xúc xích... vào EU, từ đó hỗ trợ các ngành công nghiệp quan trọng của Anh. Đáng chú ý, hai bên đã nhất trí về "quan hệ đối tác an ninh và quốc phòng" mới, mở đường cho ngành công nghiệp quốc phòng của Anh tham gia vào quỹ quốc phòng "Hành động an ninh cho châu Âu" trị giá 150 tỷ bảng Anh do EU đề xuất. Thỏa thuận cũng gia hạn quyền đánh bắt cá cho tàu của EU ở vùng biển của Anh cho đến năm 2038, một thỏa thuận mà Brussels đặc biệt mong muốn. Thủ tướng Anh Keir Starmer đã mô tả thỏa thuận này là "có lợi cho cả hai bên", trong khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định, đây là “một chương mới, tái khởi động quan hệ đối tác EU - Anh”.
Thỏa thuận này là một phần trong mục tiêu lớn hơn của ông Keir Starmer kể từ khi trở thành Thủ tướng Anh vào tháng 7 năm ngoái nhằm "thiết lập lại" quan hệ với EU, gần 9 năm sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. Trên thực tế, khoảng 10% tài sản của ngành Ngân hàng và 40.000 việc làm của xứ sở Sương mù đã chuyển đến các thành phố như Paris, Frankfurt, Dublin, Luxembourg và Amsterdam. Sau Brexit, lượng người di cư ròng vào Vương quốc Anh tăng mạnh, đạt mức cao kỷ lục gần 1 triệu người tính đến tháng 6-2023.
Bên cạnh đó, bối cảnh địa chính trị đã thay đổi mạnh mẽ khi diễn ra cuộc xung đột Nga - Ukraine và chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc. Vương quốc Anh và EU đã đề xuất các biện pháp trừng phạt đối với Nga, gây sức ép với Tổng thống Nga Vladimir Putin để ngừng bắn vô điều kiện. Sự trở lại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người có tư tưởng “hoài nghi” về châu Âu, đã làm tình hình thêm phức tạp. Với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, ông Donald Trump có cái nhìn không mấy thiện cảm với EU, yêu cầu khối này giảm sự phụ thuộc vào Washington và tăng chi tiêu quốc phòng.
Cả Mỹ và EU đều đã công bố một loạt thuế quan và đang tạm dừng trong 90 ngày cho đến tháng 7-2025 để đàm phán. Do đó, thỏa thuận EU - Anh vừa thiết lập sẽ giúp London và Brussels hợp tác chặt chẽ hơn khi Washington ra tín hiệu sẽ giảm cam kết đối với an ninh châu Âu và áp đặt thuế quan đối với các đối tác thương mại. EU và Vương quốc Anh có động lực để hợp tác nhằm giúp nền kinh tế của mỗi bên mạnh nhất có thể, đặc biệt là khi có những câu hỏi bắt đầu được đặt ra về vai trò toàn cầu của Mỹ.
Đảng Lao động đã cam kết sẽ xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Brussels nhưng cũng đưa ra những “giới hạn đỏ” để tránh "các chia rẽ", bao gồm không quay trở lại thị trường chung EU, không có liên minh thuế quan và không có quyền tự do đi lại. Trong khi đó, các chính trị gia cứng rắn đã chỉ trích nỗ lực của ông Keir Starmer, cáo buộc chính phủ "phản bội Brexit". Nhận định về vấn đề này, David Henig, chuyên gia về chính sách thương mại của Anh tại Trung tâm Kinh tế chính trị quốc tế châu Âu cho rằng, bất chấp một số người tiếp tục phản đối việc tái thiết quan hệ với EU, hầu hết người Anh mong muốn đã đến lúc phải tiến lên phía trước.
Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội quốc gia (Niesr) Stephen Millard cho biết: "Một thỏa thuận thương mại với EU có nhiều khả năng thay đổi tình hình hơn là các thỏa thuận với Ấn Độ và Mỹ". Sau quá trình chia tách kéo dài và tốn kém giữa Anh và EU, hai bên đang dần xích lại gần nhau để thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.
(theo Startribune, The Guardian, RTE, LA Times, India Express)