Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025)Giá trị trường tồn của tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta đặc biệt quan tâm tới đạo đức cách mạng. Nội dung nhiều quy định, chỉ thị của Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên đều trở lại những giá trị căn cốt trong di sản Hồ Chí Minh về đạo đức. Điều đó chứng tỏ rằng tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vẹn nguyên giá trị, soi đường đổi mới, hướng tới tương lai, trường tồn cùng dân tộc và nhân loại.

Vì sự phồn vinh của đất nước và hạnh phúc của nhân dân
Hồ Chí Minh là lãnh tụ luôn luôn gắn liền lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm, tư tưởng với hành động. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chứa đựng những tư tưởng lớn và tư tưởng của Người được phản ánh, thấm sâu vào từng hành vi, việc làm từ lớn đến nhỏ, hằng ngày, suốt đời. Tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người là minh chứng hùng hồn, tỏ rõ vai trò to lớn và sức mạnh vô địch của đạo đức cách mạng. Đúc kết về xây dựng một con người “hoàn toàn” cần hai phẩm chất là đức và tài, trong đức có tài (trí), trong tài có đức (vì con người), nhưng đức là gốc, là nền tảng. Nó như gốc của cây, nguồn của sông, sức mạnh con người gánh nặng đường xa, vốn trong sản xuất, kinh doanh. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Sông phải có nguồn, không có nguồn thì sông cạn. Gánh nặng đường xa phải có sức mạnh, không có sức mạnh thì không thể tới đích. Sản xuất, kinh doanh phải có vốn, vốn càng nhiều, lãi càng lớn; không có vốn không thể kinh doanh. Tài của con người, xét tận cùng, cũng để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đó cũng chính là cốt lõi của đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh nêu lên vẫn vẹn nguyên giá trị hôm nay.
Không những trong giải phóng dân tộc, mà ngày nay trong công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đạo đức cách mạng theo tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh mang tính thời sự nóng hổi, vẹn nguyên giá trị. Cách mạng cần đạo đức. Con người cần đạo đức. Đó là nguyên lý của học thuyết đạo đức cách mạng Mác - Lê-nin mà Hồ Chí Minh là biểu tượng sáng ngời. Xét tận ngọn ngành, 95 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam thắng lợi là nhờ đạo đức, nhờ những con người Việt Nam có đạo đức. Công cuộc đổi mới đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng lớn đều có gốc rễ sâu xa từ đạo đức cách mạng theo tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh.
Bài học sáng giá về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho hôm nay có cội nguồn vì nước vì dân. Xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân, vì nước, vì dân thì mới đi đến thành công của mọi việc khác. Nếu xa rời, thoát ly đạo đức cách mạng theo tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh, cách mạng sẽ gặp khó khăn, giẫm chân tại chỗ, thậm chí trả giá thất bại. Đã có những bài học nhỡn tiền.
Lê-nin nói, đại ý: Con người có ba cái chết, đó là chết về chính trị, chết về đạo đức và chết về thể xác. Có những người chưa chết về thể xác, nhưng chết về đạo đức, chính trị. Trong đổi mới, đặc biệt những năm gần đây, bên cạnh những cán bộ tốt, đáng tiếc có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, cả người lãnh đạo, có chức, có quyền, giàu có về tiền bạc, của cải, vật chất, nhưng lại nghèo về đạo đức cách mạng. Họ thiếu và không chịu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức theo tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh, trở thành “tù binh” của quyền lực, của tiền bạc, rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân. Vì suy thoái, tha hóa về đạo đức cách mạng nên họ phải vào vòng lao lý. Đây là bài học vô cùng sâu sắc và đắt giá mà mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thấm thía, luôn luôn khắc sâu, ghi nhớ, đừng để đi vào “vết xe đổ” đau xót đó.
Thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư
Trong di sản phong phú về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những bài học về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư nổi lên những giá trị đặc biệt. Thế giới đổi thay, đất nước phát triển, nhưng tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh về thực hành cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư vẫn nguyên giá trị. Trong thời đại khoa học công nghệ vẫn rất cần chữ cần. Đó là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng, dẻo dai. Thực hành chữ cần trong bối cảnh hiện nay không hoàn toàn theo nghĩa hẹp “tay siêng làm, hàm siêng nhai”, mà có nội dung rộng, sâu sắc, đó là học tập suốt đời theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh. Xét dưới góc độ đạo đức, học tập suốt đời là cần. Vì siêng học tập thì mau tiến bộ; siêng nghĩ ngợi để có sáng kiến. Thế giới đang đi nhanh, ta dừng lại, đi chậm sẽ không theo kịp tình thế, sẽ bị bỏ rơi, bị các bạn tỉnh táo, nhanh nhẹn vượt đi trước. Thực tế đó đòi hỏi tất cả chúng ta phải cần, cả nước đều phải cần, để đất nước mạnh giàu.
Hiện nay cả nước, các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp đang phải bứt phá, tăng tốc. Vì vậy phải làm khẩn trương. Đã nói là phải làm hăng hái, chăm chỉ, chuyên chú, làm cho ra trò làm, không được chậm trễ “nay lần mai lữa”. Đã làm là phải có kết quả “cân, đo, đong đếm” được. Tiết kiệm thì phải kiên quyết chống lãng phí, không xa xỉ. Phải chống lối làm việc chậm trễ. Phải nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thể chế để tránh gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực, nhất là nguồn lực con người và cơ hội phát triển. Phải thúc đẩy bộ máy nhà nước các cấp hoạt động mạnh hơn, hiệu quả hơn; cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà. Phải xử lý nghiêm, đúng quy định loại cán bộ thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Kiên quyết chống lãng phí tài sản và vốn đầu tư công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả. Phải giải quyết dứt điểm các dự án sử dụng nhiều vốn, tài nguyên quốc gia hàng chục năm không thể khai thác sử dụng.
Chưa bao giờ hệ thống chính trị cần phải nghiêm túc thực hành văn hóa liêm chính và phẩm chất chí công vô tư như hiện nay. Bởi vì “thiếu một đức thì không thành người”. Liêm phải đi đôi với kiệm, vì xa xỉ mà sinh ra tham tiền, tham địa vị, tham danh tiếng. Liêm là trong sạch, không tham lam. Ngược lại với liêm là bất liêm, mà nguy hại nhất là tham nhũng quyền lực. Cán bộ cậy quyền thế để tham ô, tham nhũng, quan liêu, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Chính là chính trực, thẳng thắn, đứng đắn. Theo gương Bác, cán bộ, đảng viên phải liêm chính trước làm gương mẫu cho nhân dân noi theo. Mình không liêm chính mà muốn người khác liêm chính là vô lý. Quan trọng nhất của văn hóa liêm chính là để việc nước, việc dân lên trên, lên trước việc tư, việc nhà. Phải thương yêu, quý trọng, tin tưởng, giúp đỡ nhân dân. Phải chân thành, khiêm tốn, thật thà đoàn kết, hiểu dân, học hỏi, gần gũi nhân dân. Việc gì có hại cho dân, dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì có lợi cho dân, dù nhỏ mấy cũng làm. Đã làm phải có tinh thần phụ trách, làm đến nơi đến chốn, không né tránh, đùn đẩy, không sợ trách nhiệm, không tranh công, đổ lỗi.
Thực hành chí công vô tư là đặt việc của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết, trước hết. Đó là cốt lõi của đạo đức cách mạng. Ngược lại với chí công vô tư là chủ nghĩa cá nhân, giặc trong lòng, một thứ vi trùng rất độc đẻ ra hàng trăm thứ bệnh nguy hiểm, cần phải tiêu diệt. Cần kiệm liêm chính là thước đo sự giàu có về vật chất, mạnh về tinh thần, văn minh, tiến bộ của một dân tộc. Cán bộ, đảng viên phải thấm sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân, để hằng ngày, suốt đời học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương của Người về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Đó là cội nguồn sâu xa để Tổ quốc phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.